Lần đầu tiên trên thế giới, tên lửa Nga sử dụng mồi nhử

Những mồi nhử chỉ có ở trên máy bay chiến đấu, nhưng đã được Nga trang bị trên tên lửa hành trình để đánh lừa tên lửa đánh chặn của Ukraine.

Theo trang Topwar của Nga, đoạn video ghi lại cảnh tên lửa hành trình Kh-101 của Nga phóng pháo mồi hồng ngoại ở cuối hành trình, nhằm đánh lừa hệ thống phòng không Ukraine mới đây, đã được lan truyền trên mạng internet.

Đây vừa là lần đầu tiên trong Quân đội Nga, vừa là lần đầu tiên trên thế giới, tên lửa hành trình thả pháo mồi bẫy hồng ngoại ở cuối đường bay để đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương.

Tên lửa hành trình Kh-101 được Nga cải tiến sâu vào những năm 1990 từ tên lửa hành trình dòng Kh-55/Kh-555 thời Liên Xô, kế thừa các công nghệ hiện đại như động cơ phản lực cánh quạt treo, thùng nhiên liệu mở rộng.

Đồng thời, tên lửa Kh-101 còn áp dụng các công nghệ mới như thiết kế thân tàng hình, hệ thống dẫn đường quán tính mới, hệ thống định vị vệ tinh GLONASS và dẫn hướng tổng hợp tích hợp với hiệu chỉnh quang điện giai đoạn cuối.

Đặc điểm chính của tên lửa Kh-101 là tầm bắn cực xa và độ chính xác cao. Nga tuyên bố, tầm bắn của tên lửa có thể đạt từ 4.500 đến 5.500 km khi mang đầu đạn nặng 400 kg và độ chính xác tấn công của nó ở mức 5-7 m.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, tên lửa Kh-101 được sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine để tấn công các nút then chốt nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine, như các sở chỉ huy, khu tập trung binh lực và kho hậu cần.

Nga cũng tiến hành cải tiến tên lửa hành trình Kh-101 dựa trên cuộc chiến ở Ukraine để thích ứng với môi trường chiến tranh. Ngay từ cuối năm 2022, tin tức về tên lửa hành trình Kh-101 mới được trang bị hệ thống gây nhiễu đã được lan truyền trên internet, mà thế giới bên ngoài gọi là Dự án "504AP".

Trước đó vào năm 2018, ông Vladimir Mikheyev, cố vấn cho Phó tổng giám đốc thứ nhất của Công ty Cổ phần Công nghệ điện tử vô tuyến Nga (KRET), tiết lộ rằng, họ đã hoàn thành quá trình phát triển và bắt đầu sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử dành cho tên lửa hành trình và gọi nó là "tổ hợp phòng không tối ưu".

Sau đó vào tháng 1/2023, không lâu sau khi Dự án "504AP" bị lộ, dựa trên tàn tích của những quả tên lửa Kh-101 chưa nổ bị Ukraine thu giữ trên chiến trường đã xác nhận thông tin này. Theo những bức ảnh do Ukraine công bố, một bệ phóng đạn mồi bẫy được lắp dưới đầu đạn của tên lửa Kh-101.

Tờ "Defense Express" của Ukraine cũng đăng ảnh chụp X-quang của thiết bị gây nhiễu và đính kèm bài báo nói rằng, nó chứa một quả pháo mồi nhử nhiệt. Cuối tháng 2/2023, Quân đội Ukraine tổ chức một cuộc họp báo thông tin về mồi bẫy của tên lửa Kh-101 nhằm gây nhiễu radar bằng các sợi kim loại.

Nhưng hiện chưa rõ mồi nhử của tên lửa Kh-101 là bằng bẫy mồi nhiệt pháo sáng hay bằng sợi kim loại, hay là cả hai? Đồng thời, cũng có một vấn đề then chốt, đó là tên lửa Kh-101 làm thế nào để kiểm soát thời điểm tung ra các biện pháp can thiệp, cụ thể hơn là liệu nó có được trang bị các thiết bị cảm biến và cảnh báo tương ứng hay không?

Ví dụ, máy bay chiến đấu thường được trang bị cảnh báo radar và cảnh báo khoảng cách, đôi khi được bổ sung bằng quan sát trực quan của phi công để chọn thời điểm thích hợp sử dụng các biện pháp gây nhiễu như mồi nhử nhiệt, mảnh kim loại và mồi nhử kéo theo máy bay…

Tuy nhiên, chưa có tiền lệ nào tích hợp hệ thống cảm biến và cảnh báo toàn diện tương tự như trên máy bay chiến đấu vào tên lửa hành trình, nên các chuyên gia quân sự cho rằng, Kh-101 đã được lập trình sẵn và nhiều khả năng sẽ tự động phóng mồi bẫy trong khu vực nguy hiểm, nơi nó có thể bị phòng không đối phương đánh chặn.

Kênh "Vũ khí Nga" tuyên bố, tên lửa hành trình Kh-101 tích hợp hệ thống cảnh báo đỏ/tia cực tím và radar để kiểm soát thời gian giải phóng mồi nhử nhiệt và sợi kim loại; tuy nhiên thông tin này cần được xác minh thêm.

Nhưng đối với Quân đội Nga, việc trang bị biện pháp can thiệp cho tên lửa hành trình có ý nghĩa thực tiễn mạnh mẽ và đã mở ra chiến thuật sử dụng tên lửa hành trình mới cho Quân đội Nga. Tên lửa Kh-101 được trang bị biện pháp gây nhiễu và các tên lửa hành trình khác có thể tạo thành làn sóng tấn công;

Trong cuộc tấn công tổng lực đó, tên lửa Kh-101 được trang bị biện pháp gây nhiễu có khả năng xuyên phá mạnh mẽ, sẽ dẫn đầu để thu hút và phân tán hỏa lực phòng không của Ukraine; tạo điều kiện xâm nhập cho các loại tên lửa khác, để cải thiện tỷ lệ bắn trúng tổng thể.

Ngoài ra, cả Nga và Ukraine đều trang bị đầu đạn mồi nhử phóng từ trên không, Quân đội Nga sử dụng đầu đạn mồi nhử Kh-55/Kh-555 cải tiến để mô phỏng tên lửa hành trình Kh-101. Trong khi Quân đội Ukraine sử dụng đầu đạn mồi nhử ADM-160 MALD được Mỹ cung cấp.

Trên cơ sở đó, các chiến thuật mà Quân đội Nga có thể rút ra sẽ đa dạng hơn, chẳng hạn như: sử dụng tên lửa giả để đánh lừa hỏa lực phòng không của Ukraine khai hỏa; phát hiện cách bố trí, di chuyển của hỏa lực phòng không Ukraine. Sau khi phát hiện cách bố trí và di chuyển hỏa lực phòng không Ukraine, tên lửa thật có thể được sử dụng.

Làn sóng tấn công hỗn hợp của tên lửa hành trình Kh-101 với các biện pháp can thiệp được sử dụng để xuyên thủng các điểm yếu của hỏa lực phòng không Ukraine; cũng có thể liên tục tiêu hao kho tên lửa phòng không của Quân đội Ukraina ở dạng bình thường và cường độ thấp.

Năm 2024, cả Nga và Ukraine sẽ bước vào một giai đoạn mới về hình thức kỹ thuật và chiến thuật trong sử dụng tên lửa hành trình. Với bên chủ động tiến công, Nga sẽ áp dụng nhiều biện pháp đối phó với hệ thống phòng không của Ukraine.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/lan-dau-tien-tren-the-gioi-ten-lua-nga-su-dung-moi-nhu-1943650.html