Làn riêng cho xe đạp ở Hà Nội gặp khó khi triển khai?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất tổ chức 2 tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo. Đề xuất này nhằm phát triển thêm loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, tăng kết nối với xe vận tải công cộng.

Sau 2 tháng triển khai xe đạp công cộng ở TP Hà Nội, thống kê đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia, gần 1 triệu km di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Ảnh: Khánh Huy

Thí điểm 2 tuyến đường dành riêng cho xe đạp

Theo Sở GTVT, xe đạp và dịch vụ xe đạp công cộng đã phát triển và được triển khai tại Hà Nội thời gian qua, tuy nhiên đến nay, tại TP Hà Nội vẫn chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Để lưu thông trên đường, xe đạp đang phải đi chung với làn đường có ô tô, xe máy lưu thông. Ngoài khó đi lại, không khuyến khích được loại hình này phát triển, xe đạp đi lại trên đường còn gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông trên đường.

Tuyến đường thứ nhất được Sở GTVT Hà Nội đề xuất tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp là đường chạy dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở, (quận Đống Đa) đến Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) dài 2,3km. Theo phương án tổ chức làn xe đạp tại tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch, làn xe đạp sẽ được bố trí rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ.

Thực tế hiện nay, ngoài tuyến đường Láng rộng 6 làn xe, chạy dọc đường Láng còn có tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch vừa được cải tạo, hoàn thành rộng 4m, tuyến đường này đang dành cho người đi bộ và di chuyển bằng xe đạp.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, về khả năng kết nối với vận tải hành khách công cộng, tuyến đường này có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội tại khu vực Cầu Giấy. Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ. Do hạ tầng của tuyến đường này đã hoàn thiện nên việc tổ chức tại đây chỉ kẻ các vạch kẻ sơn, lắp đặt biển báo.

Tuyến đường thí điểm thứ hai là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Tuyến đường này dành cho xe đạp khoảng 5,7km, trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4km, dọc tuyến đường cũng có các trạm xe buýt để phục vụ hành khách đi xe đạp kết nối với vận tải hành khách công cộng.

Với tuyến đường Hoàng Minh Thảo tại khu vực công viên Hòa Bình, để tổ chức làn xe đạp, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP cần chỉ đạo cho sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều rộng 3m. Mức kinh phí để tổ chức thí điểm 2 tuyến đường dành cho xe đạp trên dự kiến khoảng gần 10 tỷ đồng, trích từ ngân sách Nhà nước, riêng tuyến đường dọc sông Tô Lịch là 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.

Tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển

Tại tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?” tổ chức vào tháng 11 vừa qua, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau 2 tháng triển khai xe đạp công cộng ở TP Hà Nội, thống kê đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia, gần 1 triệu km di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Bước đầu, đây là điểm sáng và do đó cần tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển. Cũng theo ông Thành, xe đạp công cộng không phải lần đầu tiên được triển khai ở Hà Nội.

Trước đó, năm 2014, Công ty CP Môi trường xanh từng thí điểm xe đạp công cộng nhưng quy mô hẹp ở bốn trường đại học: Điện lực, Công nghiệp, Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Nhưng hoạt động thử nghiệm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì nhiều điều kiện khó khăn nên phải tạm dừng.

Lần này, sau hơn 2 tháng triển khai mô hình, cần có một số điều phải chú ý để hướng đi này có thể tiếp tục phát triển. Thứ nhất, giai đoạn đầu của người dân chỉ là trải nghiệm. Thứ hai, hạ tầng để triển khai còn nghèo nàn. Cùng đó, các nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng chưa có và cũng chưa có thể chế pháp lý để phục vụ cho dịch vụ này. Chúng ta phải xác định đây là một trong những cấu phần vận tải nói chung. Ở Hà Nội, có ngõ nhỏ, ngõ hẹp nên phải xác định xe đạp là phương tiện transit và kết nối của người dân để đi tới các khu vực có hạ tầng công cộng.

Liên quan đến việc nhiều điểm đỗ xe đạp công cộng hiện nay vẫn ở ngoài trời, thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, ông Phan Trường Thành cho biết, hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, do đó trước mắt DN triển khai cần lưu tâm hơn trong việc bảo quản.

Trong tương lai, Sở GTVT đang thiết kế để các khu vực nhà ga ở các tuyến đường sắt đô thị, bến xe sẽ dành một phần diện tích có mái che để cho xe đạp công cộng. Ngoài ra, về lâu dài, để người dân chuyển từ xe máy sang xe đạp, cần có chế tài, đơn cử những chỗ đỗ xe sẽ ưu tiên 70% cho xe đạp và chỉ có 30% cho xe máy.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng sẽ tham mưu các chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe đạp công cộng nói riêng đưa vào các Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Thủ đô. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy, do đó cần hướng tới chuyển đổi đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp. Theo quy hoạch, Hà Nội còn phát triển 10 tuyến đường sắt và dọc tuyến hành lang đó, có thể bố trí nhiều điểm đỗ cho xe đạp công cộng, từ đó, ông Hải khuyến nghị Công ty Trí Nam cần bám sát sự phát triển của hạ tầng đô thị, những tuyến đường mới.

Ông Phan Trường Thành cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội định hướng có TP phía Bắc và Tây Sông Hồng. Đây là những trung tâm tiềm năng để phát triển dịch vụ vận tải công cộng, trong đó có xe đạp. Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất mở thêm 4-6 tuyến đường sắt đô thị cho các TP này, đặc biệt là đô thị phía Bắc Sông Hồng - hiện nay mạng lưới còn yếu. Vì thế, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt công cộng, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, xe buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đầu mối tập trung đường lớn đồng thời đưa ra chiến lược cụ thể để phát triển mạng lưới xe buýt đồng hành cùng đường sắt đô thị.

Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty vận tải số Trí Nam cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Do đó, Công ty Trí Nam đề xuất khi chưa có hạ tầng dành riêng có thể mở cho xe đạp sử dụng chung với đường dành cho người đi bộ, bởi thực tiễn trên thế giới có những nước cho phép xe đạp đi chung với người đi bộ.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//lan-rieng-cho-xe-dap-o-ha-noi-gap-kho-khi-trien-khai-362420.html