Làng bánh chưng Tranh Khúc 'đỏ lửa', hối hả đón Tết

Về làng Tranh Khúc những ngày cận Tết, chúng tôi cảm nhận như Tết đã đến thật gần bởi mùi thơm của gạo, vị bùi của đỗ thoang thoảng ngập tràn trong sắc xanh của lá dong. Khắp đầu làng, cuối ngõ râm ran tiếng cười nói của người thợ đang gói bánh chưng.

Dân Hà thành vẫn thường hay nói “Ngon như bánh chưng làng Tranh Khúc”, bởi bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) dẻo, thơm ngon là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà nhiều khách phương xa trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bí quyết nằm ở cái “tâm”

“Vào vụ Tết, mỗi ngày chúng tôi cho ra lò hàng nghìn chiếc bánh chưng nhưng chiếc nào cũng giống chiếc nào. Từng chiếc bánh là tâm huyết của người thợ và bí quyết nằm ở cái “tâm” gìn giữ thương hiệu truyền thống làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm nay”, bà Nguyễn Thị Yên (sinh năm 1963), chủ xưởng bánh chưng Yên Hùng cho hay.

Khoảng sân chừng 60m2 của gia đình bà Yên những ngày này đông đúc, tất bật hơn bao giờ hết. 10 thành viên trong gia đình phối hợp nhịp nhàng, mỗi người một tay, một chân nhuần nhuyễn đến mức “nhắm mắt” cũng có thể làm được. Công việc được bắt đầu từ khi rửa lá dong, ngâm gạo, thái thịt, đồ đỗ đến gói bánh, luộc bánh đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, thận trọng.

 Bánh chưng lúc gói nếu không chặt tay sẽ không vuông và đẹp mắt.

Bánh chưng lúc gói nếu không chặt tay sẽ không vuông và đẹp mắt.

Bà Yên chia sẻ: “Tôi phải lựa chọn lá dong loại bánh tẻ, có màu xanh đẹp, không được dùng những lá bị sâu hay rách. Gạo nếp là gạo nhung của Nam Định, Hải Dương, Thái Bình. Thịt lợn gói bánh phải là thịt sấn để có cả nạc và mỡ, được trụng qua nước sôi để ráo nước và ướp gia vị trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi nguyên liệu đã được chọn lựa kỹ lưỡng thì phải có những đôi tay khéo léo của người thợ Tranh Khúc thì mới cho ra lò chiếc bánh chưng xanh, dẻo, thơm”.

Điều đặc biệt mà không ở bất cứ làng nghề nào thấy được chính là không cần dùng đến khuôn, người dân ở làng bánh chưng Tranh Khúc chỉ mất chưa đến 30 giây để xong một chiếc bánh; một người thợ có thể gói đến 2.000 chiếc bánh/ ngày.

Bí quyết được bà Hoàng Thị Trúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội bật mí: “Đôi tay của người thợ phải chặt tay, gói lâu dần sẽ quen, đong đúng tỉ lệ 8 phần gạo, 2 phần đỗ, 2-3 miếng thịt nạc lẫn mỡ. Bánh được luộc trong 10 giờ đồng hồ, tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi các khâu phải tỉ mỉ, sai một công đoạn là bỏ cả mẻ bánh, chất lượng bánh cũng vì thế mà ảnh hưởng”.

Đậu xanh sau khi đồ chín được nắn chặt cùng với thịt, 2 miếng thịt được bao bọc trọn trong toàn bộ đậu xanh.

Đậu xanh sau khi đồ chín được nắn chặt cùng với thịt, 2 miếng thịt được bao bọc trọn trong toàn bộ đậu xanh.

Giữ nghề cổ truyền và đưa thương hiệu vươn xa

Bấy nhiêu tuổi đời thì cũng là số năm mà anh Nguyễn Quốc Trịnh (sinh năm 1986, con bà Yên) thấm đẫm tình yêu nghề và gìn giữ nghề truyền thống. “Mình là đời thứ 5 nối nghiệp của gia đình, tôi tin nghề truyền thống của làng nghề sẽ chẳng bao giờ mai một được”, anh Trịnh nhấn mạnh.

Tốt nghiệp cử nhân đại học nhưng anh Trịnh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống. Nhìn những chiếc bánh được anh say sưa, cẩn thận chăm chút tôi mới thấy được tình yêu nghề của chàng trai trẻ ấy. Anh bày tỏ: “Tôi sẽ tiếp tục tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu, tiếp tục giúp thế hệ sau, gìn giữ lấy tinh hoa ẩm thực của dân tộc cho đến khi không còn sức mới thôi”.

 Lá dong - chọn lá bánh tẻ, lá không non cũng không già quá. Có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát, người thợ phải rửa thật kỹ, lau khô rồi xếp lá vuông vức với nhau, gấp nếp vừa đủ để người gói thuận tiện lấy lá.

Lá dong - chọn lá bánh tẻ, lá không non cũng không già quá. Có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát, người thợ phải rửa thật kỹ, lau khô rồi xếp lá vuông vức với nhau, gấp nếp vừa đủ để người gói thuận tiện lấy lá.

Những ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao, bà Yên lại gọi con cháu trong nhà về phụ giúp từ rửa lá, vo gạo, nấu đỗ và đun nấu.

Những ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao, bà Yên lại gọi con cháu trong nhà về phụ giúp từ rửa lá, vo gạo, nấu đỗ và đun nấu.

Màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ, màu đỏ của thịt, màu đen của tiêu, gói trong màu xanh của lá dong đã khéo léo giao hòa làm nên chiếc bánh thấm đẫm hương vị đất trời.

Màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ, màu đỏ của thịt, màu đen của tiêu, gói trong màu xanh của lá dong đã khéo léo giao hòa làm nên chiếc bánh thấm đẫm hương vị đất trời.

Anh Trịnh chia sẻ: “Sinh ra từ gia đình có truyền thống làm nghề nên tôi được bố, mẹ truyền dạy cho cách chọn lá dong, chọn gạo, chọn đỗ, chọn thịt, sao cho thơm ngon, gói bánh sao cho khéo. Những ngày cận Tết như thế này, tôi và gia đình phải làm từ sáng sớm tới tối muộn để kịp trả những đơn hàng từ khắp nơi”.

Bánh chưng của gia đình bà Yên đã cung cấp chính cho cửa hàng Quốc Hương (số 9, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hàng chục năm nay. Bà Trang Thị Bích Vân (sinh năm 1960, con gái của chủ thương hiệu Quốc Hương) cho biết: “Chúng tôi đã là nhà phân phối bánh chưng Tranh Khúc của gia đình bà Yên từ năm 1985 đến nay. Chiếc bánh chưng vừa đủ thịt, gạo vừa đủ mới không bị ngấy”.

Hiện nay, nghề gói bánh chưng đang chiếm khoảng 40 đến 45% tổng thu nhập của thôn Tranh Khúc. Các công nghệ hiện đại cũng được áp dụng để hút chân không đưa đến tay người tiêu dùng. Trên bao bì cũng được dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng. Thay vì luộc bánh bằng than, củi thì người dân làng Tranh Khúc đã chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/lang-banh-chung-tranh-khuc-do-lua-hoi-ha-don-tet-717073