Lần đầu tiên công bố hình ảnh điện Kính Thiên

Ngày 29/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội lần đầu công bố kết quả nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên trong khu di tích hoàng thành Thăng Long.

Đủ cơ sở để xác định chắc chắn kiến trúc điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: Lễ đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình... Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467. Triều Mạc (1527-1593) và triều Lê Trung hưng (1593-1789), điện Kính Thiên được tiếp tục sử dụng làm nơi thiết triều.

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành Bảo vật quốc gia.

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho hay Kính Thiên là tòa chính điện quan trọng nhất trong cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ (thế kỷ 15-16). Kiến trúc này có quy mô lớn, gồm 7 gian, hai chái, chiều sâu lòng điện 6 gian, diện tích gần 1.200 m2, chiều ngang 10 cột, chiều dọc 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.

Hình thái kiến trúc điện Kính Thiên lần đầu công bố. Ảnh: BTC

Các nhà khoa học khẳng định kiến trúc cung điện được thiết kế rất công phu, trang trí cầu kỳ, tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy, thịnh vượng của vương triều. Những đặc điểm này tương đồng các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á.

Nghiên cứu phục dựng còn cho thấy điện Kính Thiên được xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có 11 thềm bậc đá chạm rồng, phân làm ba lối đi, chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng.

Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ, được sơn son sặc sỡ. Mái lợp ngói rồng, men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời. Hoa văn được tô vẽ bằng vàng thật, cho thấy sự giàu có thời bấy giờ.

Sau hơn 20 năm nghiên cứu với hàng chục cuộc khai quật khảo cổ và hội thảo, giới nghiên cứu thành công trong việc giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Theo ông Bùi Minh Trí, hơn 20 năm trước, cuộc khai quật tại khu di tích hoàng thành Thăng Long đem lại nhiều phát hiện quan trọng về lịch sử tồn tại của kinh đô Thăng Long. Dù các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích nền móng cung điện, lầu gác quy mô lớn, song diện mạo, hình thái cụ thể của các công trình kiến trúc này vẫn là bí ẩn do nguồn tư liệu không nhiều.

Việc phục dựng thành công hình thái cung điện thời Lý (hơn 1.000 năm) và công bố năm 2021 đã giúp Viện Nghiên cứu Kinh Thành có thêm tư liệu tham khảo. Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu cấu kiện gỗ, đặc biệt là các bộ đấu củng, đấu xuyên tâm, các loại bình áng trong hệ đấu củng, được phát hiện ở khu vực xung quanh điện Kính Thiên và di tích hoàng thành Thăng Long (số 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình).

Ngoài ra, dựa vào hình thái kiến trúc cung điện vẽ trên đồ gốm và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở để xác định chắc chắn kiến trúc điện Kính Thiên thuộc dạng đấu củng.

Mái ngói điện Kính Thiên

Tiếp tục nghiên cứu

Theo ông Bùi Minh Trí, đây là phát hiện quan trọng, chìa khóa giải mã bí ẩn hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Đồng thời điện Kính Thiên cũng mang nhiều nét khác biệt khi so sánh với một số điện nổi tiếng như Thái Hòa thuộc Tử Cấm Thành ở Trung Quốc hay Changdeokgung ở Hàn Quốc.

Theo đó, mái của điện Thái Hòa và Changdeokgung đều lợp ngói trơn, trong khi điện Kính Thiên ngoài ngói trơn còn có thêm ngói hình con rồng - duy nhất ở châu Á và Đông Nam Á. "Vẻ đẹp của điện Kính Thiên là tương đồng và ở đẳng cấp ngang hàng với các cung điện nổi tiếng nhất của Trung Quốc và Hàn Quốc", ông Bùi Minh Trí nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Minh Trí, hình thái điện Kính Thiên mới chỉ là hình dáng bên ngoài và có phần giả định về mặt bằng kiến trúc. Các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu và kiểm chứng thêm.

Đôi rồng đá- dấu tích còn lại của điện Kính Thiên, được công nhận là Bảo vật quốc gia

Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, kiến trúc đấu củng là khái niệm không phổ biến, thậm chí xa lạ với nhiều nhà nghiên cứu. Kiến trúc cung điện Việt Nam thời Đinh, Lý, Trần, Lê thế kỷ 10-18 đều không còn tồn tại. Chỉ có một số ít công trình còn tới ngày nay có kiến trúc đấu củng như chùa Keo (Thái Bình) và đền Tây Đằng, chùa Bối Khê ở Hà Nội.

Đấu củng là kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí giữa mái hiên và mái nhà, có tác dụng mở rộng diện tích, tăng khả năng chịu lực của mái hiên, đồng thời trang trí cho ngôi nhà. Bằng cách lắp ghép các hệ khung hình chữ nhật, đấu củng có thể truyền trọng lượng vào các củng, giúp kiến trúc đứng vững trước các trận động đất.

Thời Lê Sơ kéo dài trong vòng 100 năm (1428-1527), trải qua 10 đời vua. Đây là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam.

Việc các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên là kết quả nghiên cứu quan trọn, thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp công chúng hình dung và cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ, kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí tuệ sáng tạo của cha ông./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lan-dau-tien-cong-bo-hinh-anh-dien-kinh-thien-20231130163037726.htm