Làng nghề 'ăn theo' mùa lũ vào mùa

Mùa nước lũ về, các làng nghề đan lưới, đan lờ lợp, làm lưỡi câu, đóng ghe - xuồng… ở các địa phương vùng ĐBSCL tất bật vào mùa sản xuất để cung ứng sản phẩm theo nhu cầu của cầu thị trường...

Sản xuất lợp cá linh ở huyện An Phú (An Giang).

Tất bật vào mùa

Những ngày này, các cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm (huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) hối hả sản xuất lưới, dớn, lú, chài… Tại cơ sở sản xuất lưới Tư Quý, gần 30 công nhân miệt mài làm việc với các công đoạn: Đan lưới, kết lưới, cột phao kéo chì, dập chì… để hoàn thành các tay lưới. “Nghề này làm quanh năm, nhưng thời điểm sản xuất mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn, nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao” - chị Nguyễn Thị Thu Hà (chủ cơ sở Tứ Quý) cho hay. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Hà cung ứng ra thị trường hàng trăm tay lưới các loại.

Làng nghề đan lưới ở quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ).

Ông Nguyễn Trung Tiến - người có gần 30 năm theo nghề sản xuất lưới ở Thơm Rơm - bộc bạch: “Nhờ sản phẩm làm ra đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế kênh, mương, sông, rạch và giá bán vừa túi tiền của bà con nên sản phẩm bán rất chạy”. Ông Tiến cho biết thêm, lưới ở Thơm Rơm có nhiều loại: Lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn bắt các loại cá lớn. Theo nhiều cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm, năm nay do chi phí “đầu vào” (nguyên vật liệu, nhân công, điện…) đều tăng nên giá lưới cũng nhích lên từ 10 - 15%.

Làng lưỡi câu Mỹ Hòa (TP.Long Xuyên, An Giang) không khí sản xuất trong những ngày này cũng rất sôi động với trên 900 lao động làm nghề. Theo ông Trần Thiện Tâm - tổ trưởng một tổ sản xuất tại làng nghề này - đây là nghề truyền thống hình thành từ hơn 40 năm qua, đã gắn bó với người lao động tại địa phương. Sản phẩm của làng nghề tiêu thụ toàn khu vực ĐBSCL và cả một số tỉnh miền Trung. Người lớn tuổi hay trẻ em đều có thể làm được, thu nhập từ 30.000 - 80.000 đồng/người/ngày.

Xuất khẩu sang Campuchia

Cồn Cốc (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) có làng nghề đan lợp cá linh, sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường trong vùng và Campuchia. Ông Nguyễn Văn Tòng (Út Tòng) - tổ trưởng một tổ đan lợp ở cồn Cốc - nói: “Cồn Cốc có 120 hộ, trong đó có 82 hộ làm nghề đan lợp. Nghề này làm quanh năm, đợi đến mùa nước bán sản phẩm cho người dân trong vùng và xuất sang Campuchia. Nghề đan lợp ở cồn Cốc hình thành vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đầu, ông Út Tòng mua vài cái lợp về đặt. Thấy hiệu quả, từ nguồn nguyên liệu tre sóc (tre gai) có sẵn, ông Út Tòng bắt đầu làm lợp..., hình thành làng nghề đan lợp ở cồn Cốc.

Để hoàn thành một cái lợp phải trải qua nhiều công đoạn: Đốn tre, chẻ tre, làm vành, làm nắp, chân, hom... Mỗi người làm bình quân 1 - 2 cái/ngày. Ông Út Tòng kể: “Nếu nước lên mạnh thì dân ở vùng này sống khỏe vì vừa làm nghề, vừa tham gia đánh bắt thủy sản. Đầu vụ đến nay, tổ đan lợp đã xuất 5.000 cái lợp sang Campuchia, tính ra mỗi hộ thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm. Còn ông Bùi Văn Oạnh - ngụ ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) nói: “Nhờ có nghề làm lợp, 15 năm nay cả gia đình tôi có thu nhập ổn định khi mùa nước lũ về”.

Tại Hậu Giang, nghề đan lợp lươn, xà vi cũng không kém phần nhộn nhịp. Gia đình ông Võ Thành Nam - ngụ ấp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) - sống bằng nguồn thu nhập từ nghề làm xà vi, lợp lươn. Cứ mùa nước nổi về, vợ chồng ông Nam lại tất bật ngày đêm để hoàn thành “đơn đặt hàng”. Ông Nam cho biết: “Số lượng đặt hàng năm nay tăng hơn năm trước. Nhà chỉ có 2 vợ chồng làm nên phải tranh thủ làm ngày đêm mới kịp giao”. Nghề đan lợp lươn, làm xà vi đã gắn bó với gia đình ông Nam gần 6 năm qua. Bình quân mỗi ngày, 2 vợ chồng làm được 20 - 30 cái. Từ nghề này, gia đình ông Nam có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm.

CÔNG VŨ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/lang-nghe-an-theo-mua-lu-vao-mua-562426.ldo