Làng nghề chao đảo vì giá bột mì

Giá bột mì tăng nhanh chưa từng có trong lịch sử đã khiến hàng nghìn công nhân tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) đứng trước nguy cơ không có việc làm.

Khác với các năm trước, năm nay bánh tráng đưa ra phơi trên các kệ dây ở xã Phú Hòa Đông, huyên Củ Chi không còn nhiều như xưa nữa. Đây đó tại các lò làm bánh vẫn còn bỏ trống rất nhiều giàn phơi, mặc dù trời đang rất nắng. Hỏi những hộ gia đình làm nghề bánh mới biết là do giá nguyên liệu leo thang nên làng bánh tráng không còn rầm rộ như trước. Tại lò bánh tráng Duy Anh (ấp Phú Hào, xã Phú Hòa Đông), chị Nguyễn Thị Liên lau vội những giọt mồ hôi trên má, nói trong lo ngại: “Tôi làm được khoảng 10 năm rồi. Ở đây dân chủ yếu làm nghề tráng bánh, với mức lương 2,5 triệu/tháng cũng khiến gia đình đủ sống. Hiện nay giá bột mì tăng cao quá khiến lò bánh đang giảm công suất làm chúng tôi rất lo. Không biết họ có cắt giảm công nhân không, nếu mà lò bánh ngưng hoạt động thì chúng tôi chưa biết làm gì để sống”. Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Phương (quê An Giang) cho biết, đã lên đây làm bánh tráng được 4 năm với mức lương gần 3 triệu/ tháng. “Với khoản thu nhập này em cũng gửi phụ giúp gia đình bố mẹ và các em ở quê chút ít. Nhưng bây giờ công việc bấp bênh, mất việc bất cứ lúc nào khiến e lo lắm”. Ông Lê Thanh Tùng - quản lý lò bánh tráng Duy Anh, một người thâm niên trong nghề kể: Lò được thành lập từ năm 1992 với công suất 5 – 6 tấn bột mì/ ngày, xuất khẩu sang thị trường các nước như: Pháp, Úc… gần 100 tấn/tháng. Nhưng từ khi giá nguyên liệu tăng lên đột biến thì sản lượng xuất khẩu giảm chỉ còn hơn phân nửa. “Nghề bánh tráng ở đây có từ lâu đời, miếng cơm, manh áo đều nhờ vào bánh tráng cả. Dù biết giá nguyên liệu lên quá cao, lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng mình cũng phải cầm cố vì công nhân thôi” – ông Tùng nói. Tương tự, anh Phan Văn Hùng (ấp Giòng Sào) có thâm niên cả chục năm trong nghề bánh tráng, tâm sự: “Chưa có khi nào làng bánh tráng rơi vào tình trạng sống dở, chết dở như bây giờ. Nếu như năm ngoái lò của tôi làm 50 – 60 bao bột mì/ngày thì nay chỉ còn 20 – 30 bao/ngày”. Trước đây khi giá nguyên liệu đang ổn định thì mỗi tháng trừ chi phí, anh Hùng kiếm được 30 triệu đồng, nhưng giờ thì khác hẳn. Sau khi trang trải đủ thứ chi phí từ A đến Z cho công nhân, các dụng cụ (liếp phơi 4.000 tấm/năm), máy móc, anh Hùng chẳng còn lời đồng nào. Anh Hùng buồn rầu nói: “Bây giờ làm chủ yếu để tạo công ăn việc làm, giữ chân hơn chục lao động để xem nay mai ra sao thôi. Còn nếu cứ khó khăn mãi như thế này thì chỉ có nước đóng cửa”. Theo tìm hiểu của NNVN, trong những năm 2006 đến 2009, làng bánh tráng Phú Hòa Đông ăn nên làm ra, nhiều lò tráng bánh thủ công đã được thay thế bằng các lò tráng bánh công nghiệp, giải quyết hàng nghìn lao động nông nhàn ở địa phương, nâng tổng thu nhập từ nghề bánh tráng hàng năm tại đây lên tới 60 – 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu như năm 2009 giá bột mì chỉ dao động ở mức 100.000 – 150.000đ/bao (50kg), thì năm nay giá bột mì tăng lên chóng mặt tới 320.000đ/bao (50kg), trong khi đó giá bánh tráng bán ra lại không tăng đáng kể đã khiến các chủ lò bánh tráng ở Củ Chi lâm cảnh khốn đốn. Trước đây, làng bánh tráng Phú Hòa Đông cao điểm có tới 1.700 lò đỏ lửa, trong đó có 44 lò tráng máy, hơn 50% số hộ toàn xã cùng làm nghề (4.800 hộ thì đã có 2.500 hộ sống bằng nghề tráng bánh tráng), giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Tuy nhiên, với tình hình giá nguyên liệu tăng cao ngất ngưởng như hiện nay đã khiến hàng nghìn lao động rối như tơ vò vì đứng trước nguy cơ mất việc.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/60322/default.aspx