Làng cá ông công ông táo Tân Cổ chuẩn bị phục vụ Tết 2024

Nhiều hộ nuôi cá chép ở tổ dân phố Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đang bắt đầu di chuyển cá chép vào khu vực chứa cá tập trung để chuẩn bị xuất bán cho tết ông Công ông Táo, 23 tháng chạp sắp tới.

Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương được xem là thủ phủ của cá chép đỏ để cúng vào dịp Tết ông Công ông Táo. Cứ đến ngày 20, 21, 22 tháng Chạp (Âm lịch) hằng năm, người dân nơi đây lại hối hả thu hoạch cá chép đỏ.

Người dân chuẩn bị cá gửi đi các tỉnh

Anh Nguyễn Anh Điệp (phố Bái Trúc, thị trấn Tân Phong) cho biết, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề bán cá giống. Năm nay, hộ gia đình anh nuôi khoảng 3 tấn cá phục vụ ngày ông Công ông Táo. Đánh giá về thị trường cá năm nay anh Điệp cho hay, lượng bán ra năm nay kém so với mọi năm, giá thành cá cũng giảm nhiều.

Theo tìm hiểu, năm nay giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg cá. Sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3-5 ao thu về từ 80-100 triệu đồng, cá biệt có những hộ nuôi lớn có thể thu về vài trăm triệu đồng từ việc nuôi cá chép cúng.

Nhiều hộ nuôi cho biết, tuy là nuôi thời vụ, nhưng nuôi cá ông Công, ông Táo đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Tân Cổ.

Năm nay giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg cá

Với kinh nghiệm buôn cá hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Hữu Cường (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) chia sẻ, cá chép ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương được ưa chuộng bởi cá có màu đỏ tươi, khác với cá nơi khác là đỏ thẫm và nhạt màu.

Theo quan niệm, những con cá đỏ tươi thể hiện sức sống mãnh liệt, khỏe mạnh để có thể đưa ông Công ông Táo lên trời thuận buồm xuôi gió.

Những người dân có kinh nghiệm trong việc nuôi cá chia sẻ, vì đây là loại cá đặc biệt nên người nuôi phải thực sự rất cẩn thận từ các khâu nuôi thả, chăm sóc cho đến thu hoạch.

Cá chép ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương được ưa chuộng bởi cá có màu đỏ tươi

Trong quá trình nuôi, ao lúc nào cũng phải giữ sạch sẽ, bật guồng tạo ôxy 24/24 giờ; cứ 15 ngày phải sát trùng và rắc men vi sinh vào ao 1 lần để tạo cho nước có màu xanh thẫm. Có như vậy thì cá mới tránh được nhiễm khuẩn và có màu đỏ đẹp mắt.

Ban đầu nghề nuôi cá chép đỏ xuất phát từ các hộ dân ở thôn Tân Cổ, những năm gần đây đã nhân rộng ra nhiều thôn lân cận trong xã. Những ngày bình thường, các hộ vẫn nuôi cá thương phẩm và cá giống tuy nhiên cứ khoảng 3 tháng cuối năm thì bắt đầu đầu tư nuôi cá chép đỏ.

Người nuôi phải thực sự rất cẩn thận từ các khâu nuôi thả, chăm sóc cho đến thu hoạch

Theo các hộ nuôi, giá trị kinh tế từ nghề nuôi cá chép truyền thống không cao, nhưng họ vẫn duy trì nhằm lưu giữ lại một làng nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài nuôi cá chép truyền thống, các hộ dân còn sản xuất nhiều loại cá giống khác hư: giống cá lăng; cá nheo; cá vược, cá ba sa, cá rô phi đơn tính…

Trong quá trình nuôi, ao lúc nào cũng phải giữ sạch sẽ

Tổ dân phố Bái Trúc đang có gần 400 hộ dân duy trì nghề nuôi cá chép truyền thống, chủ yếu tận dụng không gian diện tích ao nuôi gia đình.

Đầu mối tiêu thụ cá chép phục vụ Tết ông Công ông Táo, không chỉ trong tỉnh mà cung ứng cho các đầu mối đặt hàng ở khu vực các tỉnh Bắc Miền Trung từ Thừa thiên Huế trở ra.

Giá trị kinh tế từ nghề nuôi cá chép truyền thống không cao nhưng người dân vẫn duy trì nhằm lưu giữ lại một làng nghề truyền thống mà cha ông để lại

Để tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ về quỹ đất để cho bà con mở rộng diện tích nuôi cá, bên cạnh đó mỗi năm cũng tổ chức các lớp đào tạo hỗ trợ khoa học kỹ thuật để bà con có thêm kinh nghiệm nuôi cá, tăng năng suất góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lang-ca-ong-cong-ong-tao-tan-co-chuan-bi-phuc-vu-tet-2024-post283013.html