Làng dệt chiếu 'chờ' … Tết

Làng dệt chiếu Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa, Khánh Hòa) nổi tiếng nhiều năm nay. Hiện vẫn còn những hậu duệ của làng với đôi tay tài hoa cần mẫn dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp, bán chạy nhất vào những ngày áp Tết.

Những con người cả đời gắn với nghề dệt chiếu

Nhiều người từng gắn bó lâu năm với nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch chia sẻ, xưa kia làng Mỹ Trạch gần như nhà nào cũng có người biết dệt chiếu. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Tự hào về nghề, người trong làng còn nghĩ ra những câu mời chào đầy ấn tượng như: "Chiếu Mỹ Trạch màu đẹp như tranh; ai nằm trên chiếu cũng vui như Tết…".

Theo thời gian, số thợ dệt chiếu gắn bó với nghề giảm dần, chuyển sang những công việc khác.

Tuy nhiên, ở Mỹ Trạch có những người cả cuộc đời gắn bó với việc dệt chiếu. Điển hình như thợ dệt Phạm Thị Hằng (hơn 60 tuổi), từ tuổi thiếu niên bà đã say mê với nghề dệt chiếu và gắn bó đến bây giờ.

Nguyên liệu để dệt ra những đôi chiếu bền, sặc sỡ sắc màu ở Mỹ Trạch gồm cói (còn gọi là lác), sợi đay, phẩm màu… Sau khi lác được thu hoạch về thì phơi khô, chẻ nhỏ, nhuộm màu, rồi dệt theo mẫu có sẵn hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Để làm nên những chiếc chiếu đẹp, đòi hỏi người thợ dệt phải có đôi tay khéo léo, tính cẩn thận. Những người mới vào nghề bao giờ cũng có một người lành nghề kèm cặp trong giai đoạn đầu.

Bà Phạm Thị Hằng đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch.

Nhìn đống cói chuẩn bị dệt để bán trong dịp Tết, bà Hằng bộc bạch: "Khoảng vài chục năm trước, nhà nhà đều nói chuyện dệt chiếu nhưng hiện nay chỉ còn gần 10 gia đình gắn bó với nghề.

Để dệt một đôi chiếu có chiều rộng 1,4m mất nửa ngày, giá bán ra khoảng 200 ngàn đồng. Tuy thu nhập không cao nhưng tôi yêu và theo nghề từ tấm bé nên không bỏ được. Chỉ khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi. Để giữ nghề, những đứa con của tôi lúc rảnh rỗi đều được tôi hướng dẫn học dệt chiếu. Bởi nghề này không chỉ để mưu sinh mà còn là nét văn hóa đặc sắc của làng Mỹ Trạch".

Theo nhiều thợ dệt ở Mỹ Trạch, chiếu ở đây gây ấn tượng cho khách không chỉ bởi được dệt cẩn thận mà vùng đất trồng cói có sự xâm nhập của nước biển nên cói có độ bền cao hơn cói trồng ở những vùng đất khác.

Ông Nguyễn Xuân đang chuẩn bị nguyên liệu để dệt chiếu và bán trong những ngày cận Tết, ông cũng là người đàn ông hiếm hoi bền bỉ gắn bó với nghề.

Cũng giống chị Hằng, ông Nguyễn Xuân có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề dệt chiếu. Đứng bên đống cói vừa được phơi khô, ông Xuân tâm tình: "Đàn ông ở đây ít tha thiết với nghề hơn phụ nữ nhưng với tôi thì trước khi đi ngủ cũng nghĩ đến chuyện dệt chiếu, sáng sớm thức dậy cũng thế. Trong số gần 10 gia đình đang gìn giữ nghề này ở Mỹ Trạch thì chỉ có 2-3 người đàn ông.

Làm thợ dệt chiếu cũng có những niềm vui rất bất ngờ, đó là mỗi khi nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Như dịp Tết năm ngoái, tôi dệt 10 đôi chiếu, trên chiếu có nhiều hoa văn kèm dòng chữ 'hạnh phúc vững bền', 'ấm áp tình ta'… Sau khi mua chiếu về nằm, có người gọi điện bảo, cứ mỗi lần vợ chồng giận nhau nhìn vào những dòng chữ trên chiếu lại hết giận và làm hòa. Những điều này với cánh thợ dệt chiếu chúng tôi như món ăn tinh thần vô giá".

Cũng theo ông Xuân, bà Hằng và một số thợ diệt chiếu khác ở Mỹ Trạch, cói ở vùng đất này dồi dào, ngoài tháng cao điểm sát Tết thì quanh năm người thợ đều gắn với khung dệt. Khách đến đặt hàng lúc nào cũng có, muốn hoa văn, chữ gì trên chiếu, thợ ở Mỹ Trạch cũng đáp ứng được.

Những chiếc chiếu dệt bền đẹp bởi những đôi tay khéo léo.

"Dẫu số tiền có được từ việc bán chiếu không nhiều như các nghề khác nhưng cũng góp phần giúp cho nhiều gia đình có những cái Tết ấm cúng, đủ đầy. Chúng tôi luôn hy vọng nghề này được giữ gìn cho các thế hệ mai sau"- ông Nguyễn Xuân trải lòng.

Để cổ vũ người dân làng Mỹ Trạch gắn bó với nghề, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công nhận nghề dệt chiếu cói của làng này là nghề truyền thống, đồng thời luôn khuyến khích các thợ dệt phát huy, gìn giữ nghề.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lang-det-chieu-cho-tet-169240110181344617.htm