Lán tre bên suối

Truyện ngắn của Quang Sáng

Bà Thị Vé năm nay vui lắm, cà phê được mùa. Từ ngày chồng mất, bà một mình nuôi con, bao khó khăn vất vả. Ở bon này, con gái bằng tuổi Thị Den đều đã lấy chồng, có đứa mấy mụn con.

Hồi còn chồng, gia đình bà sống trong căn nhà gỗ cạnh vườn điều cùng bon làng. Ngày đó, nhà bà nhiều rẫy. Chồng đổ bệnh, chữa trị trên tỉnh mãi không khỏi, đưa về thành phố, lần lượt mấy mảnh rẫy phải bán đi. Chồng mất, bà bán căn nhà đang ở, lấy tiền trả nợ. Bà đưa Thị Den xuống rẫy cà phê cạnh suối làm cái lán tre.

Mảnh rẫy trồng cà phê nằm nghiêng nghiêng bên suối, từ con đường cuối bon qua khu nghĩa địa, đi qua hai triền dốc. Mảnh rẫy này được phát dọn nhiều năm trước từ đám tre lồ ô. Ở đây, mùa khô không bao giờ thiếu nước. Ngày chồng còn sống, mỗi lần vào rẫy, chiều về hai vợ chồng lúc nào cũng đầy nặng gùi trên vai, nào là măng tre, hoa chuối rừng, cá suối, củ mì.

Về ở trong lán tre, Thị Den dậy rất sớm, nhịn đói đến trường cách nhà cả mấy cây số. Mưa, nắng, đường xa nhưng Thị Den không bao giờ bỏ học. Trên bức tường tre treo nhiều giấy khen.

Ngày ngày, bà Thị Vé miệt mài bên vườn cà phê. Hết làm cành, tỉa chồi, làm cỏ rồi thu hoạch. Năm trước, Thị Den thi vào trường sư phạm tỉnh. Thị Den chăm học, hết giờ lại đi phụ bán hàng cho mấy quán ăn. Cách đây mấy tuần, Thị Den điện thoại về cho mẹ, kể chuyện quen anh bộ đội dưới xuôi, đóng quân gần trường học. Anh rất quan tâm, hai người đã ngỏ lời yêu, chờ ngày Thị Den ra trường sẽ nên chồng nên vợ.

Lán tre của bà Thị Vé ở xa khu dân cư nên lâu lâu bà mới về bon thăm người thân, nhân tiện sạc nhờ điện thoại. Chiều qua, đang làm cỏ, hai vợ chồng người mua cà phê ở đầu bon đến. Bà bán bốn bao, hai vợ chồng người ấy phải chở mấy chuyến xe máy. Số tiền bán cà phê bà sẽ gửi cho Thị Den để chi tiêu. Năm nay dịch bệnh Thị Den không đi làm thêm được.

Ngủ dậy, bà Thị Vé lấy điện thoại gọi cho con, nhưng hết pin. Chiều phải lên bon sạc cái điện thoại. Đội cái nón cũ, bà Thị Vé mang cuốc ra vườn. Sáng nay, bà cố gắng làm thêm mấy luống đất sát bờ suối để trồng rau. Mấy vạt rau bữa trước nghe ông trưởng bon nói, bà đã nhổ hết, gùi lên nhà văn hóa để gửi về khu cách ly.

Mảnh đất này nghe mẹ bà kể, xưa kia là rừng lồ ô, bon làng của bà ở cạnh triền suối, ngày làm rẫy, đêm đốt đuốc giã gạo, rồi từng đoàn bộ đội về đây ở lại trong bon, dân làng nấu cơm, góp gạo để bộ đội hành quân đi tiếp về hướng nam. Mỗi đoàn quân về đều giúp Nhân dân trong bon sửa lại nhà cửa, dạy tụi trẻ học con chữ… Người dân trong bon ai cũng thương bộ đội. Các bà, các mẹ khâu vá lại những bộ quân phục bị rách, làm những ống cơm lam để bộ đội hành quân. Cha của bà khi trước hành quân qua đây. Áo của cha bị rách một miếng vai, đứt mấy cúc, được bà ngoại vá, đơm lại. Qua những cánh thư đợi chờ, ngày giải phóng cha trở về cùng mẹ xây quê mới.

