Lan man chuyện tiền nong

Hồi còn học ở Trường Trung cấp Việt Bắc, tôi có 2 người bạn. Một anh người Tày là cán bộ đi học có lương hàng tháng, còn anh kia người Giáy, là học sinh từ phổ thông vào, hưởng học bổng mỗi tháng là 17 đồng 5 hào. Tiền ăn một tháng ở bếp tập thể mất 14 đồng 5 hào. Học sinh chỉ còn 2 đồng rưỡi để tiêu vặt.

Thế nhưng anh cán bộ người Tày thì luôn thiếu tiền tiêu. Cậu người Giáy tuy mỗi tháng chỉ còn 2 đồng rưỡi học bổng mà luôn là chủ nợ của anh bạn người Tày. Cứ tháng tháng, lĩnh lương xong lại đem trả nợ. Nhưng cũng có lúc cháy túi. Cậu người Giáy bảo tôi: Anh ấy nhìn 1 đồng cứ tưởng 1 hào, còn em nhìn 1 hào cứ tưởng 1 đồng. Đó là cách diễn giải rất đặc biệt của anh bạn người Giáy về cách nhìn giá trị tiền. Lại nhớ hồi mới mở cửa, nghe dự án 1 triệu đô là đã thấy kinh hoàng. Nhưng rồi sự đời xoay vần thế nào mà chỉ một lễ hội năm ngoái bày cho dân chơi trong hai ba ngày mà tốn hết 17 tỉ, tương đương gần triệu đô la. Người nhà quê thì không mường tượng nổi 17 tỉ đó lớn như thế nào. Người thành phố quen tiêu tiền hàng ngày cũng thấy là hoành tráng. Những triệu đô nghe mãi cũng quen dần. Thậm chí các siêu dự án vài chục tỉ đô, nghe đi nghe lại cũng không thấy choáng váng như lúc ban đầu. Trong quân sự cũng vậy, tài của viên tiểu tướng thì cầm được vài ngàn quân, nhưng tài của viên đại tướng thì hàng triệu quân vẫn ung dung tự tại, càng nhiều càng ít, càng đánh càng thắng. Quả thật cũng không nên quá ngại khi phải đầu tư lớn. Chỉ ngại đầu tư không đúng chỗ thì sẽ kém hiệu quả thôi. Các cơ quan bây giờ trình dự án lễ hội từ dăm ba tỉ đến vài chục tỉ coi như chuyện nhỏ. Lễ hội đem lại niềm vui cho cộng đồng, nhưng cũng trôi đi rất nhanh. Bởi thế những người như tôi nhìn đồng tiền dành cho lễ hội vẫn có cái cách giống anh chàng người Giáy bạn tôi năm xưa... Đêm qua tôi nhận đươc cú điện thoại của một anh bạn: “Này, đã đọc Tiền Phong hôm nay chưa? Năm cái cổng chào cho ngàn năm Thăng Long chi hết 50 tỉ đó”. Tôi làm con tính nhanh trong đầu: Như vậy là trên 2 triệu rưỡi đô la, cũng hơi ngợp. Nhưng sáng nay đọc VNExpress thấy lãnh đạo thành phố giải thích:“Thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, nếu làm tạm thấy chưa ổn thì gỡ ra. Kinh phí xây dựng sẽ vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng. Các nhà tài trợ thường đưa ra con số quá cao, song thực tế thì không đến vậy”. Đúng vậy, tiền nào chẳng là tiền, dù là của các nhà tài trợ là doanh nghiệp thì cũng là mồ hôi và sức lực của con người cả, nên tiết kiệm vẫn là quan trọng. Vì thế, tôi mừng rỡ khi được biết rằng, “kinh phí xây dựng sẽ vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng”- như đồng chí lãnh đạo thành phố đã nói. ài học tiết kiệm không bao giờ cũ. Nhớ về đám cưới đứa cháu họ năm xưa. Tuy quần manh áo mảnh nhưng đám cưới đời người một lần, vợ chồng nó đòi có anbum ảnh hiệu, váy đầm, mi dán, má hồng. Lại phải có video và cả tập ảnh đám cưới nữa. Vay cả. Mấy chục triệu được chi ra và đến nay con vào mẫu giáo, nó vẫn chưa trang trải xong nửa món nợ dai dẳng. Mặt xanh như tàu lá, nó bảo tôi: “Cậu ơi, chẳng cái dại nào như cái dại nào, nhưng bệnh đua đòi đâu có bao giờ rút kinh nghiệm được hả cậu?” 24/6/2010 Bài và tranh minh họa: ĐỖ ĐỨC

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20100626071406239t0/lan-man-chuyen-tien-nong.htm