Lặng lẽ giữa đời thường

Có ai đó cho rằng, quá trình đô thị hóa vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang làm cho con người sống lạnh nhạt, khép kín và ít quan tâm đến người xung quanh hơn... Song theo chúng tôi, đó chỉ là chuyện xảy ra ở một số ít người, bởi trên thực tế vẫn có những câu chuyện sống động về tình làng, nghĩa xóm mang đậm tính nhân văn và lặng lẽ giữa đời thường.

Có ai đó cho rằng, quá trình đô thị hóa vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang làm cho con người sống lạnh nhạt, khép kín và ít quan tâm đến người xung quanh hơn... Song theo chúng tôi, đó chỉ là chuyện xảy ra ở một số ít người, bởi trên thực tế vẫn có những câu chuyện sống động về tình làng, nghĩa xóm mang đậm tính nhân văn và lặng lẽ giữa đời thường.

Người dân xóm Gò Bá (Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) đầu tư, xây dựng kiên cố khu nghĩa trang vô chủ.

Như chuyện người dân xóm Gò Bá (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) từ năm 2016 đã thầm lặng quy tập hơn 320 ngôi mộ vô chủ nằm rải rác làng trên, xóm dưới rồi tình nguyện góp tiền xây dựng một khu nghĩa trang nhỏ cạnh Âm linh xóm để tiện việc chăm sóc, hương khói đã khơi dậy về tính nhân bản, tình yêu thương giữa con người với con người. Nhiều lão nông cho biết, trong quá trình xây dựng, mở rộng các công trình dân sinh, khi phát hiện những bộ hài cốt nằm lẩn khuất trong đất ở những cánh đồng ngập ngụa bùn, góc vườn, rìa làng, người Gò Bá và cả người dân các thôn lân cận lại quy tập về khu nghĩa trang này... "Thực ra ý nguyện xây dựng khu nghĩa trang này được người dân ấp ủ từ lâu, nhưng lúc đó vẫn còn nhiều gia đình chạy ăn từng bữa do mùa vụ lúc được, lúc mất. Nay đời sống của bà con có phần cải thiện hơn nên chúng tôi mới quyết tâm thực hiện. Khi làm khu nghĩa trang này, chúng tôi cũng chỉ tâm niệm một điều là làm sao để những ngôi mộ vô chủ có nơi thờ tự, hương khói như người thân của mình vậy. Mình ăn đời ở kiếp nơi đây nên không thể nào không nghĩ đến những linh hồn cô quạnh, không có người thờ tự. Chúng tôi nghĩ đó là điều phải nên làm", Trưởng xóm Gò Bá Lê Văn Định chia sẻ thêm.

Còn anh Lê Đức Tuấn (trú thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) nhiều năm qua luôn được người dân địa phương ví như "Cây tâm nhang" trong các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS). Bởi tuổi thơ anh là cả quãng đời khốn khó khi người cha hy sinh lúc anh chưa đầy 1 tuổi và cuộc sống hiện tại cũng chưa dư dả gì nhưng anh vẫn thường xuyên tích cóp một khoản tiền để góp phần cùng chính quyền địa phương làm đẹp thêm cảnh quan NTLS; ngoài ra anh còn hỗ trợ đúc chuông đồng, giỗ liệt sĩ tại các NTLS Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn và tặng quà cho gia đình chính sách khó khăn trong dịp 27- 7 hằng năm. Anh Tuấn tâm sự: "Tôi đã cố gắng để giữ sự bình thản mỗi lần đến thăm và viếng tại các NTLS, thế mà nào có được. Nước mắt cứ trào ra, những cây nhang cầm trên tay mà cứ run bần bật. Tôi nghĩ rằng, biết bao con người thường ngày vốn bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng vẫn cố gắng dành riêng cho mình một khoảng lặng trước các hương hồn liệt sĩ để cảm nhận sâu sắc những gì mà thế hệ hôm nay có được là từ những hy sinh xương máu của cha ông đi trước".

Anh Lê Đức Tuấn được UBND Đà Nẵng tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu lần thứ V.

Tại xã Hòa Nhơn, cũng có nhiều điển hình đáng được trân trọng, như chị Nguyễn Thị Lan (thôn Phước Thuận - Phước Hậu), thấu hiểu hoàn cảnh đơn chiếc của cụ Phạm Thị Tường (thôn Phước Hưng), trong 2 năm 2017-2018, chị thường xuyên lui tới chăm lo chu đáo từ bữa ăn, sinh hoạt cho đến khi cụ qua đời. Còn ông Trần Nhi (thôn Phú Hòa 2), ngoài việc được chính quyền địa phương giao trách nhiệm làm thành viên trong Ban quản lý chợ thì đến 17 giờ hằng ngày, sau khi ổn định trật tự tại khu vực chợ, ông tự nguyện ra ngã tư Cầu Giăng để hướng dẫn các em học sinh tan trường lưu thông qua đường được đảm bảo an toàn...

Có thể thấy, những người như dân xóm Gò Bá, anh Tuấn, chị Lan, ông Nhi không phải quá khó tìm trong xã hội ngày nay. Họ là những người sống có trách nhiệm vì lợi ích chung của xã hội. Họ có thể là một nông dân sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông kiệt hẻm xây dựng nông thôn mới, hay là một đảng viên, cựu chiến binh, nhà giáo dù về hưu vẫn không ngừng tham gia công tác đoàn thể, góp phần xây dựng quê hương. Từ hành động cụ thể của mình, họ đã trở thành tấm gương, bài học sinh động nhất cho con, cháu trong gia đình. Qua đó, góp phần tạo nên một thế hệ mới có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, khẳng định tính cao thượng, nhân văn của người dân nông thôn... "Đánh thức và phát huy được tình đoàn kết "tối lửa, tắt đèn có nhau" sẽ là sức mạnh bền vững khi đô thị hóa nông thôn mà vẫn giữ được văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bởi, nông thôn dù có thay đổi đến đâu thì tình người vẫn là cái gốc, là sức mạnh gắn kết cộng đồng", Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên đúc kết.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239837_lang-le-giua-doi-thuong.aspx