 Minh họa: Ngọc Tâm

Minh họa: Ngọc Tâm

Chiến tranh kết thúc, già làng cùng mọi người trong bon chuyển lên khu vườn điều, làm nhà, định cư ở đó. Trường học dựng lên, bà đến trường biết được một ít chữ rồi lấy chồng. Từ khu dân cư, từng vườn điều, vườn cà phê lần lượt mọc lên, vươn xa phủ xanh mấy chục quả đồi.

- Nhà có ai không? Tiếng nói từ phía lán tre làm đứt quãng dòng suy nghĩ của bà.

- Có ai không?

- Có tôi đây, bà Thị Vé bỏ cái cuốc, tay cầm nón vừa quạt vừa chạy từ bờ suối lên. Mỗi lần có người đến bà rất vui. Nhà xa khu dân cư, ai đến cũng mang niềm vui, hoặc báo tin quan trọng.

- Chào cô.

- Vào nhà đi.

Người đàn ông mang quân phục bộ đội, vết sẹo dài trên trán, mái tóc hơi dài, hàm răng đen khẽ nhếch mép cười, cúi thấp, đi cùng bà Thị Vé vào lán tre.

- Bộ đội à? Mệt không? Uống nước đi.

- Cô ở đây có một mình à?

- Hai mẹ con, con gái đi học làm cô giáo ở trên tỉnh, lâu rồi không về.

- Học trường sư phạm tỉnh à. Đơn vị cháu đóng quân ngay đó.

- Thế có biết Den không, con bé có mái tóc xoăn đó.

Người đàn ông hơi chau mày, rồi ánh mắt anh ta sáng lên: Có, có biết, ngày nào cũng gặp mà.

- Ừ, nó ngoan lắm, nhà nghèo, vất vả, mà chịu khó học, năm nào cũng học sinh giỏi.

Bà Thị Vé và người đàn ông mặc quân phục bộ đội chuyện trò. Mà toàn là bà nói. Nói nhiều. Cũng đúng thôi, lâu mới có người vào thăm lán tre, mà lại là bộ đội.

Người đàn ông ngồi nghe, thỉnh thoảng lại nhắc đến khó khăn ở trường của con gái bà.

Chuyện trò được một lát. Người đàn ông bấm điện thoại: Vâng, dạ, em về ngay ạ… Xong, anh ta nói với bà chiều nay sang trường sư phạm tỉnh có buổi giao lưu phối hợp hoạt động gì đó.

- Chiều nay cháu có việc về gấp, cô có gì gửi cho em Den không?

- Lâu nó không về, mà khó khăn thế nhờ cháu cầm tiền lên cho Den được không? Cô chưa điện cho Den, điện thoại hết pin rồi.

- Được, cô đưa cho cháu, đầu giờ chiều cháu vào trường đưa ngay.

- Ở lại, nấu cơm ăn đã.

- Cháu vội lắm, đơn vị gọi điện về gấp, cô gửi cho Den thì đưa cho cháu.

Bà Thị Vé thấy người đàn ông nói vội vã, liền đứng dậy lấy bọc tiền để trong túi vải. Cháu gửi giúp cô nhé. Cô cảm ơn. Nói Den cố gắng học tốt.

Người đàn ông đút vội tiền vào túi áo, đi nhanh ra sân. Vừa lúc hai thanh niên mặc áo xanh xuất hiện cùng anh bộ đội.

- Chào đồng chí. Anh bộ đội mới đến chào người đàn ông mặc quân phục.

- Chào… đồng… chí.

- Đồng chí ở đơn vị nào?

-Tôi ở... Người đàn ông ấp úng trả lời, vội vàng nhảy lên chiếc xe máy cũ, vặn chìa khóa, định nổ máy.

Anh bộ đội mới đến, nhanh tay chộp vào tay phải của người đàn ông mặc quân phục, bẻ ngược ra sau.

