'Làn sóng' trả lại mặt bằng thuê đang quay trở lại các tuyến phố lớn của TP HCM

Tình trạng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích thuê đang dần quay trở lại với TP HCM. Trên nhiều tuyến phố, tình trạng mặt bằng để không do không tìm được khách thuê xuất hiện ngày một nhiều.

"Làn sóng" trả mặt bằng, thu hẹp diện tích kinh doanh xuất hiện từ giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc trả mặt bằng lại đến từ các lý do liên quan đến kinh tế như doanh thu giảm, chi phí đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng, các chi phí phát sinh nhiều...

Ngoài ra, một số mặt bằng đẹp đang bỏ trống được lý giải là do giá cho thuê cao, doanh nghiệp làm ăn khó khăn và yếu về tài chính sau đại dịch nên xảy ra thua lỗ, phá sản phải trả lại mặt bằng. Trong khi đó, nhiều chủ mặt bằng nhất quyết không giảm giá thuê, dù có phải bỏ không nhiều tháng. Đây cũng là một nghịch lý khiến nhiều mặt bằng đẹp, đặc biệt là khu vực trung tâm vẫn đang bị bỏ không.

Khu vực góc hai mặt tiền trên đường Nguyễn Huệ đang trở thành một địa điểm "đẹp" để dán thông tin cho thuê nhà.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thà bỏ không mặt bằng, nhất định không cho thuê giá rẻ sẽ còn tiếp diễn do nhiều chủ mặt bằng đang chờ đợi sự phục hồi của kinh tế, du lịch. Vì thế, tại nhiều địa điểm đẹp, do không tìm được tiếng nói chung giữa bên thuê và cho thuê nên mặt bằng để trống ngày một nhiều. Trong tương lai, với việc giá thuê tiếp tục neo ở mức cao thì đến cuối năm 2023, mặt bằng kinh doanh sẽ có thể để trống 50%, đặc biệt là các sàn thương mại và mặt bằng đẹp trên các tuyến phố trung tâm.

Vấn đề này cũng được ghi nhận trong báo cáo về thị trường văn phòng quý I/2023 của CBRE, đơn vị này ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt từ nhiều chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

Đơn vị này cho hay nhiều giao dịch thuê văn phòng đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do khách thuê cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Trong lúc này, một số chủ nhà đồng thời chào thêm các mặt bằng đã giữ lại trong giai đoạn trước. Những yếu tố này cùng khó khăn kinh tế trước mắt đã gây áp lực lên thị trường khi lần đầu tiên sau đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều.

Điều này dẫn đến diện tích trống của hạng A tăng 3.500 m2, diện tích cho thuê mới của hạng B cũng chỉ hơn 2.200 m2 (trong đó đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động)

Các mặt bằng đẹp trên các tuyến phố trung tâm đang được bỏ trống nhiều do giá thuê không giảm.

Tương tự, báo cáo quý I của Cushman & Wakefield cho thấy tỷ lệ lấp đầy ở văn phòng hạng A và B lần lượt giảm 1,6 và 2,1 điểm phần trăm, chủ yếu do kinh doanh khó khăn khiến khách thuê cắt giảm chi phí. Đây cũng là lần đầu tiên sau đại dịch, số doanh nghiệp đóng cửa trong quý I nhiều hơn số doanh nghiệp mới và tái hoạt động.

Doanh nghiệp mới và tái hoạt động thống kê được khoảng 56.946 công ty, giảm 5,4% so với cùng kỳ trong khi doanh nghiệp tạm đóng và giải thể lên đến 60.241 đơn vị, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2022. Diễn biến này đang tạo thêm áp lực lớn cho thị trường văn phòng cho thuê.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tình trạng mặt bằng để trống tại nhiều tuyến phố của TP HCM:

Thương hiệu eDiGi - cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp của Apple (APR) trên đường Công Xã Paris, ngay cạnh Bưu điện Thành phố dừng hoạt động từ ngày 28/4, hiện mặt bằng này vẫn đang để trống.

Cửa hàng McDonald's nằm trên đường Công Xã Paris, cạnh Bưu điện Thành phố cũng đã đóng cửa trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19. Mặt bằng với tổng diện tích hơn 600m2 này cũng để trống trong gần 2 năm qua do chưa tìm được khách thuê.

Quán cà phê Mellower Coffee nằm tại tòa nhà Metropolitan (đường Đồng Khởi), có tầm nhìn trực tiếp ra Nhà thờ Đức Bà cũng đã đóng cửa. Được biết giá thuê mặt bằng tại tòa nhà này có thể lên tới 20.000 USD/tháng cho diện tích 200m2.

Căn góc 2 mặt tiền có diện tích 18x30 m trên đường Nguyễn Du với Công Xã Paris cũng vắng bóng khách thuê. Được biết giá rao thuê của căn nhà này hiện ở mức 400 triệu đồng/tháng.

Cách đó không xa, một cửa hàng cafe Highland cũng đã đóng cửa.

Mặt bằng rộng ở góc phố này từng là một điểm kinh doanh sầm uất với giá thuê lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng.

Đối diện Highland là một tòa nhà 3 lầu 1 trệt cũng đang treo biển cho thuê.

Những mặt bằng đẹp như vậy trên phố Pasteur hiện đang bỏ trống rất nhiều, trở thành nơi dán quảng cáo cho thuê nhà.

Một nhà hàng Nhật đang trong đống ngổn ngang của vật liệu xây dựng. Đây từng là điểm đến ưa thích của nhiều bạn trẻ cách đây 1 năm.

Ngoài ra còn nhiều mặt bằng nhỏ trong các tuyến phố trung tâm như Đồng Khởi cũng đang được bỏ trống, chưa tìm được khách thuê.

Một mặt bằng lớn tại đường Công Trường Lam Sơn cũng đang bỏ trống.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lan-song-tra-lai-mat-bang-thue-dang-quay-tro-lai-cac-tuyen-pho-lon-cua-tp-hcm-post248711.html