Làng Lô Lô Chải đẹp tựa cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Sau 10 năm, trở lại Lô Lô Chải vào những ngày cuối năm 2023, tôi thực sự bất ngờ. Làng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) như lột xác hoàn toàn, thay da đổi thịt, là điểm đến 'nhất định phải ghé' của những du khách từng vượt hàng trăm khúc cua tay áo 'phượt' khắp đất Hà Giang.

Rời xa những ồn ào của thành thị đến với Lô Lô Chải, du khách sẽ không nỡ rời đi vì khung cảnh quá đỗi thanh bình. Mỗi mùa, Lô Lô Chải đẹp theo một nét riêng. Cuối đông, thời tiết se lạnh, làng Lô Lô Chải “khoác lên mình” vẻ đẹp nhẹ nhàng, bình yên.

Vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ và mộc mạc

Tháng 11/2018, Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa – Du lịch cộng đồng. Năm 2022, thôn Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa – Du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hà Giang.

Được hình thành cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, làng Lô Lô Chải nằm ở chân núi Rồng, phía Bắc cột cờ quốc gia Lũng Cú – nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Nơi đây được ví như “ngôi làng cổ tích bước ra từ truyện tranh" của hơn 100 gia đình thuộc hai dân tộc thiểu số Lô Lô và Mông cùng sinh sống.

Từ xa nhìn lại, Lô Lô Chải nhỏ bé nằm nép mình giữa bốn bề núi đá. Phía trước thôn là một hồ nhỏ, tương truyền đây là một trong hai mắt rồng của cột cờ Lũng Cú huyền thoại.

Men theo các lối mòn nhỏ hẹp sẽ đến được ngôi làng cổ tích này. Dọc đường đi, du khách sẽ thấy rất nhiều khu vườn xanh nho nhỏ được trồng bởi chính tay người dân địa phương. Đi sâu vào trong, một điểm đặc biệt có thể thấy là Lô Lô Chải vẫn lưu giữ gần như trọn vẹn các giá trị văn hóa của cộng đồng người dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Những mái ngói âm dương, những bức tường đá rêu phong..., tất cả tạo cho Lô Lô Chải một vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ, mộc mạc.

Lô Lô Chải mang một vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ, mộc mạc.

Lô Lô Chải mang một vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ, mộc mạc.

Dạo quanh một vòng ngôi làng, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những nếp nhà trình tường thường thấy ở Hà Giang. Nhà trình tường của đồng bào Lô Lô khá đơn giản và mang những nét đặc trưng riêng với đất kín 3 mặt, có vách đất màu vàng nâu, mái lợp ngói máng, tránh được cái rét mùa đông, còn vào mùa hạ thì mát mẻ. Cổng và tường rào bằng đá xếp thủ công.

Trước hiên nhà thường đặt đơn sơ bộ bàn ghế. Khóm hoa ngũ sắc khoe màu trước nhà cũng là một trong những điểm nhấn của ngôi làng trong mùa đông. Tất cả được xem là nét văn hóa đặc trưng còn tồn tại và phát triển đến nay của dân tộc Lô Lô.

Cuộc sống của người dân ở ngôi làng này trước đây vô cùng khó khăn bởi thu nhập chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa, nhưng diện tích lúa không nhiều. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đồng bào đã biết chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để tăng gia. Khoảng 2 năm trở lại đây, du lịch cũng được thôn chú trọng, lượng khách đến và lưu trú lại ngày càng cao, đem lại nhiều việc làm và thu nhập cho bà con.

“Không chỉ riêng tôi mà khách du lịch khi đến với Lô Lô Chải đều thích quay trở lại nhiều lần bởi nơi đây có sức hút kỳ lạ. Không khí rất trong lành, phong cảnh đẹp, người dân thân thiện và đặc biệt bởi văn hóa địa phương đặc sắc”, chị Ánh Ngọc, một khách du lịch đến từ Hà Nam nói.

Chị Sùng Thị Cầu cho hay, người dân trong thôn luôn coi văn hóa là tài sản vô giá, là tiền đề để thu hút khách du lịch, chính vì có khách du lịch mà người dân càng nâng niu giá trị văn hóa hơn. Từ khi làm du lịch, người dân vô cùng phấn khởi, đời sống được cải thiện rõ rệt, nhận thức được nâng cao. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại, đặc biệt, hầu như ai cũng biết giao tiếp tiếng Anh thông dụng.

Hiện đại nhưng không mất đi giá trị truyền thống

Cũng theo chị Cầu, từ khi có quán Cafe Cực Bắc thì thôn Lô Lô Chải trở thành điểm du lịch ấn tượng thực sự đối với du khách. Quán cafe là quà tặng từ một vị khách Nhật Bản, vì yêu quý ngôi nhà cổ nhất thôn với hơn 200 tuổi mà quyết định tài trợ 200 triệu đồng mua vật dụng cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật pha chế cafe.

Từ khi có quán Cafe Cực Bắc thì thôn Lô Lô Chải trở thành điểm du lịch ấn tượng thực sự đối với du khách.

Từ khi có quán Cafe Cực Bắc thì thôn Lô Lô Chải trở thành điểm du lịch ấn tượng thực sự đối với du khách.

Hiện nay, bản Lô Lô Chải còn khoảng gần 40 căn nhà trình tường, hầu hết đều được tận dụng trở thành homestay. Mỗi căn nhà homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các gian phòng, tạo nên sự gần gũi thân thiện.