- Sao vậy anh Phúc.

- Các bạn, đây là kẻ giả danh bộ đội, các bạn cùng tôi bắt nó lại.

Ba người lao vào người đàn ông mặc quân phục. Bà Thị Vé mặt tái nhợt chạy quanh bốn người đang vật lộn trước cái lán tre, miệng ú ớ không thành lời. Chiếc cúc áo của Phúc bật tung, bắn ra góc sân.

Người đàn ông mặc quân phục cố gắng chống trả. Bằng mấy thế võ, Phúc khóa hai tay người đàn ông về phía sau, ghì mạnh xuống đất.

- Lấy cho con khúc dây. Phúc đánh mắt về phía bà Thị Vé.

Bà Thị Vé chạy vào trong lán, hớt hải gỡ đoạn dây thừng buộc ở đầu cây cột đưa cho Phúc.

Trong chốc lát, hai tay người đàn ông mặc quân phục bị cột chặt sau lưng.

- Đưa tên này ra ủy ban xã. Phúc nói với hai bạn đi cùng.

Một thanh niên lái xe, Phúc ngồi sau khóa chặt người đàn ông mặc quân phục ngồi giữa. Nổ máy.

- Anh ơi cho em xin, em biết lỗi rồi, em xin trả lại tiền cho cô. Tiền em để trong túi áo.

- Anh đã lừa lấy tiền cô Vé? Phúc hỏi.

- Vâng, cho em xin, em trả lại tiền, các anh tha cho em.

- Hải lấy lại tiền cho cô, trong túi áo tên này. Phúc nói với người bạn đang đứng cạnh bà Vé.

Hải rút số tiền từ túi áo người đàn ông mặc quân phục. Bà Vé cầm tiền hai tay run bần bật.

- Các anh ơi, tha cho em. Tiếng người đàn ông mặc quân phục van nài.

- Không được.

Xe Phúc nổ giòn đu lên triền dốc. Xe Hải chạy sau.

Bà Thị Vé nhìn hai chiếc xe máy trên đỉnh đồi, tim đập thình thịch. Lát sau lấy được bình tĩnh, đi vào lán tre, hai tay giữ chặt số tiền định gửi cho Den, hít một hơi dài, bà tự nhủ: Mình thật may mắn.

Một lát sau, có tiếng xe đầu dốc. Bà chạy vội ra sân. Trên con đường mòn, bảy, tám người thanh niên đi xuống.

Mẹ, con về đây, các bạn con cùng về mẹ ạ! Thị Den mặc chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện chạy tới ôm chặt bà. Các bạn đi cùng Thị Den dựng xe, chạy tới.

- Tụi cháu đưa tên lừa đảo ra ủy ban xã giao cho công an rồi cô ạ. Hải nhanh miệng nói với bà.

- Cô cẩn thận nhé, gần tết, hết năm có nhiều người giả danh để đi lừa đảo đó cô. Tiếng Phúc nhỏ nhẹ.

- May mà có các cháu, cô có biết đâu, thấy nó mặc quần áo bộ đội, lại nói ở cạnh trường Den nên cô tin.

- Mẹ! Đây là anh Phúc, bộ đội đóng quân gần trường con, hôm trước con gọi điện nói chuyện với mẹ đó. Đợt này trường con và đơn vị của anh xuống khảo sát những hộ khó khăn để tết đến có món quà hỗ trợ đó ạ. May mà anh Phúc về nhà mình sớm bắt được tên lừa đảo.

- Ừ, cảm ơn các con, mẹ không ngờ giờ lại có người xấu vậy, lại dám làm bộ đội giả nữa. Mẹ không để xảy ra như thế nữa, tại mẹ tin người quá.

Mọi người vào nhà. Tiếng cười nói râm ran. Bà Thị Vé lấy chiếc cúc áo đơm lại cho Phúc. Tay đưa đường kim thoăn thoắt. Trong tâm trí, hình ảnh bà ngoại vá áo cho cha khi hành quân qua đây, hiện về.

1,572

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/lan-tre-ben-suoi-90877.html