Làm trong sạch xã hội theo cách Duterte và những hệ lụy

Ngay khi lên nắm quyền vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lập tức tuyên chiến với vấn nạn ma túy.

Chỉ gần 2 tháng sau đó đã có hơn 1.900 người bị giết, trong đó 756 người do cảnh sát giết và 1.160 người do một bộ phận khác, gọi là “lực lượng tự vệ”, mặc cho những phản đối của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cùng chính phủ của một số quốc gia trên thế giới.

Nhưng không chỉ lúc đã trở thành Tổng thống mà từ hồi còn là Thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte cũng đã thẳng tay trừng trị những băng nhóm tội phạm, những kẻ chống đối, những kẻ thù của ông và gia đình ông, làm trong sạch xã hội theo cách của ông...

Ông Duterte (bìa phải) bị cáo buộc đứng đằng sau hoạt động của cái gọi là “biệt đội tử thần”. Ảnh: Rogue.ph.

Theo nhận định của các nhà quan sát, trong cuộc chiến chống ma túy, có vẻ như các cơ quan thực thi pháp luật ở Philippines đã gạt qua một bên tất cả những luật lệ cùng các yêu cầu căn bản về tố tụng, chẳng hạn như thu thập chứng cứ, khởi tố, bắt tạm giam, lấy lời khai và mở phiên tòa. Thậm chí Tư lệnh Cảnh sát Philippines là ông Ronald de la Rosa còn trút trách nhiệm cho các nạn nhân về cái chết của họ: “Nếu họ không chống đối cảnh sát thì họ vẫn còn sống”.

Giáo sư Duncane, giảng viên môn xã hội học, Đại học Yale, Mỹ, đặt câu hỏi: “Nếu hiểu cụm từ “chống đối cảnh sát” mà Tư lệnh Ronald de la Rosa đã nói là sử dụng vũ lực thì đôi bên đều phải có người chết và bị thương bởi lẽ đã có hơn 1.900 người bị giết vì “chống đối” kia mà. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có một báo cáo nào về sự thương vong từ phía cảnh sát. Như vậy, phải chăng hầu hết những người bị bắt đều bị xử tử mà không cần phải ra tòa?”

Thật ra, không phải đến bây giờ thế giới mới ngạc nhiên về những vụ giết người đang xảy ra ở Philippines mà ngay từ hồi còn là Thị trưởng thành phố Davao, nằm ở phía nam đảo Mindanao, ông Duterte đã trao cho các “lực lượng tự vệ” nhiều quyền hành - kể cả quyền giết người đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách này ở tầm mức quốc gia nếu ông đắc cử tổng thống. Nhiều nhà phân tích nhận định lời tuyên bố ấy có thể đã góp phần giúp ông trở thành người lãnh đạo đất nước Philippines.

Tuy nhiên, có vẻ như ông Duterte đang gặp phải một rắc rối. Ngày 15/9 vừa rồi, một thành viên trong “biệt đội sát thủ Davao” là Edgar Matobato, 57 tuổi, đã ra điều trần trước Thượng viện Philippines.

Theo lời trình bày của Matobato, trong suốt 25 năm, ông ta cùng một nhóm cảnh sát đã sát hại khoảng 1.000 người theo lệnh của ông Duterte, trong đó có một nhân viên thuộc Bộ Tư pháp. Những người này bị thắt cổ, thiêu cháy, xác bị phân làm nhiều mảnh rồi ném vào chuồng cá sấu hoặc ném xuống biển. Một số tử thi được đem chôn tại một mỏ đá của một sĩ quan cảnh sát và đồng thời cũng là thành viên của “biệt đội sát thủ”.

Một trong những vụ giết người được Matobato khai báo tường tận là năm 1993, khi đang cùng các thành viên “biệt đội sát thủ” đi trên một chiếc xe hơi tại một con đường ở Davao thì bất ngờ họ bị một sĩ quan tên là Jamisola thuộc Cục Điều tra quốc gia của Bộ Tư pháp chặn lại.

Không những không tuân lệnh, Matobato còn cùng các thành viên “biệt đội sát thủ” nổ súng nhắm vào Jamisola. Kết quả Jamisola bị thương. Khi ông Duterte - thị trưởng thành phố Davao thời điểm ấy - đến hiện trường thì viên sĩ quan Jamisola vẫn còn sống. Matobato nói: “Thị trưởng Duterte đã bắn cả băng đạn tiểu liên Uzi vào người anh ta”.

Trong “biệt đội sát thủ”, ông Duterte được các thành viên gọi bằng cái tên “Charlie Mike” - là tiếng lóng của cụm từ City Mayor - nghĩa là thị trưởng thành phố. Matobato nói: “Công việc của chúng tôi là tiêu diệt bọn buôn bán ma túy, hiếp dâm, cướp giật. Chúng tôi giết người gần như hằng ngày nhưng chúng tôi không bao giờ giết ai nếu không có lệnh của “Charlie Mike”.

