Lăng mộ hai vua Lê Chiêu Tông và Lê Trang Tông

KTĐT - Vừa qua, Viện sử học Việt Nam phối hợp với Trung tâm văn hóa người cao tuổi đã tổ chức hội thảo khoa học "Di tích lịch sử hai vua Lê Chiêu Tông và Lê Trang Tông" tại nơi có lăng mộ ở thôn Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Các nhà khoa học thống nhất kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng lại khu lăng mộ thờ hai vua triều Lê cho tương xứng với giá trị lịch sử của di tích này.

Lê Chiêu Tông tên thật là Lê Ý, còn có tên nữa là Lê Huệ, sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506), là con của Cẩm Giang vương Lê Sùng và bà Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sau khi giết vua Lê Tương Dực 91509-1516), Trịnh Duy Sản và Lê Nghĩa Chiêu đón Lê Ý (mới 11 tuổi) về, tôn làm vua, đặt niên hiệu là Quang Thiệu. Dưới triều Lê Chiêu Tông (1516-1522), giặc giã nổi lên khắp nơi, dân chúng khổ sở về cảnh loạn lạc, đầu rơi máu chảy. Mặc Đăng Dung là một trong số người phò lập vua, bằng tài năng quân sự của mình đã khôn khéo thâu tóm quyền hành. Mạc Đăng Dung còn cho con gái nuôi vào hầu vua, thực ra là để dò xét, coi giữ. Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung trông coi điện Kim Quang. Bố con Mạc Đăng Dung ngày càng có mưu đồ thoán đoạt ngôi vua. Trước tình hình đó, Lê Chiêu Tông bí mật bàn với Trịnh Tuy tìm cách triệt hạ thế lực của họ Mạc. Nhưng mưu đồ bị bại lộ, nhà vua phải bỏ Đông Đô (Hà Nội ngày nay) vào Thanh Hóa tháng 10 năm Nhâm Ngọ. Ngay sau khi Lê Chiêu Tông rời kinh đô, Mạc Đăng Dung cùng triều thần lập Lê Xuân là em của Lê Chiêu Tông lên làm vua, tức Lê Cung Hoàng khi mới 15 tuổi. Còn Lê Chiêu Tông bị giáng xuống làm Đà Dương vương, rồi bị Mạc Đăng Dung cho người đi bắt và giết chết vào ngày 18 tháng 12 năm Bính Tuất (1926) thọ 21 tuổi. Lê Trang Tông tên húy là Duy Ninh, là con của vua Lê Chiêu Tông và bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh. Năm 1927, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Duy Ninh mới 11 tuổi, được Lê Quán đưa sang Ai Lao (Lào), đổi tên là Lê Huyến. Đến tháng giêng năm Quý Tỵ (1533), Chiêu Huấn Công Nguyễn Kim làm Thượng thủ, Thái sư, Hưng Quốc Công, kết giao với vua Ai Lao để nhờ giúp đỡ quân lương, mưu việc lấy lại nước. Tháng 12/1540 Nguyễn Kim đưa quân từ Ai Lao về đánh Nghệ An, hào kiệt các nơi theo về rất đông, đến cuối năm 1543 chiếm được Tây Đô (Thanh Hóa).Từ đó, nước ta hình thành Nam Triều và Bắc Triều. Từ Thanh Hóa trở vào do vua Lê cai quản (Nam Triệu), cả vùng Bắc Bộ ngày nay do nhà Mạc cai quản. Hai triều Lê, Mạc nội chiến tàn khốc kéo dài gần 50 năm (1543-1592). Năm 1545, Nguyễn Kim tiến quân ra đánh Sơn Nam, đến Yên Mô (Ninh Bình) thì bì Dương Chấp Nhất là hàng tướng của nhà Mạc giết chết bằng thuốc độc. Trịnh Kiểm là con rể của Nguyễn Kim nắm giữ binh quyền, mở đầu thời kỳ "Vua Lê, Chúa Trịnh". Năm 1546, Trịnh Kiểm lập hành doanh vua Lê ở Vạn Lại (Thanh Hóa), lấy danh nghĩa "phù Lê, diệt Mạc". Nhiều danh sỹ, hào kiệt đương thời vào Thanh Hóa phò giúp vua Lê. năm 1548 vua Lê Trang Tông băng hà, thọ 34 tuổi. Trong 15 năm (1533-1548) ở ngôi vua, Lê Trang Tông đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Thu Hoa

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=29&newsid=193102