Lạm thu là do các trường cố tình làm sai, thu sai

Thực tế, việc thu các khoản trong giáo dục (GD), Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể; HĐND TPHCM cũng đã có 'Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND, kèm theo Phụ lục quy định tất cả các trường công lập ở TPHCM chỉ được thu đúng 26 khoản, trong đó không có khoản thu để sửa chữa trường lớp. Vậy mà các trường vẫn cố tình thu sai...

Cần thanh tra gấp việc lạm thu tại trường tiểu học Hồng Hà

Năm nào cũng vậy, sau khai giảng là chuyện lạm thu bùng phát. Sau vụ lạm thu ở Trường tiểu học (TH) Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TPHCM) bị báo chí phanh phui, nhiều trường cảm thấy giật mình. Kiểu lạm thu như ở trường TH Hồng Hà thường xảy ra, đặc biệt ở những trường được xem là "trường điểm", chất lượng cao.

Với Trường TH Hồng Hà, cái sai lớn nhất ở lớp 1.2 là thu quỹ phụ huynh (PH) cho cả 5 năm tới, lại chi cho việc sữa chữa lớp học, không minh bạch và kiểu "tiền trảm hậu tấu". Đó là lý do BGH Trường TH Hồng Hà tổ chức họp PH lớp 1.2 ngay trong đêm 28/9 và quyết định trả lại cho PH số tiền 227 triệu đồng (mỗi PH 9,5 triệu đồng). Giáo viên chủ nhiệm xin lỗi, Ban đại diện (BĐD) PH cũng từ nhiệm.

Căn bệnh mạn tính "lạm thu" ngay lập tức được báo chí phản ánh tiếp. Đó là vụ lạm thu của BĐD PH Trường THCS Tứ Hiệp (H.Thanh Trì, Hà Nội) vận động thu quỹ PH sai quy định, phải trả lại toàn bộ hơn 162 triệu đồng đã thu cho PH. Sáng 30/9, Phòng GD-ĐT H.Thanh Trì đã xác nhận thông tin này và cho biết đó là kết quả của đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra huyện kiểm tra xác minh. UBND H.Thanh Trì cũng yêu cầu chấn chỉnh toàn bộ các trường trên địa bàn nghiêm túc chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện, phối hợp với cha mẹ học sinh (HS) thực hiện đúng các nội dung quy định tại Thông tư 55. Đồng thời giao Thanh tra chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra và sẽ có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị nếu để xảy ra vi phạm.

Đó chỉ là vài vụ lạm thu điển hình gây xôn xao dư luận. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc như H.Thanh Trì, chắc chắn còn nhiều trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn đều có thể xảy ra lạm thu. Thực tế nhiều trường công ở TPHCM đã biết cách đối phó với việc tố cáo lạm thu, nên nhiều trường thu từ đầu năm học, lúc PH mới nộp hồ sơ nhập học cho con em mình. PH muốn dễ dàng trong việc nộp hồ sơ phải "cắn răng" đóng tiền. Có trường để vài tháng sau nhập học mới họp PH và lạm thu nếu có xảy ra cũng dễ đối phó.

Trường Tiểu học Hồng Hà trả lại tiền lạm thu của phụ huynh ngay trong đêm 28/9. Ảnh: CTV

Trở lại vụ lạm thu ở Trường TH Hồng Hà. Một khi có một lớp bị phanh phui lạm thu khủng, thì chắc chắn những lớp khác cũng tương tự và các năm học trước cũng đã từng xảy ra. Ngay sau khi Ban Chuyên đề CA TPHCM đăng thông tin lạm thu ở Trường TH Hồng Hà, một PH có con học lớp 4 của năm học trước tại trường này cũng bày tỏ bức xúc một số khoản thu chi ở thời điểm đó. PH này cho biết, ở thời điểm đó nhà trường cải tạo hệ thống điện toàn trường với dự toán 500 triệu đồng, trường có 50 lớp, chia đều mỗi lớp 10 triệu đồng; làm bồn hoa cho lớp 400 ngàn đồng/HS, tủ hồ sơ sắt 3,5 triệu đồng... Đó là những khoản thu vô lý nhưng giáo viên chủ nhiệm liên tục hối thúc, nhắc nhở, buộc PH phải đóng.

Hiện nay, việc nên và phải kiểm tra tình trạng lạm thu toàn diện ở Trường TH Hồng Hà là cần làm gấp.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Tại buổi họp báo định kì về tình hình kinh tế - xã hội chiều 28/9, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, việc lạm thu xảy ra ở Trường TH Hồng Hà là sai quy định. "Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh đã có văn bản phê bình hiệu trưởng nhà trường về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi quỹ hoạt động BĐD cha mẹ HS theo đúng quy định" - bà Châu nói. Rõ ràng để xảy ra lạm thu là trách nhiệm của hiệu trưởng.

Theo bà Châu, từ đầu tháng 8/2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi đến các trường, phòng GD quận - huyện về hướng dẫn thu chi đầu năm học mới. Theo đó, các khoản huy động, tài trợ, ủng hộ tự nguyện, kinh phí hoạt động của các BĐD cha mẹ HS đều phải được thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT, cũng như văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM.

