Lan tỏa mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Qua đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái.

Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ của HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ của HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Năm 2020, ông Lăng Văn Mười, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) tham gia mô hình sản xuất cây ba kích hữu cơ và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học.

Hằng năm, gia đình ông còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn gieo trồng, chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất theo quy định. Đến nay, mô hình cho kết quả khả quan và đã có một số đơn vị thu mua đến tìm hiểu và đề xuất bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Theo ông Mười, trước đây, việc trồng cây ba kích chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen nên giá trị kinh tế thấp. Từ khi được cán bộ ngành Nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc theo hữu cơ, gia đình tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất. Sau gần 3 năm, vườn cây ba kích của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Theo tính toán của ông Mười, giá trị kinh tế của cây ba kích mang lại khá cao, thị trường tiêu thụ lớn. Với diện tích 1ha trồng 20.000 gốc ba kích, mỗi gốc cho khoảng từ 3 - 4 củ, trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, giá bán dao động từ 120 -140 nghìn đồng/kg hiện nay thì 1 ha ba kích ước thu về hơn 3,6 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được 1,5 tỷ đồng cho chu kỳ 4,5 đến 5 năm, cao hơn nhiều lần so với trồng cây sắn, keo, bạch đàn trên cùng một diện tích.

Tại hợp tác xã thương mại và dịch vụ Định Trung (thành phố Vĩnh Yên), 35 thành viên đã tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ với quy mô 3ha. Qua 3 năm thực hiện đã thu được hiệu quả tích cực, năng suất rau hữu cơ của HTX đạt từ 300-350 tạ/ha/năm, giá trị ước đạt 520 triệu đồng/ha/năm.

Chủng loại rau của HTX đa dạng, phong phú như rau muống, cải các loại, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi, rau bí, mướp, bầu, dưa chuột...với sản lượng cung ứng ra thị trường bình quân 300 kg/ngày, trong đó hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần VietGarden (Hà Nội) 150 kg/ngày và 10 cửa hàng của hệ thống siêu thị Winmart, một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên như Sông Hồng Thủ Đô, Khách sạn Westlake, Nhà hàng Á Đông, Cafe xanh,…

Bà Nguyễn Thị Hương Hồi, Giám đốc HTX cho biết: Mô hình sản xuất rau hữu cơ của HTX không chỉ giúp các thành viên nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia, tăng 10,9 -27% so với sản xuất thông thường.

Những năm gần đây, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện và mở rộng diện tích.

Thực hiện Quyết định số 2573 ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020 -2022 trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm giúp các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân nắm bắt được các tiêu chuẩn, quy định về nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật trồng, chăm sóc hữu cơ, theo hướng hữu cơ; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các vùng có đủ điều kiện để triển khai các mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ.

Trong 3 năm (2020-2022), Chi cục TT&BVTV đã tổ chức 100 lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật sản xuất hữu cơ, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 10 nghìn lượt người tham gia; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ hơn 4.400 ha rau ăn lá theo hướng hữu cơ tại 71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố với sự tham gia của gần 60 nghìn lượt hộ nông dân.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ trên địa bàn tỉnh bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người sản xuất về phương thức canh tác an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Với diện tích hỗ trợ 1.664 ha/năm theo hữu cơ sẽ giảm khoảng 500 tấn phân vô cơ/năm và 1,3 tấn thuốc BVTV hóa học/năm; đồng thời, bổ sung một lượng mùn lớn làm cho đất tơi xốp, số lượng các vi sinh vật tăng lên, cân bằng chất dinh dưỡng trong đất.

Nhờ đó, hằng năm, Vĩnh Phúc cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo ưu thế cạnh tranh trên thị trường; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi liên kết; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh...

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh đạt khoảng 2% diện tích đất trồng trọt hữu cơ; 1,5% sản phẩm thịt lợn, thịt gà hữu cơ; 1,0% diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ; hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao hơn khoảng 1,5 lần so với sản xuất thông thường.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95746//lan-toa-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co