Lặng... giữa Đà Lạt

Tại một góc nhỏ của TP Đà Lạt thơ mộng, nằm trong khuôn viên của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Lặng Art là một chốn nhỏ bình yên, xinh xắn và cũng là ngôi nhà của những em nhỏ khiếm thính.

Nguyễn Lưu Quang, học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng (bên trái), giới thiệu cho khách những sản phẩm do chính các bạn khiếm thính làm ra

Những đôi tay biết “nói”

Trong không gian se lạnh của Đà Lạt, chúng tôi cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương, sự chân thành và tâm hồn trong sáng của trẻ thơ tại Lặng Art. Đây là không gian thưởng thức cà phê, cũng là nơi chắp cánh cho những ước mơ không thể nói bằng lời. Nhìn bề ngoài, Lặng Art không có gì quá khác biệt, nhưng khi bước vào bên trong thì những vị khách sẽ như cùng hòa vào không gian sống của những người bạn khiếm thính.

Là “khách ruột” của quán, khi vừa bước chân vào Lặng Art, anh Nguyễn Trường Khả (ngụ phường 8, TP Đà Lạt) liền đưa tay lên thực hiện các động tác chào hỏi quen thuộc với những nhân viên tại đây. Anh Khả học được những ngôn ngữ giao tiếp từ chính các bạn ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Anh cho biết: “Các bạn nhân viên pha chế, phục vụ ở đây không giao tiếp thông thường mà thông qua ngôn ngữ cơ thể, tuy nhiên mình cảm thấy rất yêu mến và có sự đồng cảm đối với những bạn như vậy nên cũng thường xuyên tới quán. Dần dần, Lặng Art như một địa điểm hẹn hò thường xuyên. Chúng mình ghé đến có khi đợi bạn tan giờ làm để hẹn nhau đi chơi, đi ăn hoặc để hỏi bạn mình về bài vở. Nhưng hơn hết, chúng mình đến để xem tranh, xem quà và để đong đầy thêm những yêu thương cho cuộc đời này”.

Không chỉ là nơi để làm việc và học nghề pha chế đồ uống, Lặng Art còn là nơi trưng bày những sản phẩm tranh thêu, tranh đính đá, túi xách, tượng gỗ hay đến cả các loại bánh, sản phẩm từ tinh dầu… là những sản phẩm handmade (tự làm) do chính các em của trường khiếm thính sáng tạo. Những món đồ dễ thương, giản đơn, nhưng lại nhuộm đầy màu của hy vọng, của nỗ lực, của sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống như chính cái tuổi đời non dại mới lớn của những học sinh khiếm khuyết ấy.

Thông qua “phiên dịch” tại Lặng Art, chúng tôi hiểu được phần nào những điều Nguyễn Lưu Quang (học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng) tâm sự: “Khi làm việc tại đây, được đón tiếp các vị khách đến uống cà phê, em vui lắm vì được nói chuyện, được giao lưu và giao tiếp với mọi người. Khi có một nhân viên mới tới thì em sẽ dẫn dắt các bạn đó cùng học cách pha chế và phục vụ. Mỗi khi khách uống đồ pha chế khen ngon, em cảm thấy rất vui”.

Chính vì những thứ tưởng chừng như đơn giản ấy nên khi tìm đến Lặng Art, nhiều người vô cùng ngạc nhiên vì nơi đây đã vượt ra khuôn khổ của địa điểm giải trí, thư giãn. Đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ không nói bằng lời, nơi có thể chứng kiến, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được kiến tạo từ sự chân thành, tình thương yêu.

Lan tỏa nghị lực

Anh Võ Anh Tuấn (39 tuổi, người sáng lập Lặng Art) chia sẻ, trong một lần đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng, anh cảm động trước tấm lòng dạy dỗ của các thầy cô với 120 học sinh đang học tại đây. Đồng thời, anh Tuấn thán phục bàn tay khéo léo của các em khi làm ra những món đồ chơi, quà lưu niệm từ cây, cỏ Đà Lạt. “Tôi trăn trở về việc làm của các em sau khi ra trường, cũng như những sản phẩm do chính tay các em làm ra. Nhìn những em học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng ngày lại ngày tự thu mình trong vỏ bọc của những nỗi niềm riêng tư, chúng tôi quyết định mở ra Lặng Art”, anh Võ Anh Tuấn nói.

Cửa hàng ra đời để giúp các em có việc làm và tạo ra giá trị của bản thân. Nhưng hơn hết, chính các em là người đã truyền trao năng lượng sống tích cực đến những người khách, người bạn ghé thăm. “Thấy các bạn làm ra những sản phẩm này, em thấy mình cần học hỏi và nỗ lực nhiều hơn, vì các bạn có khiếm khuyết mà nỗ lực như vậy, còn bản thân em có đủ điều kiện mọi thứ nhưng đôi khi vẫn cảm thấy thiếu một chút động lực do sự xô bồ trong cuộc sống”, bạn Dương Thị Thanh Thúy, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, bộc bạch.

Gắn bó từ những ngày đầu với không gian dành cho các bạn trẻ bị khiếm thính, cô Nguyễn Thị Mai Linh, Giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cho biết: “Ở nơi đây, các em được học về pha chế đồ uống. Đây cũng là nơi trưng bày tất cả sản phẩm của các em và đưa khả năng của các em đến với cộng đồng, để mọi người tin tưởng vào trẻ em khuyết tật, có thể trao cho các em cơ hội làm việc phù hợp với khả năng các em, tạo điều kiện cho các em được đóng góp cho xã hội”.

Đến với Lặng Art, như đến với một không gian yên tĩnh của những nốt nhạc trầm đầy lưu luyến, mà ở đó những cậu bé, cô bé chưa đầy 15 tuổi, hay những bạn nhân viên đã gần 20 tuổi, đều chăm chỉ trau chuốt những sản phẩm của mình. Thi thoảng họ lại nhìn nhau, cười và nói những câu động viên bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Với thông điệp “Nhân cách đẹp, tâm hồn đẹp”, Lặng Art đã đưa mọi người đến để chung tay, cùng nhau viết nên câu chuyện kỳ diệu giữa đời thường cho những người khiếm thính. Niềm tin đã giúp những con người đầy nghị lực ấy chiến thắng nỗi đau của thể xác, giúp họ mạnh mẽ, làm được nhiều điều cho chính bản thân và những người thân yêu.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-giua-da-lat-post730075.html