Vẫn theo Matobato, các sát thủ nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ ông Duterte hoặc từ các sĩ quan cảnh sát được biệt phái đến làm việc tại văn phòng thị trưởng. Sau đó, tùy theo đối tượng thuộc thành phần nào mà “biệt đội sát thủ” bí mật bắt cóc hoặc công khai sử dụng danh nghĩa cảnh sát “mời” đối tượng “đi phục vụ công tác điều tra” rồi đưa đến mỏ đá, ở đó đối tượng bị hành quyết.

Một vài nạn nhân trong số đó bàn tay được sửa lại theo như cách trước khi chết, họ đang cầm một khẩu súng. Trong số những người bị giết có một người đàn ông nước ngoài mà ông Duterte nghi ngờ là “khủng bố quốc tế”, một người khác là bạn trai của em gái ông Duterte.

Phóng viên Jun Pala thuộc Đài truyền hình Davao, người liên tục chỉ trích ông Duterte cũng nằm trong số các nạn nhân. Matobato nói: “Những sĩ quan trong biệt đội cho rằng giết người theo kiểu bình thường sẽ không đủ sức để răn đe mà phải giết một cách dã man. Ngay chính bản thân tôi cũng đã sát hại 50 người theo những cách ấy - trong đó có 4 vệ sĩ của một nhân vật ở Davao - là đối thủ làm ăn của con trai ông Duterte”.

Lời khai của Matobao trước Thượng viện Philippines đã góp phần làm rõ những tình tiết đối với những cáo buộc, rằng ông Duterte là người trực tiếp điều hành “biệt đội sát thủ”, tác giả của các vụ giết người với hơn 1.000 nạn nhân ở Davao từ năm 1988 đến 2013, trong đó có những người mới chỉ bị nghi là tội phạm cùng những người mà gia đình ông Duterte xem như kẻ thù.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Philippines là nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Matobato đã ra đầu thú với Cục Điều tra quốc gia của Bộ Tư pháp hồi năm 2013.

Ông Edgar Matobato tại phiên điều trần Thượng viện Philippines. Ảnh: Rappler.

Bà Lima cho biết Ủy ban Nhân quyền sau đó đã đào được những bộ xương người tại mỏ đá ở Davao nhưng không xác định được là ai. Bà nói kết quả của buổi điều trần tại Ủy ban Nhân quyền Thượng viện sẽ được chuyển đến Tổng Thanh tra Philippines mặc dù theo Hiến pháp Philippines, các tổng thống đương nhiệm được miễn truy tố hình sự và chỉ có thể bị phế truất thông qua việc luận tội.

Phản bác lại buổi điều trần, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte là ông Martin Andanar cho biết ông nghi ngờ lời khai của Matobato vì không thể nào một thị trưởng lúc đó lại có thể ra lệnh giết chết cả ngàn người mà không gặp phải sự phản ứng của thân nhân những kẻ xấu số.

Ông Andanar nói: “Tôi không nghĩ ông Duterte lại có thể đưa ra những chỉ thị như thế. Một thời gian dài trước đây, Ủy ban Nhân quyền Philippines đã điều tra vụ việc này nhưng không có lời buộc tội nào được công bố”, còn con trai của Tổng thống Duterte là Paolo Duterte thì gọi lời khai của Matobato là “sự tưởng tượng của một người điên”.

Khi được hỏi vì sao lại ra đầu thú, Matobato trả lời rằng: “Tôi cảm thấy lương tâm bị cắn rứt nên tôi quyết định rời khỏi “biệt đội”. Việc ông Duterte trở thành Tổng thống Philippines đã khiến Matobato hết sức kinh hãi nên ông phải tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng của Bộ Tư pháp".

Và mặc dù Tổng thống Duterte vẫn đang thành công trong chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy nhưng vẫn có những định chế để buộc ông phải chịu trách nhiệm về những cái chết không rõ nguyên nhân.

Một trong những định chế này là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), nơi Philippines là thành viên từ năm 2011. Theo Quy chế Rome 2002, là văn kiện xác định quyền hạn của ICC thì ICC có quyền truy tố mọi tội phạm trong lãnh thổ Philippines mà các cơ quan thực thi luật pháp của Philippines không thể - hoặc không muốn đụng chạm.

Quy chế Rome định nghĩa việc giết người “được tiến hành như một phần của một chiến dịch mang tính quy mô trên diện rộng hoặc mang tính hệ thống, nhằm vào bất kỳ cộng đồng dân thường nào là tội ác chống loài người”.

Vì vậy, những vụ giết chóc không tuân thủ những quy định của luật pháp Philippines cũng như Công pháp quốc tế, được ông Duterte thực hiện dưới hình thức “chống ma túy” xem ra hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của Quy chế Roma. Bên cạnh đó, Quy chế Rome cũng khẳng định rằng “các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ sẽ không được miễn trừ trách nhiệm hình sự theo quy chế này...”.

Theo An ninh thế giới

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/lam-trong-sach-xa-hoi-theo-cach-duterte-va-nhung-he-luy-91630/