Làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Nhật

Lịch làm việc của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường dày đặc trong hai tuần qua. Ông có đến 6 cuộc hội thảo và nói chuyện về thương mại và đầu tư tổ chức ở 5 địa phương khác nhau của Nhật Bản. Theo lời ông, chính quyền và giới doanh nghiệp địa phương tại Nhật Bản 'có sự quan tâm lớn đến cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch tại Việt Nam'.

Thống đốc Uchibori Masao mời khách đi siêu thị Aeon Mall Tân Phú thưởng thức lê kousui nashi của tỉnh Fukushima.

Tuần trước, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường thăm và làm việc tại hai tỉnh Mie và Shiga theo lời mời của 2 thống đốc và các doanh nghiệp địa phương. Theo lịch, giữa tháng 11 sắp tới, Thống đốc tỉnh Mie Eikei Suzuki sẽ dẫn đầu phái đoàn hơn 90 công ty địa phương ở các ngành công nghiệp, thủy hải sản và du lịch đến Việt Nam. Đây là lần thứ hai tỉnh đưa đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Còn tỉnh Shiga sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm nay, sau thỏa thuận tương tự với TP.HCM.

Một tuần trước đó, vị Đại sứ Việt Nam đã đến ba tỉnh Okayama, Tottori và Shimane theo lời mời của các vị thống đốc và doanh nhân của ba tỉnh này. Giới doanh nhân Okayama xem thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Tottori quan tâm đến du lịch với các chuyến bay thuê chuyến (charter flight) đưa khách đến thăm Hà Nội và vịnh Hạ Long. Tỉnh này cũng quan tâm đến các đặc khu kinh tế sắp mở của Việt Nam.

Riêng Shimane với hơn 700.000 dân có nhiều công ty chế tạo máy móc, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm và nông ngư nghiệp, lại quan tâm đến việc tiếp nhận tu nghiệp sinh và thực tập sinh từ Việt Nam…

“Sẽ có làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian sắp tới” - Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trả lời báo chí như vậy nhân chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các hợp đồng trị giá 22 tỷ USD được ký kết. Làn sóng đó còn là cộng hưởng từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe vào đầu tháng 1/2017, và đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua.

Lịch trình làm việc của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trong vài tháng qua cho thấy làn sóng đầu tư và thương mại mới đến từ các doanh nghiệp địa phương, không phải từ các tập đoàn hay đại công ty của Nhật. Các doanh nghiệp địa phương từ các tỉnh ít người Việt biết đến đã chủ động liên lạc với phía Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh.

Cuối tháng 8/2017, tỉnh Fukushima ký hợp đồng với VietJet và Vietravel để thực hiện các chuyến bay thẳng (charter flight) đưa du khách Việt đến tỉnh này từ tháng 2-4/2018. Thống đốc Uchibori Masao không quên “nhiệm vụ” tiếp thị nông sản của Fukushima: Trong bộ kimono truyền thống, ông và các cộng sự mời khách ăn lê kousui nashi nổi tiếng của Nhật tại siêu thị Aeon Mall Tân Phú. Ông muốn xóa tan suy nghĩ nông sản tỉnh này bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa sóng thần và rò rỉ phóng xạ tháng 3/2011.

Tuần trước, tại Hà Nội, Thống đốc Hitoshi Goto của tỉnh Yamanashi lại chào mời khách Việt đến với núi Phú Sĩ và cảnh quan tuyệt đẹp của Yamanashi. Ông cũng mời khách thưởng thức loại nho Mẫu đơn cùng các loại vang nổi tiếng của địa phương.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận cả hai làn sóng của các doanh nghiệp Nhật? Một nhà tư vấn doanh nghiệp người Nhật gốc Việt đang làm việc tại TP.HCM cho rằng doanh nghiệp Việt vốn “có phần thụ động và chậm chạp”. Ông nói: “VietJet và Vietravel thì không nói, nhưng cần sự năng động từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Không chỉ chuẩn bị tốt để đón các cơ hội từ Nhật, mà họ còn phải chủ động tìm cách đưa sản phẩm và dịch vụ sang Nhật”.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/lan-song-dau-tu-moi-tu-cac-doanh-nghiep-nhat-d62418.html