Làng nghề đồ gỗ Canh Nậu: Nơi tinh hoa đồ thủ công mỹ nghệ đất Bắc

Nằm ở phía nam huyện Thạch Thất (Hà Nội), làng nghề đồ gỗ Canh Nậu từ bao đời nay nổi tiếng có nhiều nghệ nhân tài ba, nơi sản xuất ra hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo góp phần xây dựng lên thương hiệu làng nghề gỗ Canh Nậu vươn tầm quốc tế.

Mảnh đất nghề mộc

Huyện Thạch Thất, TP Hà Nội có hơn 50 làng nghề truyền thống, thu hút hàng chục nghìn lao động nông thôn. Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn, Hương Ngải... đều là những làng nghề làm đồ gỗ truyền thống. Trong số các làng nghề truyền thống đó, Canh Nậu, diện tích khoảng 5,06 km², với dân số khoảng 17.690 người, từ bao đời nay nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ truyền thống, hầu hết các hộ gia đình tại đây đều làm nghề "Cha truyền con nối" này.

Chính những điều đó đã giúp làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển chung của huyện Thạch Thất, đồng thời cũng dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần mang lại những giá trị kinh tế cao, thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động trong xã và nhiều địa phương lân cận.

Làng nghề Canh Nậu với diện tích khoảng 5,06 km², với dân số khoảng 17.690 người từ bao đời nay nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ truyền thống.

Hội Làng Nghề Đồ Gỗ Mỹ Nghệ Canh Nậu cũng được thành lập gồm gần 100 hội viên, đúng đầu là ông Nguyễn Đức Đãng làm Chủ tịch Hội… Các ông Đỗ Sơn, ông Đỗ Hữu Long ,ông Đỗ Đăng Kính ,và các ông trống Bản chấp hành Hội cũng đang miệt mài xây dựng thương hiệu cho làng nghề Canh Nậu, các hộ gia đình có sản phẩm đăng ký đạt chuẩn OOCP, và nhiều các mặt hàng khác cạnh tranh từ mẫu mã đa dạng đến giá cả.

Theo Đỗ Sơn - Phó Chủ tịch Hội làng nghề đồ gỗ Canh Nậu, nghề Đồ gỗ Canh Nậu ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Thời đó, làng Canh Nậu xuất hiện một nhân vật tài hoa, đức độ, nghị lực phi thường, với mong muốn phát triển làng nghề truyền thống và tiếp thu tinh hoa của nhân loại, khi tuổi còn rất trẻ ông đã theo thầy buôn ba học nghề mộc rồi về quê truyền lại nghề cho người dân trong xã Canh Nậu. Ông chính là cụ Phó Lực, tức cụ Phó Già, hiệu Phúc Triều, người thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Cũng từ đây, làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu dần hình thành và phát triển với nhiều sản phẩm độc đáo.

Ở hiện tại, các sản phẩm đồ gỗ Canh Nậu rất đa dạng về chủng loại từ gỗ công trình đến gỗ mỹ nghệ… mẫu mã và phát triển rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều mặt hàng từ gỗ tự nhiên như: Sồi, Gụ, Hương, Mít, Gõ,Lim... được chế tác tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của các thợ thủ công lành nghề, nghệ nhân tài ba nơi đây đã cho ra những sản phẩm đồ nội - ngoại thất gia đình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và khắp cả nước.

Không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế cho địa phương, làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu còn là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống. Nhờ vậy, năm 2002, làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống – chính thức đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển làng nghề của người dân nơi đây.

Gìn giữ, phát huy nghề “Cha truyền con nối”

Theo ông Đỗ Sơn, làng nghề Canh Nậu hiện tại dù đã và đang phát triển toàn diện về mọi mặt. Tuy nhiên, dù là làng nghề thủ công truyền thống nhưng hiện vẫn chưa lan tỏa được đến hầu hết mọi người. Dù vậy, với mong muốn gắn kết các đồng nghiệp trong làng nghề, mà cá nhân ông Sơn và anh em trong Hội đang có kế hoạch xin cấp phép xây dựng một không gian văn hóa trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để du khách có cơ hội được tham quan, trải nghiệm khi ghé thăm làng nghề thủ công truyền thống. Mục đích chung là muốn quảng bá sâu rộng, hướng tới tương lai biến thành một loại hình du lịch.

Hiện, Hội làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu đã thu hút được rất nhiều thành viên, trong đó là những người thợ lành nghề, nghệ nhân giỏi... đều đặn tham gia sinh hoạt với mục tiêu hỗ trợ nhau phát triển sản xuất và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Mục tiêu của Hội là hướng đến sứ mệnh hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu xa hơn tới quốc tế.

Ông Đỗ Sơn - Phó Chủ tịch Hội làng nghề đồ gỗ Canh Nậu (bìa trái), ông Đỗ Vệ (bìa phải) đều là những người thợ có tay nghề cao, luôn tâm huyết với nghề tại làng.

