Lắng nghe giáo viên để gỡ khó trong lĩnh vực giáo dục

Giáo viên tham gia đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT. Ảnh: L.HÙNG

Sở GD-ĐT vừa phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo sở, huyện với cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động (CBQLGVNLĐ) và phụ huynh học sinh các trường học trên địa bàn huyện. Hoạt động này nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thực hiện tốt công tác dạy và học trong thời gian tới.

Chia sẻ khó khăn

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh đã gửi đến lãnh đạo Sở GD-ĐT và huyện Sơn Hòa. Ông Nguyễn Hữu Nhiều, Hiệu trưởng Trường THCS Suối Bạc đặt vấn đề: Nhằm đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học, trong những năm qua, công tác chỉ đạo không để xảy ra tình trạng học sinh tiểu học bỏ học đã được quan tâm, nhưng thực chất một số học sinh khối này vẫn bỏ học hoặc đi học kiểu “giã gạo” (nay học, mai nghỉ - PV), xảy ra tập trung ở các khối lớp 3, 4, 5. Điều này gây áp lực lớn cho cấp THCS, nhất là việc tuyển mới học sinh vào lớp 6 và duy trì sĩ số học sinh.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD-ĐT) Trần Ngọc Hiệp cho rằng: Việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục là của cả hệ thống chính trị chứ không riêng hiệu trưởng hay các thầy cô giáo. Phú Yên có ban phổ cập giáo dục và xóa mù chữ từ tỉnh đến xã, trong đó, hiệu trưởng từ trường mầm non đến THCS đều là thành viên trong ban nên đều phải có trách nhiệm. Tất cả thành viên phải chung sức thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hoặc đi học kiểu “giã gạo”.

Một số giáo viên thì băn khoăn về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THCS. Theo đó, các giáo viên phải dạy liên môn, trong khi bằng cấp đào tạo hiện tại chỉ 1-2 môn. Về vấn đề này, ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Trung học - Thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết: Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, ngành mới thực hiện ghép một số môn học như: Mỹ thuật ghép với Âm nhạc, Lịch sử ghép với Địa lý, Khoa học tự nhiên ghép các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Dù đã thực hiện ghép môn nhưng sở chỉ đạo giáo viên dạy chuyên môn nào thì dạy môn đó. Đến thời điểm trường có giáo viên được đào tạo dạy liên môn thì giao dạy các môn ghép. Vì vậy, giáo viên hiện dạy các môn ghép vẫn không ảnh hưởng. Để đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Dương Bình Luyện đề nghị những giáo viên chưa có chứng chỉ 3 phân môn thì đăng ký học để được cấp chứng chỉ. Dự kiến khoảng 7-8 năm nữa, chương trình này sẽ hoàn thành, các giáo viên còn trẻ nên chủ động đăng ký học bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu dạy học trong tương lai.

Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Xuân hỏi: Theo quy định tài chính, nhà trường mua sắm thiết bị dạy học không quá 10 triệu đồng, trong khi trường cần mua ti vi và một số đồ dùng khác để trang bị cho việc dạy học nhưng không thực hiện được, do giá mua trên 10 triệu đồng. Giải pháp nào cho bất cập này?

Theo ông Cao Văn Sự, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT), hiện nay không có quy định nào cấm các trường mua tài sản trên 10 triệu đồng. Vì vậy, khi thực hiện việc mua sắm thiết bị, các trường cần căn cứ theo tiêu chuẩn định mức của cấp thẩm quyền và căn cứ khả năng tài chính đơn vị để mua sắm theo đúng thủ tục, quy định đảm bảo cho công tác dạy học tại trường.

Ghi nhận, tháo gỡ

Ngoài những người làm công tác giáo dục, nhiều phụ huynh cũng có thắc mắc gửi đến ngành Giáo dục. Phụ huynh ở Trường mầm non Ea Chà Rang cho rằng việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn như xã Ea Chà Rang đã tạo điều kiện cho con em họ được chăm sóc, giáo dục chu đáo. Tuy nhiên, kinh tế bà con còn khó khăn, do đó việc đóng góp tiền ăn hàng ngày rất khó. Còn phụ huynh Trường tiểu học Suối Bạc thắc mắc, thôn Suối Bạc (xã Suối Bạc) hiện nay, khi cho con đến trường, gia đình phải lo toàn bộ tiền ăn học, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp khác… Vì vậy, nhiều gia đình không đủ điều kiện để cho con em tiếp tục theo học. Lãnh đạo các cấp có giải pháp nào hỗ trợ?

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa Hoàng Vũ Anh cho biết: Hiện nay, đối với trẻ từ 3-5 tuổi ở Trường mầm non Ea Chà Rang, trường tổ chức học bán trú, ăn mỗi ngày 2 bữa (trưa và xế). Mỗi tháng tiền ăn là 264.000 đồng/trẻ, trong đó Nhà nước hỗ trợ 160.000 đồng/cháu, gia đình góp thêm 104.000 đồng/tháng. Việc phụ huynh đề nghị hỗ trợ thêm tiền ăn cho các cháu là không thể được vì đây là quy định. Ông Hoàng Vũ Anh đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ thêm để tăng tiền ăn cho các cháu.

“Theo chính sách hỗ trợ, hiện học sinh thuộc diện hộ nghèo đều được miễn học phí, học sinh thuộc diện hộ cận nghèo giảm 50% học phí. Điều này cũng góp phần chia sẻ khó khăn cho các hộ nghèo, cận nghèo để có điều kiện cho con em đến trường. Về phía nhà trường, cần tiếp tục phát huy việc nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc giúp đỡ trong học tập để các em có điều kiện học tập, đến trường”, ông Anh nói.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ, ngoài tổ chức đối thoại tại huyện Sơn Hòa, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương khác tiếp tục thực hiện chương trình này. Tại huyện Sông Hinh, đối thoại sẽ được tổ chức vào ngày (23/2), TX Sông Cầu (2/3) và TP Tuy Hòa (16/3). Qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, công tác dạy và học…

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/294623/lang-nghe-giao-vien-de-go-kho-trong-linh-vuc-giao-duc.html