Chiều 29/9, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học; vận động tài trợ cho GD và kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ HS. Theo đó nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa BĐD cha mẹ HS để thu các khoản ngoài quy định. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở GD thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân (Thông tư 16) và văn bản hướng dẫn của UBND TPHCM. Trong đó, các đơn vị lưu ý kế hoạch vận động phải được Phòng GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT (theo phân cấp quản lý) phê duyệt trước khi tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.

Phòng học lớp 1.2 Trường Tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TPHCM) trước khi sửa chữa vẫn còn tốt

Nội dung kế hoạch phải xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; kế hoạch triển khai thực hiện; dự toán kinh phí (có bảng dự toán kinh phí và bảng báo giá kèm theo kế hoạch để làm căn cứ cụ thể); nêu khó khăn hoặc nhu cầu cần thiết của đơn vị để lập kế hoạch vận động tài trợ thiết thực, hiệu quả.

Trong vận động tài trợ, các đơn vị khuyến khích nhà tài trợ thực hiện đầu tư, xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay", mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho trường; mở rộng đối tượng tài trợ, không tập trung vào việc vận động từ cha mẹ HS.

Sở GD-ĐT lưu ý, kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ HS chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban và do Ban quản lý. Điểm b, khoản 4, Điều 10, Thông tư 55 nêu rõ không sử dụng kinh phí của BĐD cha mẹ HS cho các mục đích "Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động GD, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường."

Thực ra tất cả các vấn đề mà Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản nhắc nhở, BGH các trường đều đã rõ nhưng lạm thu vẫn diễn ra.

Điều lạ lùng là hôm 29/9, trả lời báo chí về việc lạm thu xảy ra ở Trường TH Hồng Hà, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, việc PH tự nguyện đóng góp, tài trợ để sửa chữa phòng học là không sai. Ông Minh dẫn Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT cho phép cơ sở GD được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình; mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học. Ông Minh giải thích: "Thông tư 55 yêu cầu BĐD cha mẹ HS không được bắt buộc PH quyên góp để sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Nhưng nếu PH tự nguyện và đồng thuận đóng góp, tài trợ thì thực hiện theo Thông tư 16", ông Minh giải thích.

Giải thích của ông Minh gây phản ứng trong dư luận. Ông Minh thừa hiểu BĐD cha mẹ HS phải thực hiện các quy định của Thông tư 55, còn nhà trường khi thực hiện các hoạt động tài trợ phải áp dụng theo Thông tư 16; nghiêm cấm BĐD cha mẹ HS sử dụng danh nghĩa để thu sai mục đích.

Thực tế, việc thu các khoản trong GD, HĐND TPHCM đã có "Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về Quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD của cơ sở GD công lập trên địa bàn TPHCM năm học 2023-2024". Nghị quyết này còn có Phụ lục kèm theo, quy định tất cả các trường công lập ở TPHCM chỉ được thu đúng 26 khoản, trong đó không có khoản thu để sửa chữa trường lớp.

Ngăn chặn lạm thu bằng biện pháp hành chính vẫn bất cập

Việc lạm thu tại Trường TH Hồng Hà gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng uy tín của ngành GD. Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn tình trạng lạm thu trong trường vốn đã là căn bệnh mạn tính, đến hẹn lại lên vào đầu năm học, dù các cấp từ Bộ GD-ĐT đến địa phương đều có văn bản hướng dẫn rất kỹ. Điều này cho thấy việc ngăn chặn nạn lạm thu bằng biện pháp hành chính còn bất cập, thiếu hiệu quả.

Nhiều lãnh đạo trong ngành GD cho rằng ngân sách Nhà nước cấp cho GD còn thấp, trong đó 85 - 90% chi cho lương, phần còn lại chi thường xuyên là không đủ. Trong khi có rất nhiều những đầu việc, hoạt động của trường học cần phải có tiền. Do đó nếu không trông đợi vào sự hỗ trợ của cha mẹ HS và các nguồn xã hội hóa khác thì không thể tổ chức dạy và học tốt được.

Có thể đây là nguyên nhân biến lạm thu thành căn bệnh mạn tính, nhưng để lạm thu "khủng" là sai hoàn toàn. Nghịch lý GD nước ta là phổ cập đến bậc THCS nhưng HS cấp II đến nay vẫn phải đóng học phí. Đã phải đóng học phí còn lạm thu nữa thì PH phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó nhiều quốc gia khác đã miễn học phí phổ thông từ lâu, kể cả nước nghèo như Campuchia.

Thực tế nhiều năm qua, PH vẫn vui vẻ đóng góp cho quỹ của BĐD cha mẹ HS nhưng phải thu đúng quy định và trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Tất cả đều đã có có văn bản hướng dẫn từ cấp bộ đến cơ sở nhưng các trường cố ý làm sai hay cố tình không hiểu.

Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều năm qua Bộ GD-ĐT đã có các văn bản, quy định hướng dẫn về quỹ của BĐD cha mẹ HS nhưng thực tế nhiều vấn đề phát sinh khiến các trường rất dễ sai phạm. Do vậy Bộ GD-ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể sát với thực tế hơn về quỹ cha mẹ HS, những khoản đóng góp có tính xã hội hóa..., để các trường dễ thực hiện, giảm bớt những "điểm mù", dễ sai phạm.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lam-thu-la-do-cac-truong-co-tinh-lam-sai-thu-sai_153360.html