Làng làm đồ chơi dân gian - nơi lưu giữ giá trị văn hóa

Qua 27 năm thăng trầm, những hộ gia đình tại Làng làm đồ chơi dân gian (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn bám trụ nghề, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc.

Tại Cần Thơ, Làng làm đồ chơi dân gian Long Tuyền nổi tiếng đã tồn tại hơn 27 năm, được nhiều người tìm đến để trải nghiệm tự tay làm ra những món đồ chơi đầy màu sắc và được sống lại những kí ức của tuổi thơ.

Với hơn 27 năm trong nghề chế tác đồ chơi dân gian truyền thống, vợ chồng chị Ly luôn tâm huyết trên từng sản phẩm mình làm ra. Ảnh: Hồng Thắm

Làng nghề này hình thành từ năm 1995, lúc đó chỉ có duy nhất ông Nguyễn Văn Truyền - chủ Cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian Út Truyền (50 tuổi; ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sản xuất và đi bán dạo tại các địa phương vùng ĐBSCL.

Khi nói về quá trình khởi nghiệp của hai vợ chồng, chị Đặng Thị Ly (vợ ông Truyền) tâm sự: "Hồi đó, anh Truyền là thợ may nên rất khéo tay, một lần thấy đồ chơi người ta bán trước cổng trường học nên thích lắm, về nhà tự mài mò làm theo để chơi.

Những nguyên liệu thô sơ, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã cho ra đời những con vật ngộ nghĩnh, đầy màu sắc và sinh động. Ảnh Hồng Thắm

Ban đầu làm con rùa, rồi tới con chuột, con heo, rồi từ từ đến mấy con khó hơn như cá sấu, bồ câu. Anh Truyền tự sáng tạo ra rất nhiều con vật, rồi anh chỉ lại cho tôi, hai vợ chồng cùng làm, cùng bán với nhau đến giờ ngót nghét cũng mấy chục năm rồi."

Theo chị Đặng Thị Ly, nguyên liệu để làm ra đồ chơi dân gian gồm: mút xốp (loại sản xuất giày), dây kẽm, chỉ, dây thun, sơn, nhưng quan trọng nhất là đất sét. Đất sét được ông Truyền đi lấy ở các bờ sông, sau đó về nhào nặn thành dạng hình trụ rồi đem phơi.

"Nhìn các món đồ chơi trông có vẻ đơn giản, nhưng thực tế quy trình làm ra được món đồ chơi dân gian này đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ từng công đoạn." - chị Ly nói.

Một hộ dân tại làng nghề bán dạo đồ chơi dân gian trong dịp Tết. Ảnh LC

Những món đồ chơi dân gian được mô phỏng các con vật quen thuộc trong đời sống của người miền Tây như: con rùa, chuột, heo, chim, cá sấu... Không chỉ đẹp vì màu sắc rực rỡ, mà qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, những món đồ chơi này di chuyển rất sinh động.

Chị Ly chia sẻ: "Mấy chục năm trước, những món đồ chơi này bán đắt dữ lắm. Có tháng bán 5.000-7.000 con là chuyện bình thường. Thu nhập khá giả, tôi còn mua vàng để dành và nuôi con ăn học. Hiện nay, do nhiều loại đồ chơi điện tử phát triển, nên số lượng đồ chơi dân gian bán ít hơn trước, vào khoảng 1.000-1.500 sản phẩm/tháng với giá từ 5.000-25.000 đồng/món".

Để giữ gìn làng nghề truyền thống, thời gian gần đây đã có nhiều chương trình du lịch cho du khách đến trải nghiệm làm đồ chơi tại làng nghề và thu hút một số lượng du khách đáng kể.

Hiện tại, thời đại 4.0 phát triển không ngừng, đồ chơi dân gian buộc phải đối mặt với sự cạnh tranh từ đồ chơi điện tử và điện thoại di động. Tuy nhiên, đồ chơi truyền thống vẫn được ưa chuộng, đặc biệt trong các dịp lễ và Tết lượng tiêu thụ tăng đáng kể. Đây là động lực khích lệ những nghệ nhân vẫn thầm lặng giữ lửa nghề để thắp lên niềm hi vọng nghề truyền thống lâu năm sẽ hồi sinh rực rỡ.

Ngọc Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lang-lam-do-choi-dan-gian-noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa.html