Lăn cùng trái bóng Việt: Bụt chùa nhà...

Một nền bóng đá còn chưa phát triển thì chuyện đã và đang phải dựa vào nguồn lực ngoại là điều có thể hiểu. Nhưng việc 'dựa dẫm' rồi nảy sinh tâm lý sính ngoại như lúc này thì lại là chuyện đáng lo cho làng cầu Việt.

Ông Park Hang Seo (trái) và Chung Hae Seong từng làm việc dưới thời Guus Hiddink.

1. Thất bại với 9 ông thầy ngoại chỉ vì cái giấc mơ Vàng mang tên SEA Games trôi tới nửa thế kỷ chưa thể thành hiện thực, bóng đá Việt Nam trở lại với nguồn nội lực cùng HLV Nguyễn Hữu Thắng với rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, thất bại cay đắng tại SEA Games 29 đã xóa đi tất cả, khiến cuộc tranh cãi về nguồn lực lại lần nữa dấy lên.

Nhưng khi những cuộc tranh cãi được gắn những cái mác to tát như: "Chấn hưng", "Diên Hồng", "Đổi mới"... còn chưa ngã ngũ, VFF lại gây bất ngờ khi mang về ông thầy ngoại thứ 10 - HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo nhằm dẫn dắt các đội tuyển nam quốc gia trong vòng 2 năm tới.

Với 1 bản CV hoành tráng - từng là trợ lý số 1 của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, giải đấu mà đội tuyển Hàn Quốc giành hạng Tư; rồi dẫn dắt U23 Hàn Quốc đoạt Huy chương Đồng Asian Games 2002, vậy nhưng trong ngày ra mắt, ông Park Hang Seo khiến từ dân chuyên môn đến giới báo chí trong nước phải "ngã ngửa" với tuyên bố - đưa bóng đá Việt Nam vào Top 100 trên bảng xếp hạng của FIFA.

Ngã ngửa là bởi cách đây khoảng 2 thập kỷ, bóng đá Việt Nam cũng đã từng có mặt trong Top 100 thế giới, nhưng chừng ấy thời gian, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cái "ao làng" khu vực. Rồi bảng xếp hạng FIFA vốn chỉ căn cứ vào thành tích thi đấu chứ chẳng thực chất, bằng chứng là gần đây với trận thắng trước Campuchia, Tuyển Việt Nam tăng đến 9 bậc để xếp hạng 121 thế giới, thậm chí xếp trên cả Thái Lan 17 bậc. Vậy nên, nếu chỉ cần đạt mục tiêu Top 100 thì có ý kiến cho rằng, bóng đá Việt Nam chẳng cần phải trả mức lương tháng kỷ lục cho ông Park tới 22.000 USD!

2. Và đâu chỉ ở đội tuyển quốc gia, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cũng vừa gây ngạc nhiên lớn khi mời một ông thầy Hàn khác về đảm trách cương vị Giám đốc kỹ thuật cho đội bóng của mình.

Ngạc nhiên không chỉ bởi HLV Chung Hae Seong là bạn thân của HLV đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo khi cùng là trợ lý trong Ban Huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2002, mà nếu so 2 bản CV, ông Chung còn... giỏi hơn cả ông Park!

Cũng sẽ gắn bó với mảng đất hình chữ S với bản hợp đồng 2 năm, mục tiêu mà Giám đốc kỹ thuật Chung Hae Seong đặt ra là dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai đến chức vô địch V-League 2019. Mục tiêu được xem là khả thi bởi, Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng vốn có thực lực nhờ sở hữu cả dàn cầu thủ trẻ chất lượng bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp.

Tuy nhiên, giữa mục tiêu và hiện thực là khoảng cách lớn trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại. 13 năm trước, với túi tiền như không đáy của bầu Đức, phố Núi quy tụ những ngôi sao hàng đầu Thái Lan để 2 lần liên tiếp bước lên ngôi vô địch và cùng với Đồng Tâm Long An trở thành hình mẫu cho thứ bóng đá doanh nghiệp.

13 năm sau, Đồng Tâm chỉ còn là cái bóng lay lắt chờ ngày xuống hạng thì Hoàng Anh Gia Lai cũng chẳng khá hơn được là bao dù bầu Đức vẫn đổ tiền, đổ sức để thay đổi, thậm chí làm thứ bóng đá bài bản hơn bằng việc đầu tư cho bóng đá trẻ. Đó là chưa kể V-League lúc này đang là cuộc chơi của một ông bầu khác nắm trong tay rất, rất nhiều đội bóng khác, hoàn toàn có thể chi phối cuộc đua đến ngôi vương.

Rồi đâu có xa, cách đây chỉ vài mùa bóng, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã từng dùng HLV Hàn Quốc danh tiếng nhằm tìm lại ánh hào quang, nhưng rồi vẫn thất bại.

3. Cuối cùng là câu chuyện cũ mà mới cũng liên quan đến nguồn lực. Vài mùa giải gần đây, để đảm bảo tính cạnh tranh sòng phẳng ở những vòng đấu cuối, BTC V-League vẫn mời những trọng tài ngoại về điều hành các trận cầu nóng.

Và trên sân Thanh Hóa, trận chung kết sớm giữa đội chủ nhà và đương kim vô địch Hà Nội được dẫn dắt bởi trọng tài đẳng cấp FIFA người Nhật Bản, ông Lumpei Iida. Diễn ra đầy kịch tính với tỷ số chung cuộc 3-3, tất cả đều thừa nhận vị trọng tài ngoại điều hành quá tốt, dù những sai sót, tranh cãi không hẳn là không có!

Quan trọng hơn, ông trọng tài người Nhật đã thể hiện được cái uy của vị phán quan sân cỏ, chứ năng lực chưa hẳn đã vượt trội so với trọng tài trong nước. Nói một cách khác, khi nguồn lực ngoại được trọng hơn, thì nội lực đương nhiên bị... coi thường! Bụt chùa nhà không thiêng - lo cho bóng đá Việt là ở chỗ đó.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lan-cung-trai-bong-viet-but-chua-nha.aspx