Lan tỏa phong trào vượt khó thoát nghèo

Với sự tiếp sức của Nhà nước thông qua các chương trình cho vay vốn ưu đãi cùng với quyết tâm thoát nghèo, nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã vượt qua khó khăn, xây dựng được cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu. Họ chính là những nhân chứng sống động lan tỏa tinh thần vượt khó, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng trong cộng đồng của mình.

Nhiều diện tích đất đồi dốc ở các xã miền núi của tỉnh Sơn La đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều diện tích đất đồi dốc ở các xã miền núi của tỉnh Sơn La đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Anh Hứa Văn Xuân là một trong những tấm gương điển hình về ý chí vươn lên thoát nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở xã nghèo Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Anh Xuân vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh chị em tại thôn Nà Giáo. Từ thôn tới trung tâm xã phải vượt qua quãng đường núi dài gần 10km vô cùng vất vả. Điều kiện tự nhiên bất lợi, địa hình chia cắt, đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt là những yếu tố khách quan khiến cho việc phát triển kinh tế của gia đình anh Xuân và người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2014, anh Xuân lập gia đình với hai bàn tay trắng, vốn liếng chỉ là nương rẫy, ruộng bậc thang chưa được cải tạo. Đời sống của gia đình anh đã trải qua những ngày rất vất vả, nhưng không vì thế mà anh lùi bước. Năm 2016, với sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chương trình thanh niên khởi nghiệp, anh Xuân được vay ưu đãi 150 triệu đồng để phát triển sản xuất.

“Với sự tư vấn của chính quyền xã và Huyện đoàn Mèo Vạc, tôi đã mua 7 con bò cái sinh sản, phần tiền còn lại, tôi dùng sửa chữa chuồng trại. Vợ chồng tôi tận dụng nương rẫy bỏ hoang để trồng cỏ cho bò. Sau 2 năm thực hiện, mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng lúa giúp tôi trả được vốn vay. Phần tiền lãi, tôi tiếp tục đầu tư xây dựng một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu yếu phẩm cho nhân dân. Hiện nay, gia đình tôi có mức thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/tháng” - anh Xuân kể.

Nhìn lại cơ ngơi có được như hiện nay, anh Xuân giãi bày: “Có được thành công như vậy, bản thân tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn giúp những gia đình nghèo như tôi có vốn để phát triển sản xuất. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên tới nhà hướng dẫn kỹ thuật, định hướng phát triển sản xuất. Từ đó, gia đình tôi có thêm động lực vươn lên thoát nghèo”.

Cũng với sự trợ lực từ Nhà nước, ông Hoàng Văn Đáo, trú tại bản Chiềng Ban 2, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã vượt qua nghịch cảnh, tự cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, thoát được cảnh đói nghèo.

Ông kể: “Gia đình tôi vốn là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. 2 vợ chồng tôi và 4 người con sinh sống trong căn nhà tạm 2 gian. Bản thân tôi từ khi sinh ra đã bị hỏng một bên mắt nên khó khăn trong lao động sản xuất, mọi công việc nặng nhọc trong gia đình đều đặt lên vai người vợ. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa, cây ngô, cây sắn. Do không nắm vững kỹ thuật sản xuất nên năng suất cây trồng của gia đình tôi rất thấp”.

Sự thay đổi bắt đầu khi Nhà nước tăng cường đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững ở vùng núi. “Nhà nước hỗ trợ địa phương chúng tôi làm đường liên thôn bản giúp người dân đi lại thuận tiện; xây dựng các công trình thủy lợi cung cấp đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng... Chúng tôi còn được hỗ trợ máy móc, cây, con giống để phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Bản thân tôi được học các lớp đào tạo nghề và được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. 2 người con của tôi được chính quyền giúp đỡ, giới thiệu đi làm việc tại các công ty với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Tôi xây được nhà, mua sắm máy xát gạo và máy tuốt lúa để phục vụ kinh doanh. Đến năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo, hiện nay là hộ khá trong thôn bản” - ông Đáo vui vẻ kể.

Chuyển đổi cây trồng để làm giàu

Vượt qua đoạn đường đất dốc nhỏ hẹp không quá xa, chúng tôi đã tới khu vườn đồi của ông Bạc Cầm Dung, 52 tuổi, ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Khu vườn của ông xanh mướt một màu, cam và bưởi đang ra quả. Chúng tôi gọi mãi mới nghe tiếng ông trả lời từ bên vườn nhãn.

Ông Bạc Cầm Dung bên vườn cam của gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Bạc Cầm Dung bên vườn cam của gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Dung trước kia là lính Biên phòng, sau chuyển sang làm cán bộ Công an xã Mường Lạn rồi nghỉ hưu. Ban đầu, ông trồng ngô, sắn như bao người dân khác ở xã Mường Lạn. “Các loại cây trồng truyền thống đó rất dễ trồng nhưng giá trị kinh tế không cao. Làm cả năm cũng chỉ được chưa tới 20 triệu đồng” - ông Dung kể.

Với vốn kiến thức tích lũy được qua đọc báo, xem ti vi, từ năm 2017, ông Dung mạnh dạn chuyển đổi phần lớn diện tích trồng sắn, ngô trước đây sang trồng cây ăn quả. Để đảm bảo chắc ăn, ông lựa chọn các giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, trong đó, có cả các loại cây đặc sản của quê hương mình. Đến nay, khu vườn đồi của ông có 800 cây cam, 800 cây xoài, 1.500 cây nhãn, hơn 500 cây mận hậu và mận tam hoa. Từ năm 2020, vườn cam của gia đình ông Dung bắt đầu cho thu hoạch. “Năm đầu tiên, tôi thu được hơn 3 tấn quả, bán được hơn 30 triệu đồng, vườn xoài cho thu hoạch 1,7 tấn quả, thu về hơn 10 triệu đồng” - ông Dung cho biết.

Ông Dung tâm sự: “Chăm sóc cây ăn quả vất vả hơn so với trồng sắn, ngô nhưng bù lại được giá cao hơn. Tôi phải lên mạng internet xem họ trồng, chăm sóc cây rồi học theo. Đến nay, tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hơn 2ha vườn cây ăn quả này. Điều làm nông dân chúng tôi sợ nhất là mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Đợt trước, tôi phun thuốc giữ quả cho cam, nhưng không hiểu sao phun thuốc xong lại bị rụng quả rất nhiều. Tôi chỉ mong mưa thuận, gió hòa để vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, mình lại có ý chí, bỏ công, bỏ sức thì không bao giờ lo đói nghèo cả”.

Ngoài vườn cây ăn quả, ông Dung còn đầu tư nuôi trâu và lợn sinh sản. Tính chung, thu nhập từ mô hình vườn chuồng của ông Dung cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình phát triển sản xuất của gia đình ông Dung, nhiều hộ dân trong xã Mường Lạn đã học theo, dần chuyển đổi diện tích trồng sắn, ngô sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-phong-trao-vuot-kho-thoat-ngheo-post450403.html