Làng nghề hương truyền thống hối hả vụ Tết

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, làng nghề hương Tây Lân (xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) lại tất bật sản xuất hương để kịp giao cho khách. Mỗi ngày các cơ sở nơi đây sản xuất hàng vạn búp hương ra thị trường.

Làng nghề hương thẻ Tây Lân (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tất bật vào vụ Tết.

Những ngày cuối năm, làng nghề hương Tây Lân ở xã Nghi Trường (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lại “chạy” hết công suất để sản xuất hàng bán Tết. Nhu cầu tăng cao, để kịp sản xuất hàng giao cho khách đúng hạn, nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân công về làm thời vụ, trả lương theo sản phẩm.

Làng hương thẻ Tây Lân đã có từ lâu đời và được công nhận làng nghề vào năm 2011. Đợt cao điểm, nơi đây có hàng chục hộ sản xuất hương thẻ. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất cả hàng vạn búp hương bán ra khắp thị trường trên cả nước.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, cơ sở sản xuất hương của chị Nguyễn Thị Lý (làng nghề Tây Lân) phải thuê 30 nhân công về làm để kịp hàng giao cho khách. Mỗi ngày, cơ sở của chị Lý sản xuất hơn 1,5 vạn búp hương đưa ra thị trường.

Chị Lý cho hay, hương ở làng nghề Tây Lân có chất lượng khác hẳn với những nơi khác nên được khách hàng ưa chuộng. Sự khác biệt nằm ở nguyên liệu sản xuất hương. Theo đó, hương ở Tây Lân được sản xuất từ nguyên liệu thảo mộc tự nhiên như: rễ hương, quế, bã mía.

“Các nguyên liệu từ tự nhiên, được sấy khô xay nhỏ, pha trộn theo bí quyết nhà nghề nên đảm bảo sạch, an toàn. Hương thơm, dễ cháy, lâu tàn, không gây độc hại với sức khỏe người sử dụng, cũng như người sản xuất”, chị Nguyễn Thị Lý chia sẻ.

Chị Lý cho hay, ngày trước ở làng nghề sản xuất bằng thủ công nên sản lượng ít. Ngày nay, các hộ trong làng nghề đều đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị làm hương hiện đại như: máy trộn nguyên liệu, máy bắn que hương. Nhờ máy móc trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa thơm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Dịp Tết này, bà Nguyễn Thị Phúc (53 tuổi, trú xã Nghi Trường) lại đến làm thuê cho các cơ sở hương trên địa bàn xã. Mỗi ngày, bà Phúc sản xuất được hàng nghìn que hương và nhận về từ 260 nghìn đến 300 nghìn đồng/1 ngày.

Chia sẻ về các công đoạn làm hương, bà Phúc cho hay, các nguyên liệu sau khi được sấy khô, xay nhỏ, trộn đều theo tỷ lệ thì người thợ chỉ cần cho nguyên liệu vào phễu máy. Cồi hương được cho vào khay cố định rồi máy sẽ tự động cho ra những cây hương thành phẩm.

"Làm việc này không nặng nhọc nhưng làm luôn tay. Vì máy sản xuất nhanh và mình cũng phải làm nhanh cho kịp. Đặc biệt dịp Tết này lượng tiêu thụ cao nên việc sản xuất cũng nhiều hơn trước", bà Nguyễn Thị Phúc chia sẻ.

Mặc dù đã có máy làm nhưng sau khi xong, những người thợ phải kiểm tra kỹ để loại bỏ những que hương bị lỗi.

Hương sau khi làm xong sẽ được rải ra khay và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Thời tiết càng nắng, hương càng nhanh khô và đẹp. Trung bình, hương được phơi khoảng 1 ngày sẽ khô ráo, hoàn chỉnh.

Hương sau khi phơi khô được chuyển sang cho những nhân công quấn thành từng búp và dán nhãn để giao cho khách. Được biết, hương ở làng nghề Tây Lân không chỉ phục vụ các thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước Lào.

Ông Nguyễn Duy Châu - Chủ tịch UBND xã Nghi Trường cho biết, làng nghề hương Tây Lân trước đây có rất nhiều hộ sản xuất. Tuy nhiên sau này khi đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, các hộ đã gộp lại, chung vốn để cùng nhau sản xuất. Các cơ sở sản xuất hương trên địa bàn mang lại công việc và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.

Ngọc Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lang-nghe-huong-truyen-thong-hoi-ha-vu-tet-post1603328.tpo