Làn sóng giải thể doanh nghiệp địa ốc còn kéo dài đến hết năm?

Thống kê cho thấy, giao dịch nhà đất thành công từ đầu năm đến nay chỉ bằng 1/10 so với điều kiện bình thường. Việc không thể bán hàng để thu tiền về, cộng thêm khó khăn trong tiếp cận vốn nhà băng đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành rơi vào cảnh suy sụp.

Đầu tháng 6/2023, báo cáo chuyên đề về “sức khỏe” thị trường bất động sản của VARS từng đưa ra dự báo, nếu khó khăn còn tiếp diễn, chỉ 43% doanh nghiệp trong ngành có thể trụ được đến hết năm. Cho đến hiện tại, những con số ám ảnh đang phần nào trở thành sự thật.

Khó chồng khó

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp địa ốc giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản cũng là ngành chứng kiến số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.

Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy, làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục lan rộng, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên mất việc. Danh sách doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án để trả nợ tiếp tục nối dài, với những tên tuổi đình đám.

Khó khăn vẫn bao trùm thị trường bất động sản đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó (Ảnh minh họa: Phạm Hòa).

Đất Xanh Group (DXG) có lẽ là một trong những ông lớn chịu tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng. Báo cáo tài chính quý II/2023 của DXG ghi nhận cơ cấu tổ chức gồm 86 công ty con, và không ít trong số này đang làm thủ tục giải thể.

Có thể kể đến những cái tên khá quen mặt như công ty cổ phần bất động sản miền Đông, công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ, công ty TNHH Đất Xanh Finance, công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Phước, công ty cổ phần đầu tư Diamond Tower, Ruby Tower…

Không đến nỗi giải thể, nhưng nhiều doanh nghiệp chấp nhận “chết lâm sàng” vì không còn tiền hoạt động. Đơn cử như trường hợp của công ty PVR Hà Nội cho biết, vừa nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc tạm ngừng hoạt động một năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.

Tình hình kinh doanh PVR khó khăn cùng cực, từ năm 2022 đến nay không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào. Tại báo cáo tài chính quý III/2023, mục doanh thu của công ty để trắng, trong khi lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2023 gần 79 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho biết trong hai quý đầu năm nay, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Sang quý III, sức khỏe các doanh nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn, song bình quân mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp “bốc hơi” khỏi thị trường.

“Sóng” giải thể còn tiếp diễn?

Có thể thấy “sức khỏe” của hầu hết doanh nghiệp địa ốc vẫn đang gặp nhiều vấn đề, bất chấp các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ và đà phục hồi của thị trường chung. Câu hỏi đặt ra là bao giờ doanh nghiệp hết cảnh “sống mòn”, số doanh nghiệp giải thể gấp 3 lần số thành lập mới?

Trong hội nghị mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là mất cân đối cung - cầu, trong đó nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp; phân khúc thấp cấp phục vụ cho nhu cầu của đa số người dân có thu nhập thấp còn rất hạn chế, không đủ điều kiện để vay vốn mua nhà.

Do đó, cần có cơ chế, chính sách để giải quyết vấn đề này. "Nếu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp từ phía cung. Đó là có chính sách để tăng cung nhà ở xã hội", bà Hồng nói.

Đặc biệt, theo bà Hồng, muốn thị trường bất động sản hồi phục, doanh nghiệp thoát khỏi cảnh “sống mòn”, cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư bằng cách giải quyết các yếu tố pháp lý của dự án. Dự án có pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư mới yên tâm khi mua nhà.

Pháp lý cũng chính là “bài toán” khó được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện tại. Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cũng cho rằng thị trường đã qua thời điểm khó khăn nhất.

Tuy nhiên, theo ông Dennis Ng Teck Yow, các vướng mắc về pháp lý chiếm đến 80% khó khăn của doanh nghiệp và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời gian thực hiện thông tư 02 về giãn nợ nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hồi phục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, từng ví von thị trường bất động sản hiện như đang trong cơn bão, doanh nghiệp càng lớn thì càng chịu nhiều áp lực, như cây to thì phải hứng gió lớn hơn.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc hiện tại, theo ông Tuyển, là dòng tiền mặt. Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở theo nhiều hướng khác.

Những diễn biến từ thực tế chứng minh các đơn vị trong ngành vẫn đang tiếp tục “ngấm đòn” khủng hoảng. Vì vậy, theo giới quan sát, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng giải thể trong thời gian tới, bởi số doanh nghiệp đã kiệt sức do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua còn không ít.

Để ngăn làn sóng giải thể lan quá rộng, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chính sách gỡ vướng cần triển khai nhanh, mạnh hơn để tránh làm đứt đà hồi phục, trong bối cảnh thị trường vẫn rất yếu.

“Thị trường đang giống một ván cờ, chỉ cần một phút lơ là sẽ khiến cho cục diện sụp đổ. Chính bởi vậy, lĩnh vực bất động sản Việt Nam rất cần sự tiếp tục kiên trì và quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành cho đến khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/lan-song-giai-the-doanh-nghiep-dia-oc-con-keo-dai-den-het-nam-1096641.html