Lắng nghe 'Điều em muốn nói'

Được xây dựng rộng khắp ở 198 liên đội trong toàn tỉnh, hòm thư 'Điều em muốn nói' đã và đang trở thành nhịp cầu kết nối yêu thương giữa học sinh với giáo viên, phụ huynh. Từ hòm thư đặc biệt này, nhiều nỗi niềm sâu kín của các em nhỏ đã được lắng nghe, chia sẻ và giải quyết.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thành phố Đông Hà gửi gắm tâm tư, nguyện vọng qua hòm thư “Điều em muốn nói” - Ảnh: T.L

Đến Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thành phố Đông Hà, có thể thấy ngay hòm thư “Điều em muốn nói” đặt ở một vị trí trang trọng. Mỗi lúc có nỗi niềm gì, các cô cậu học trò có thể đến và gửi vào một bức thư. Đều đặn kiểm tra hòm thư “Điều em muốn nói” hằng tuần, cô giáo Lê Thị Hà Phương, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, mô hình này đã được triển khai nhiều năm nay và trở thành một kênh truyền thống để nhà trường lắng nghe, thấu hiểu học sinh. Vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của Hội đồng Đội tỉnh và các đơn vị liên quan, hòm thư “Điều em muốn nói” cũ đã được thay thế mới, bắt mắt hơn. “Chúng tôi tôn trọng, trân quý từng điều học sinh muốn nói. Bao giờ cũng vậy, các thầy cô, đặc biệt là thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và sẽ nỗ lực để tiếp thêm sức mạnh cho các em nhỏ”, cô Hà Phương chia sẻ.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc, huyện Hướng Hóa, tuy mới được lắp đặt nhưng hòm thư “Điều em muốn nói” đã phát huy hiệu quả. Thầy giáo Lê Đức Anh, Tổng phụ trách Đội của trường cho biết, nhờ hòm thư, các thầy, cô giáo đã kịp thời phát hiện, “gỡ rối” cho nhiều học sinh. Mới đây, thầy Đức Anh nhận được bức thư của một học sinh chia sẻ nỗi lo lắng khi đứng trước nguy cơ nghỉ học. Sau khi nắm bắt tình hình, ngay lập tức, thầy giáo tổng phụ trách đội đã sớm thông tin với ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, rồi cùng đến nhà tìm hiểu nguyên nhân, qua đó tìm cách giúp đỡ học sinh. Nhờ sự tiếp sức của nhà trường, hiện tại, học sinh gửi gắm nỗi lòng vào hòm thư “Điều em muốn nói” đã yên tâm đến trường.

Thầy Lê Đức Anh tâm sự: “Liên đội Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc có 324 đội viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Các em gặp rất nhiều thử thách trong học tập và cuộc sống. Thế nhưng, vì e ngại nên học sinh thường ít mở lòng, sẻ chia trực tiếp về những vấn đề mà mình gặp phải. Thật may khi hòm thư “Điều em muốn nói” ra đời”.

Nhắc đến những tín hiệu vui từ hòm thư “Điều em muốn nói”, chị Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng Ban Thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh cho biết, đây là một trong những mô hình được triển khai thành công trên cả mong đợi của Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh. Từ trước đến nay, cũng như các cán bộ đoàn, đội khác, chị Vĩnh An luôn trăn trở tìm cách thấu hiểu, chia sẻ với đội viên nhiều hơn. Vì thế, khi đến thăm một số ngôi trường trên địa bàn tỉnh và thấy những hòm thư gửi gắm tâm tình, một câu hỏi lóe sáng trong tâm trí chị An cũng như các cán bộ đoàn, đội khác: “Tại sao không xây dựng đồng loạt mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” để tiếp sức cho học sinh?”. Đó là lý do thôi thúc các cán bộ đoàn, đội liên lạc ngay với đơn vị liên quan, rồi đi đến thống nhất xây dựng, triển khai mô hình. Ngay sau đó, 198 hòm thư “Điều em muốn nói” đã được gửi tặng đến từng liên đội trên địa bàn để lắp đặt, đưa vào sử dụng.

