Làn sóng 'di cư ngược' của người Mỹ gốc Hàn

Nhiều người ở Hàn Quốc từng di cư đến Mỹ để theo đuổi viễn cảnh 'giấc mơ Mỹ' hào nhoáng. Nhưng giờ đây, họ lại chứng kiến hành trình ngược trở lại của thế hệ tiếp theo.

Lớn lên ở Bắc Carolina (Mỹ), Kevin Lambert biết mình khác với những người da trắng cùng trang lứa. Những nét đặc trưng của người Hàn Quốc mà anh thừa hưởng từ mẹ rất nổi bật, và anh “luôn cảm thấy bị ruồng bỏ".

“Cả tuổi thơ của tôi, vào những năm 80-90, tất cả điều tôi được hỏi là: 'Này, bạn có phải là người Trung Quốc không? Bạn có biết kung fu không?'”, anh kể lại.

Cảm giác khó chịu đó kéo dài đến tuổi trưởng thành, thôi thúc anh chuyển đến Hàn Quốc vào năm 2009.

Kevin Lambert là một trong số nhiều người Mỹ gốc Á sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ. Từ nhiều thập kỷ trước, cha mẹ họ đã tới đây để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, nhưng rồi lại chứng kiến thế hệ tiếp theo thực hiện hành trình ngược trở lại.

Stephen Cho Suh, nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Bang San Diego, cho biết phần lớn người "di cư ngược" lớn lên vào thời điểm mà kiến thức chung của nhiều người Mỹ về châu Á chỉ giới hạn ở Nhật Bản và Trung Quốc. Thậm chí khi đó, họ vẫn xoay quanh những định kiến xúc phạm.

Trải nghiệm bị phân biệt chủng tộc và không được coi là người Mỹ hoàn toàn đã thúc đẩy nhiều người hướng về quê hương của cha mẹ họ.

Nhưng cuộc sống ở Hàn Quốc mang đến những thách thức riêng, và nhiều người cuối cùng đã quay trở lại Mỹ, theo CNN.

Kevin Lambert (phải) và vợ ở Seoul. Ảnh: An Sang-keun.

“Mọi người đều đề cập đến vấn đề chủng tộc”

Nhiều yếu tố đã thúc đẩy quá trình "di cư ngược" này. Năm 1999, Hàn Quốc thông qua luật mở cửa cho “người Hàn Quốc ở nước ngoài” giúp họ dễ dàng quay lại và ở trong thời gian dài hơn.

Nhưng có một yếu tố khác bao trùm. Ông Suh đã phỏng vấn hơn 70 người trong quá trình nghiên cứu và chia sẻ: “Mọi người đều đề cập đến chủng tộc, phân biệt chủng tộc, sắc tộc”.

Sau khi Daniel Oh rời Hàn Quốc cùng gia đình khi còn nhỏ, anh chuyển đến Canada và sau đó là Mỹ - nơi phân biệt chủng tộc là một thực tế hàng ngày. Oh, giờ đã 32 tuổi, nhớ lại “rất nhiều lần tôi cảm thấy xấu hổ vì là người nhập cư”.

“Tôi cố gắng thoát khỏi cảm giác xa lạ", anh nói. Nhưng “cho dù bạn nói tiếng Anh giỏi đến đâu, bạn biết bao nhiêu tài liệu tham khảo về văn hóa, bạn hòa nhập trong cách cư xử và lời nói như thế nào… thì bề ngoài, bạn vẫn là người Mỹ gốc Á”.

Daniel Oh bắt đầu trở lại thăm Hàn Quốc ở độ tuổi 20. Anh không hoàn toàn thoải mái khi nói tiếng Hàn.

Tuy nhiên, “theo một cách nào đó, tôi cảm thấy như ở nhà”, anh nói. Những điều từng khiến anh khác biệt ở Mỹ - một phần tính cách và cách cư xử, ý thức về bản sắc - “có ý nghĩa hơn rất nhiều khi tôi trở lại Hàn Quốc”.

Sức hút ấy ngày càng mạnh mẽ hơn sau mỗi chuyến đi. Cho đến năm 24 tuổi, anh chuyển đến Seoul - nơi anh đã sống suốt 8 năm qua.

Ji-Yeon O. Jo, giám đốc Trung tâm Châu Á Carolina tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, cho biết nhiều người di cư tận hưởng “giai đoạn trăng mật”, thích hòa vào đám đông có những gương mặt Hàn Quốc và cảm thấy thân thuộc.

Không chỉ con cái của những người nhập cư quay trở lại, nhiều người Mỹ gốc Hàn thế hệ thứ nhất cũng vậy.

Kim Moon Kuk (72 tuổi), di cư từ Seoul đến Los Angeles năm 1985 cùng vợ và hai con. Ông điều hành một số cơ sở kinh doanh trong nhiều thập kỷ, bao gồm một nhà hàng, chợ trời, cửa hàng vàng bạc và xưởng may.

Ông Kim Moon Kuk (phải) tại Los Angeles năm 1992. Ảnh: Kim Moon-kuk.

Nhưng ông và vợ đã quay trở lại Hàn Quốc vào năm 2020, định cư tại thành phố Chuncheon. Ông cho biết có nhiều lợi ích khi sống tại Hàn Quốc, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, giao tiếp bằng tiếng Hàn dễ dàng và gần gũi với gia đình.