“Ôi, lạc chân vào là mê đắm luôn! Mặc dù làng đã được sửa sang lại làm du lịch nhưng vẫn giữ được sự bình dị, mộc mạc và nên thơ. Ở đây chắc hẳn mùa nào cũng đẹp, cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp. Vào làng có rất nhiều homestay, quán cafe, chỗ nào cũng đẹp. Vào đây mặc đồ vintage lên ảnh hợp lắm, còn đẹp hơn cả bên Hàn”, chị Lưu Bích, du khách đến từ Hà Nội không giấu được sự hào hứng.

Không chỉ vậy, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo với các món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống của người Lô Lô như: gà đen, cá chép sông Nho Quế, vó bò om, xôi ngũ sắc…

Một trong những trải nghiệm thú vị của khách du lịch khi đến thôn Lô Lô Chải ngoài chìm đắm trong không gian cổ kính, thơ mộng, bình yên của ngôi làng cổ giữa điệp trùng núi đá, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của địa phương, là được khoác lên mình bộ trang phục đẹp của người phụ nữ Lô Lô. Do đó, nhiều homestay thường có sẵn những bộ trang phục đẹp cho du khách trải nghiệm.

“Tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi khoác lên mình bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô, cảm giác như được hòa mình trong nhịp sống và những điệu múa trống của họ. Phụ nữ Lô Lô thật khéo léo, tinh tế với từng đường nét thêu, may trên trang phục của họ”, chị Bích vui vẻ nói.

Một trong những trải nghiệm thú vị của khách du lịch khi đến thôn Lô Lô Chải là được khoác lên mình bộ trang phục đẹp của người phụ nữ Lô Lô.

Một trong những trải nghiệm thú vị của khách du lịch khi đến thôn Lô Lô Chải là được khoác lên mình bộ trang phục đẹp của người phụ nữ Lô Lô.

Giá thuê homestay ở Lô Lô Chải hiện dao động từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng/đêm, tùy thuộc vào phòng cộng đồng (dorm) hay phòng riêng. Các phòng đều được vệ sinh sạch sẽ. Các vật dụng phục vụ du khách khá đầy đủ, do người dân tự sắp đặt, có quầy lưu niệm và bán sản vật địa phương.

Để thuận tiện, khách đến đây có thể đặt phòng nghỉ, đặt cơm trên Facebook, Zalo. Các hộ kinh doanh cập nhật hàng ngày về khai báo tạm trú, tạm vắng trên nhóm riêng.

“Điều tôi thích nhất ở Lô Lô Chải ngày nay chính là được ở homestay đúng nghĩa, được ở cùng người dân, được quan sát cuộc sống của họ. Lô Lô Chải xứng đáng để mỗi người ghé qua nghỉ lại một đêm”, chị Ánh Ngọc chia sẻ.

Được biết, trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón gần 1.000 du khách đến lưu trú và tham quan. Ngày khách đông nhất lên tới 600 người, thường vào cuối tuần, dịp lễ tết. Ngày thường, trung bình có 100 – 200 lượt khách lưu trú. Nhờ đó, người dân ở đây có thể sống được bằng du lịch. Thu nhập bình quân mỗi nhà dao dộng từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Không chỉ vậy, điều này còn chứng tỏ sự hấp dẫn và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Có thể nói đây là thành quả của những bước đi đột phá nhờ sự vào cuộc đúng đắn, kịp thời và mạnh mẽ của các cấp ủy đảng - chính quyền và ý thức tự vươn lên thoát đói nghèo, làm giàu của người dân.

Dù vậy, người dân trong thôn mới bắt đầu làm du lịch, đôi khi còn chưa thực sự chuyên nghiệp và chỉn chu, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Mong rằng, với sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền, Lô Lô Chải sẽ ngày càng chuyên nghiệp hóa với hoạt động phát triển du lịch và trở thành một điểm sáng du lịch vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Từ đó tạo việc làm, cải thiện sinh kế và tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc nơi đây tham gia phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Châu Giang

BOX 1:

Dạo quanh một vòng ngôi làng, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những nếp nhà trình tường thường thấy ở Hà Giang. Nhà trình tường của đồng bào Lô Lô khá đơn giản và mang những nét đặc trưng riêng với đất kín 3 mặt, có vách đất màu vàng nâu, mái lợp ngói máng, tránh được cái rét mùa đông, còn vào mùa hạ thì mát mẻ. Cổng và tường rào bằng đá xếp thủ công.

BOX 2:

Bản Lô Lô Chải còn khoảng gần 40 căn nhà trình tường, hầu hết đều được tận dụng trở thành homestay. Mỗi căn nhà homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các gian phòng, tạo nên sự gần gũi thân thiện.

BOX 3:

Trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón gần 1.000 du khách đến lưu trú và tham quan. Ngày khách đông nhất lên tới 600 người, thường vào cuối tuần, dịp lễ tết. Ngày thường, trung bình có 100 – 200 lượt khách lưu trú. Nhờ đó, người dân ở đây có thể sống được bằng du lịch. Thu nhập bình quân mỗi nhà dao dộng từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

BOX 4:

Người dân trong thôn luôn coi văn hóa là tài sản vô giá, là tiền đề để thu hút khách du lịch, chính vì có khách du lịch mà người dân càng nâng niu giá trị văn hóa hơn. Từ khi làm du lịch, người dân vô cùng phấn khởi, đời sống được cải thiện rõ rệt, nhận thức được nâng cao. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại, đặc biệt, hầu như ai cũng biết giao tiếp tiếng Anh thông dụng.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/lang-lo-lo-chai-dep-tua-co-tich-duoi-bong-co-lung-cu-1097462.html