Làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu chứng khoán?

(ĐTCK-online) Bên cạnh xu hướng một số tổ chức mua CTCK để phục vụ các mục tiêu riêng, thì liệu có làn sóng ngược lại: tháo chạy khỏi cổ phiếu chứng khoán? Và câu hỏi đau đầu nhất với những “ông chủ” đang kẹt vốn tại CTCK là: muốn bán CTCK lúc này, ai sẽ mua?

Thông tin về lộ trình thoái vốn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tại CTCK Sacombank (SBS) đã được đề cập trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên của ngân hàng này hồi đầu năm nay. Nhưng điều gây bất ngờ là Sacombank lại công bố bán vào lúc này, thời điểm TTCK đang ngập chìm trong khó khăn. Đồng thời, bán tới hơn 48 triệu cổ phiếu SBS, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 48,95% về 10,95%, chứ không phải là con số chung chung dưới 50% như trong Nghị quyết ĐHCĐ nêu trước đó. Cuộc thoái vốn có khả năng thành công cao vì đó là giao dịch thỏa thuận, nhưng câu chuyện được chú ý cũng từ giao dịch thỏa thuận đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, cổ phiếu SBS chỉ còn 5.900 đồng/CP, tức đã giảm46% so với giá trị sổ sách. Điều này có nghĩa là, nếu bán ở mức giá khoảng 6.000 đồng/CP, Sacombank sẽ ghi nhận khoản lỗ thực hiện 235 tỷ đồng và khoảng 60 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán (do thay đổi cách hạch toán đầu tư vào SBS từ phương pháp giá trị sổ sách do đầu tư công ty liên doanh - liên kết sang phương pháp giá thị trường). Nhưng điều đáng nói là, ngay cả khi có khả năng đột ngột bị lỗ khoảng 300 tỷ đồng, không ít người vẫn cho rằng, đây là tín hiệu tích cực cho Sacombank.

Tổng giám đốc một công ty phân tích tài chính cho rằng, việc thoái vốn về mức xấp xỉ 11% tại SBS của Sacombank là bước đi đáng hoan nghênh. Theo vị này, việc giữ tỷ trọng sở hữu thấp tại CTCK sẽ giúp cho hoạt động của Ngân hàng ở vị trí độc lập với những rủi ro liên đới có thể có khi kết hợp cung cấp dịch vụ với CTCK.

Đã qua rồi thời cổ phiếu chứng khoán "đắt như tôm tươi". Giờ đây, các rao mua CTCK đều hướng đến các DN có quy mô nhỏ, tài chính "sạch". Với việc cơ quan quản lý ngừng cấp phép thành lập CTCK mới, Giấy phép thành lập và hoạt động CTCK không phải không có giá. Vậy nhưng, xét tình hình tài chính của SBS với 930 tỷ đồng vay ngân hàng, gần 500 tỷ đồng vay đối tượng khác và hơn 2.300 tỷ đồng phải trả, phải nộp… khiến không ít NĐT e ngại. Chính vì thế, nhiều ý kiến dự báo rằng, ông chủ mới của SBS nhiều khả năng là "người quen" với công ty này, chứ khó có thể là người hoàn toàn mới.

"Nước nổi thì bèo nổi", lãnh đạo UBCK đã từng ví von như thế khi nói về mối quan hệ giữa diễn biến TTCK với hoạt động của CTCK. Với dự báo chưa mấy khả quan về tình hình vĩ mô sắp tới, TTCK sẽ khó lòng tạo được đột biến. Có thể lý do Sacombank thoái vốn tại SBS là để giảm tỷ lệ góp vốn của Ngân hàng tại các DN về dưới 11% - tỷ lệ giới hạn các khoản đầu tư vào các DN như Luật Các tổ chức tín dụng yêu cầu, nhưng vụ thoái vốn này khiến người ta nhìn ra bình diện rộng hơn: liệu cổ phiếu chứng khoán đã đi vào giai đoạn thoái trào? Bên cạnh xu hướng một số tổ chức mua CTCK để phục vụ các mục tiêu riêng, thì liệu có làn sóng ngược lại: tháo chạy khỏi cổ phiếu chứng khoán? Và câu hỏi đau đầu nhất với những “ông chủ” đang kẹt vốn tại CTCK là: muốn bán CTCK lúc này, ai sẽ mua?

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CHAJCF/lan-song-thao-chay-khoi-co-phieu-chung-khoan.html