Trong khi đó, ở Mỹ, phân biệt chủng tộc là một mối nguy hiểm xấu xí và thường trực. Ông nhớ lại việc ghé qua một quán bar vào những năm 90, nơi có những khách hàng quen là người da trắng xếp hàng bên ngoài. Ông đã bị từ chối “vì nó chỉ dành cho thành viên”.

Gần đây hơn, ông nhận định “cuộc sống của người châu Á trở nên khó khăn” với việc cựu Tổng thống Donald Trump gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc” và "kung flu" (tạm dịch "cúm Tàu").

Báo cáo về các sự cố thù ghét chống người châu Á đã tăng đột biến.

Vì vậy, đối với ông Kim, thật nhẹ nhõm khi được trở lại Hàn Quốc, nơi an toàn “tốt hơn 100%”.

“Tôi dự định sống (ở Hàn Quốc) cho đến khi chết”, ông nói.

Ông Suh cho biết mong muốn trên phổ biến ở những người Mỹ gốc Hàn lớn tuổi, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Sau nhiều thập kỷ xa cách, nhiều người đã mất liên lạc với gia đình và bạn bè, hoặc cảm thấy quá già để thực hiện hành trình “di cư ngược".

Bên cạnh đó, trong khi Hàn Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, chi phí sinh hoạt cũng tăng chóng mặt.

Hình ảnh phản chiếu của phân biệt chủng tộc

Tuy nhiên, sau khi “giai đoạn trăng mật” kết thúc, nhiều người bắt đầu thấy xung đột giữa “cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc” và “các giá trị, lối sống mà họ quen thuộc ở Mỹ”, bà Jo cho hay.

Ngay cả những công việc thông thường như tìm căn hộ, thiết lập tài khoản ngân hàng hay đăng ký với bác sĩ cũng phức tạp do rào cản ngôn ngữ và các giao thức không quen thuộc.

Giám đốc Trung tâm Châu Á Carolina chia sẻ đó là tâm lý chung. Nhiều người cho biết họ bị mọi người nhìn với ánh mắt kỳ lạ khi nói tiếng Anh trên phương tiện giao thông công cộng.

Một số thậm chí còn phải đối mặt với những câu hỏi của người lạ như: “Bạn là người Hàn Quốc, tại sao bạn không thể nói tiếng Hàn?”. Hoặc, khi thấy khó khăn vì gặp phải thuật ngữ y tế trong phòng khám, họ được hỏi: “Bạn không phải là người Hàn Quốc sao?”.

Kevin Lambert vào năm 2022. Anh rời Hàn Quốc và quay trở lại Mỹ vào năm 2020. Ảnh: Kevin Lambert.

Theo một cách nào đó, trải nghiệm này lặp lại những gì cha mẹ họ phải đối mặt khi họ nhập cư vào Mỹ.

“Chúng tôi thấy hình ảnh phản chiếu của phân biệt chủng tộc. Trong trường hợp này, (phân biệt đối xử) nội bộ sắc tộc dựa trên quốc gia mà bạn có quốc tịch", bà Jo nói.

“Ở Mỹ, đó là phân biệt chủng tộc giữa các chủng tộc. Động lực có một chút khác biệt”, nhưng có điểm tương đồng trong cách chúng thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, bà cho hay.

Những khoảnh khắc như thế đã khiến Lambert trở lại Mỹ vào năm 2020, sau 11 năm ở Hàn Quốc.

Ngoài ra, có lý do khác khiến một số người “di cư ngược” chọn quay trở lại Mỹ. Chẳng hạn khó khăn trong việc hẹn hò.

Nhiều phụ nữ gặp phải xung đột với chuẩn mực hẹn hò và giới tính bảo thủ ở Hàn Quốc - những “quy tắc ngầm" cho rằng họ “quá thẳng thắn… không đủ nghiêm trang, quá nữ quyền”, ông Suh nói.

Trong khi đó, nam giới có thể gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời nếu họ không “làm những công việc được ao ước”.

Việc làm có lẽ cũng là thách thức lớn nhất. Công việc giảng dạy rất dễ tìm với những người di cư, nhưng chuyển sang một ngành khác khó hơn. Suh cho biết cho dù vì lý lịch hay tình trạng thị thực của họ, người Mỹ gốc Hàn có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của nhà tuyển dụng trong một số lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh đó, nhiều người Mỹ gốc Hàn trẻ tuổi có một cái nhìn khác về bản sắc của họ sau những chuyến di cư.

Suh cho biết một số người nhận thức rõ hơn về bản sắc Mỹ trong họ, khi họ “nhận ra (họ) không phải là người Hàn Quốc theo cách mà người Hàn Quốc định nghĩa về tính chất Hàn Quốc”.

Sự chênh lệch này đặc biệt phổ biến ở người Mỹ gốc Hàn, những người thường “muốn ở giữa” hai quốc gia, bà Jo nói.

Nhiều người Mỹ gốc Hàn dẫn các yếu tố như muốn lập gia đình ở Mỹ, hoặc không muốn con cái lớn lên trong hệ thống giáo dục siêu cạnh tranh, áp lực cao của Hàn Quốc.

Kết quả là họ “tìm thấy không gian riêng với tư cách là những người có cả hai danh tính”, với mối liên hệ chặt chẽ với cả hai nơi, bà cho biết thêm. Nó giống việc nói: “Tôi vẫn là người Hàn Quốc, nhưng tôi cũng là người Mỹ”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-song-di-cu-nguoc-cua-nguoi-my-goc-han-post1431409.html