"Hội làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu quy tụ nhiều cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chuẩn 4 sao, điển hình là hộ kinh doanh của gia đình anh Đỗ Hữu Long. Kế thừa và phát triển kỹ thuật gia truyền của dòng họ, anh Long đã làm nên nhiều sản phẩm chạm khắc tinh xảo, có tính mỹ thuật cao. Hiện nay, hộ kinh doanh của anh đang sở hữu 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao là: Ghế Guột Dơi, Sập Mành Trúc, Trường Kỷ và Tủ Chè", ông Đỗ Sơn cho biết.

Ngoài ra, còn hộ kinh doanh của anh Đỗ Thế Vệ - một hộ kinh doanh có tiếng tại làng Canh Nậu với quy mô diện tích xưởng lớn nhất, nhì tại làng. Chia sẻ với báo chí, anh Đỗ Vệ cho biết: "Chúng tôi đang có ý tưởng phục hồi làng nghề để cho phát triển thành điểm du lịch. Do vậy, tất cả các hộ doanh nghiệp to và nhỏ trong làng đều ngày ngày cố gắng phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy nghề truyền thống từ thời cha ông để lại".

Thành lập từ năm 2013, Hội Làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu (Thạch Thất, TP Hà Nội) là nơi quy tụ nhiều hộ kinh doanh, thợ lành nghề, nghệ nhân tài ba về đồ gỗ. Mục tiêu của Hội là hướng đến sứ mệnh hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu làng nghề gỗ Canh Nậu vươn tầm quốc tế.

Cũng theo phó Chủ tịch Hội, từ khi thành lập đến nay thì Hội luôn đề ra các phương hướng cụ thể nhằm giúp các thành viên trong Hội nâng cao tay nghề, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh cũng như năng lực để phát triển bền vững. Hội cũng tích cực vận động các thành viên là những nghệ nhân, thợ giỏi… để giúp sức cho Hội phát triển. Bên cạnh đó, Hội luôn nhận thức về sự đoàn kết, tăng cường trao đổi kinh nghiệm sản xuất, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ uy tín sản phẩm làng nghề, đồng thời đề cao đạo đức, văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.

Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên trong Hội đã nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh về các quy luật để tiếp cận thị trường, đồng thời hỗ trợ các thành viên từng bước nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

Thực hiện tiêu chí "Nhà nhà cùng phát triển - người người cùng ấm no" nên Hội không ngừng vận động các thành viên thực hiện tốt việc nộp thuế cho Nhà nước, tạo việc làm ổn định cho khoảng 40% đến 50% dân số trên địa bàn xã với mức lương bình quân từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh của các thành viên, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động phối hợp tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện lễ hội tại địa phương... nhằm tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm, đồng thời gắn kết các hội viên, làng nghề. Động viên các thành viên tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP.

Hội làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu quy tụ nhiều cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chuẩn 4 sao...

Tuy nhiên, sau đợt dịch bệnh COVID-19 đã phần nào ảnh hướng tới đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại làng, khiến việc sản xuất và kinh doanh của người dân địa phương nói chung và của các thành viên của hội nói riêng gặp nhiều khó khăn. Người dân thắt chặt chi tiêu sau đại dịch khiến cho sức mua các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ từ gỗ giảm sút. Ngoài ra, tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất cũng đang là một trong những vấn đề nan giải hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu cho biết, hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh tại đây đều có mặt bằng chật hẹp chủ yếu sản xuất tại nhà, nhiều cơ sở phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất, thậm chí nhiều xưởng phải mang vật liệu ra đường để đánh ráp, cưa, đục… do đó có nhiều bất cập trong việc xử lý nước xả thải, ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất còn nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc duy trì sản xuất quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ chính là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất không đủ sức ký nhận các hợp đồng lớn, không mạnh dạn cải tiến sản phẩm, không đủ tầm vạch ra chiến lược kinh doanh hoặc định hướng phát triển nghề…

Do vậy, để làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu phát huy được những giá trị của làng nghề truyền thống, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò rất quan trọng.

"Tôi mong muốn các cấp chính quyền xem xét quỹ đất làng nghề để Hội có địa điểm sản xuất tập trung cũng như địa điểm sinh hoạt Hội nhằm bảo đảm cho việc phát triển lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó, người dân Canh Nậu cũng khao khát có một địa điểm làm bảo tàng, nơi trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề..." - Phó Chủ tịch Hội làng nghề Đồ gỗ Canh Nậu bày tỏ.

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại làng Canh Nậu:

Các sản phẩm đồ gỗ do các người thợ lành nghề tại làng Canh Nậu chế tác.

Tác phẩm nhà gỗ với thiết kế độc đáo, tinh xảo.

Đều đặn hàng ngày, những người thợ làng nghề đồ gỗ truyền thống Canh Nậu luôn tận tâm, tận hiến với nghề một phần đóng góp vào sự phát triển của làng quê và đất nước.

Bài và ảnh: Đình Trung - Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lang-nghe-do-go-canh-nau-noi-tinh-hoa-do-thu-cong-my-nghe-dat-bac-post276034.html