Làng khô, mắm miền Tây vào vụ Tết

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các làng khô ở miền Tây lại càng nhộn nhịp, không khí sản xuất của những người làm nghề làm cá khô cũng trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Những ngày nắng đẹp của mùa xuân Nam Bộ lại càng thuận tiện hơn cho những chuyến hàng tỏa đi muôn nơi...

Ngon lành khô nước ngọt

Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ xưởng khô Nhan Sắc ở Cà Mau phấn khởi: mùa Tết năm nay, xưởng khô Nhan Sắc tăng sản lượng gấp 2 lần. Năm nay, phân khúc chất lượng lại tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng chú trọng đến chất lượng, hình thức và an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, giá khô cũng tăng mạnh. Đặc biệt, từ khi Tôm khô Cà Mau được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giá tôm Cà Mau tăng lên từ 20 - 30%.

Đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm làng khô trải dài từ đầu nguồn An Giang đến đất Mũi Cà Mau, tùy theo thổ nhưỡng mà người dân làm khô nước ngọt và khô nước mặn. Đặc biệt và đắt giá nhất trong dòng tôm khô nước ngọt được làm từ tôm đất thiên nhiên ở Cà Mau, vùng này có lượng thức ăn dồi dào, thổ nhưỡng thích hợp nên con tôm đất ngọt đậm đà. Loại tôm này được lựa từng con, phơi nắng và bóc vỏ bằng tay nên có chất lượng tốt nhất, thành phẩm tôm có vị ngọt đặc trưng, mềm dai, ngon nhất khi ăn sống hoặc ăn cùng củ kiệu. Hiện nay, giá tôm đất loại đặc biệt trên thị trường có nơi bán đến 2,2 triệu đồng/kg.

Làng khô, mắm miền Tây vào vụ tết

Một trong những sản phẩm khá đặc biệt và mới nổi trên thị trường hiện nay là khô nhái, được gọi vui là "vũ nữ chân dài". Đặc sản này có nguồn gốc ở An Giang, một tỉnh giáp biên giới Campuhia, con nhái dài ngoẵng, nhỏ xíu tưởng không ngon nhưng lại "ngon không tưởng". Người dân địa phương thường bắt nhái kể từ khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa trước khi bước sang mùa mưa, lột da, phơi nắng giòn và trở thành món nhậu hấp dẫn, chống ngán mùa tết. Thịt nhái ngọt, giòn, mua về chỉ việc chiên giòn chấm với mắm me hoặc chiên nước mắm là thành món ăn độc lạ. Hiện nay, giá khô nhái trên thị trường khoảng 600 - 700.000 đồng/kg.

Phổ biến nhất trong các loại khô nước ngọt là khô cá lóc. Từ khi phong trào nuôi cá lóc phổ biến và thành công ở các tỉnh trong khu vực, khô cá lóc trở thành món ăn quen thuộc của người dân cả nước. Từ con cá lóc, các xưởng khô đã chế biến ra hàng chục loại khô khác nhau, loại có tẩm ướp, loại khô lạt, khô một nắng, hai nắng, ba nắng… Khô cá lóc có thể chế biến thành hàng chục món gỏi, món nướng, món chiên và là quà tặng phổ biến nhất vào dịp Tết.

Độc đáo khô biển

Vào thời điểm cận Tết, hoạt động đánh bắt trên ngư trường lại sôi động, nguồn nguyên liệu cá, tôm dồi dào kéo theo sự nhộn nhịp ở các làng khô. Những ngày này, làng khô ở cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu vô cùng rộn ràng, náo nhiệt với hàng chục món ngon: khô cá lù đù, cá khoai, cá đuối, cá kèo, cá ngác, cá lưỡi trâu... nhưng độc đáo và được ưa chuộng nhất trong các loại khô biển có lẽ là khô cá dứa. Cá dứa, với sự chế biến khéo léo của người làm khô đã trở thành món ngon không thể quên với những ai đã từng một lần được thưởng thức. Khô cá dứa vàng ươm, thơm, béo đậm đà, có nhiều chất dinh dưỡng và Omega nên có giá thành khá cao, nhất là cá dứa thiên nhiên, được đánh bắt từ biển khơi. Do độ ít và ngon nhất định nên khô cá dứa có giá cao nhất so với các loại khô biển khác, hiện nay trên thị trường, khô cá dứa thiên nhiên dao động từ 350.000 - 450.000/kg.

Ông Phạm Văn Mạo - chủ cơ sở sản xuất cá khô ở khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu cho biết, từ nửa tháng trước, ông đã nhận hàng chục đơn đặt hàng từ các mối sỉ trên cả nước. Tuy năm nay sản lượng đánh bắt không bằng các năm trước, nhưng giá các loại cá khô biển tăng không đáng kể. Nghề làm khô ở đây đã có hàng trăm năm, nhưng từ khi có phong trào làm các sản phẩm OCOP, các đặc sản khô cũng được đóng gói chỉn chu hơn, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Các điểm làm khô nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống cũng bắt tay liên kết để có đầu ra ổn định hơn.

Theo Trưởng phòng NN - PTNT huyện Đông Hải Hồ Thanh Tuấn, với gần 40 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi năm, các cơ sở sản xuất khô ở thị trấn Gành Hào cung ứng cho thị trường trên 500 tấn khô các loại. Nhằm nâng cao giá trị cá khô Gành Hào, thời gian qua, UBND huyện phối hợp cùng các sở, ngành trong tỉnh tăng cường kiểm soát chất lượng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP, nâng cao giá trị cho ngành khô biển ở Gành Hào.

Tại cửa biển Rạch Gốc, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau vào những ngày cuối năm, người dân cũng trở nên chộn rộn, bận bịu tăng ca, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chủ tịch UBND thị trấn Huỳnh Thanh Đảm, cho biết: hiện các làng nghề sản xuất tôm khô, cá khô trên địa bàn đang tất bật vào mùa. Các mặt hàng chính vẫn là tôm khô, ba khía muối, khô cá khoai, khô cá đù… Các mặt hàng khô ở địa phương có quanh năm, nhưng vào mùa này, nhu cầu biếu tặng và tiêu dùng tăng cao nên bà con có điều kiện cải thiện thu nhập.

Khô biển từ các làng ở các tỉnh miền Tây lâu nay đã hiện diện trong nhiều bữa ăn của gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Tự hào về nghề làm khô của quê hương, người dân làng cá khô biển luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Chính từ cái nắng, cái gió của miền biển và sự mặn mòi của muối biển quê nhà đã làm nên thương hiệu khô biển miền Tây nức tiếng gần xa.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/lang-kho-mam-mien-tay-vao-vu-tet-i357469/