Không phụ sự kỳ vọng của các cán bộ đoàn, đội, ngay sau khi được xây dựng, 198 hòm thư “Điều em muốn nói” đã phát huy tác dụng. Trước đây, dù ban giám hiệu và giáo viên các trường hướng trái tim yêu thương đến học sinh nhưng nhiều em nhỏ vẫn e ngại khi trực tiếp chia sẻ những điều sâu kín với thầy cô. Vì giữ nỗi niềm riêng nên một số em đối diện nhiều áp lực. Mọi chuyện thay đổi từ ngày có hòm thư “Điều em muốn nói”.

Thông qua hòm thư, những điều ước giản đơn, mong muốn nhỏ bé nhưng là tất cả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh muốn gửi đến ba mẹ, thầy cô, bạn bè và mọi người đã được chia sẻ như: “Ba mẹ ơi! Đừng so sánh con với bất kỳ ai”, “Ba mẹ hãy dành cho con một chút thời gian?”, “Em muốn sân trường có nhiều cây xanh hơn”.... Hòm thư “Điều em muốn nói” cũng là kênh để phát hiện, kịp thời biểu dương những tấm gương tốt, việc làm đẹp. Đặc biệt, nhiều vấn đề “nóng” đã được ghi nhận, phát hiện và ngăn chặn qua những bức thư của các cô cậu học trò như: Gian lận thi cử; bạo lực học đường; tình trạng tẩy chay, cô lập…

Để có tín hiệu khả quan ấy, ngay từ những ngày đầu triển khai, ban giám hiệu và giáo viên các trường, trong đó tổng phụ trách đội giữ vai trò chủ công đã tích cực tuyên truyền, động viên, khuyến khích học sinh mạnh dạn gửi gắm điều muốn nói. Ngoài nỗi niềm riêng, các thầy, cô khuyến khích học sinh sẻ chia về nhiều vấn đề khác liên quan đến gia đình, bạn bè, nhà trường… Yêu cầu giữ bí mật của một số học sinh được đảm bảo tuyệt đối. Hằng tuần, giáo viên tổng phụ trách đội đều kiểm tra hòm thư, tổng hợp, báo cáo.

Trong phạm vi của mình, tổng phụ trách đội có thể hồi đáp ngay một số điều học sinh chia sẻ. Những vấn đề lớn hơn, ngoài khả năng giải quyết sẽ chuyển đến ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hội cha mẹ học sinh, phụ huynh… Nhờ thế, niềm tin của các em đặt ở hòm thư “Điều em muốn nói” ngày càng cao. Em Lê Trần Kim Anh, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thành phố Đông Hà cho biết: “Các bạn em đều bảo hòm thư “Điều em muốn nói” rất… kỳ diệu. Nó giúp các bạn có thêm niềm vui, vơi đi âu lo”.

Hòa trong niềm vui, chị Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết thêm, hòm thư “Điều em muốn nói” giúp học sinh hiểu rằng mình được lắng nghe, thấu hiểu và sẽ được giúp đỡ. Đây cũng chính là lý do giúp các em thêm tự tin khi cất lên tiếng nói của mình. “Từ viết thư, ngày có càng nhiều học sinh bước qua sự ngại ngần để trực tiếp thông tin, đối thoại tại các diễn đàn với chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường, hội cha mẹ học sinh, phụ huynh… Một số em sớm trở thành viên nòng cốt của Hội đồng Trẻ em tỉnh và các CLB quyền trẻ em. Đó là điều khiến chúng tôi như được tiếp thêm động lực”, chị Vĩnh An thông tin.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167115&title=lang-nghe-%E2%80%9Cdieu-em-muon-noi%E2%80%9D