Lần đầu tiên, phẫu thuật điều trị thành công bệnh động kinh bằng kỹ thuật hiện đại của Mỹ

Kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh góp phần giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, qua đó nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh cho bệnh nhi N.N.M. (6 tuổi).

TS Lê Nam Thắng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là trường hợp đầu tiên mắc động kinh phức tạp được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ.

Để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi này, các bác sĩ đã phải đặt điện cực trước 36-48 tiếng để theo dõi. Tiếp đó, trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, TS Lê Nam Thắng cùng các cộng sự, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra các cơn động kinh cho bệnh nhi N.N.M.

Bệnh nhi N.N.M đang dần hồi phục sau ca phẫu thuật điều trị bệnh động kinh

"Trước phẫu thuật, cháu bé có 50-100 cơn co giật/ngày và luôn phải dùng thuốc ngủ. Sau mổ, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt. Ca phẫu thuật đầu tiên chúng tôi triển khai đến nay là thành công hoàn toàn”, bác sĩ Lê Nam Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. Cá nhân TS Lê Nam Thắng cùng một số bác sĩ hồi sức đã sang Mỹ học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật này. Cuối tháng 9 này, sẽ có thêm 3 bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục đi học tập 3 tháng tại Bệnh viện Alabama, Trường Đại học Alabama, Mỹ.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chuẩn bị thực hiện tiếp ca phẫu thuật điều trị bệnh động kinh bằng kỹ thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não

Bước tiến bộ trong thực hiện kỹ thuật phẫu thuật này là giải quyết được các ca khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, qua đó nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, tốn kém. Tại Mỹ, riêng chi phí phẫu thuật là 150.000USD chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc.

"Trong tương lai, chúng tôi mong muốn có những chính sách dành cho các ca phẫu thuật như thế này để giúp các bệnh nhi không may mắc bệnh động kinh có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường", TS Lê Nam Thắng bày tỏ.

GS Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama, Mỹ cho biết, phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh được chỉ định cho bệnh nhân có những dấu hiệu, như: mắc động kinh kháng thuốc, vùng sinh động kinh không rõ ràng, vùng gây động kinh gần vùng chức năng ngôn ngữ, vận động.

Đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ. Kỹ thuật này được thực hiện ở Mỹ và châu Âu trong khoảng 5 năm qua và lần đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật này.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-dau-tien-phau-thuat-dieu-tri-thanh-cong-benh-dong-kinh-bang-ky-thuat-hien-dai-cua-my-post704942.html