Làm thế nào để những điều cấm của Thủ tướng đi vào cuộc sống?

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.

(Ảnh minh họa)

Và mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 55 - QĐ/TW nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp míttinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác… để ăn uống, tiệc tùng, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi. Lệnh cấm này đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ từ phía người dân, song người dân chưa vội mừng bởi để thực thi những điều này là không dễ dàng, nếu không nói là quá khó.

Chúng ta ai cũng thấy rõ một điều là khi ban hành một điều luật cấm thì đi kèm với nó sẽ là những văn bản kèm theo để hướng dẫn thực thi. Và bất cứ ai cũng thấy rằng, những lệnh cấm này đã được đưa ra, nhưng cách thực thi còn rất mơ hồ, thậm chí còn nặng về kêu gọi tình cảm, lương tâm, đạo đức.

Chính PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) khi được hỏi, “Làm thế nào để cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc quy định trên”, cũng cho rằng: “… để thực hiện tốt quy định này, trong mỗi cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò của người đứng đầu, gắn việc thực hiện quy định với công tác thi đua khen thưởng của từng cá nhân trong cơ quan để bình bầu cuối năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cán bộ, Đảng viên phải tự giác, tự rèn luyện ý thức sống văn hóa. Thậm chí phải thấy xấu hổ khi lĩnh lương từ tiền thuế của dân mà ăn chơi bê tha. Do vậy, mỗi cán bộ, Đảng viên cần thay đổi cả về suy nghĩ và nếp sống”.

Trong bối cảnh xã hội phức tạp và con người đang ngày trở nên “vô cảm” thì việc kêu gọi lương tâm, đạo đức để thực thi một lệnh cấm kiểu như thế này thực sự là “không tưởng”. Đây chính là mấu chốt về khả năng thực thi của những lệnh cấm này.

Câu hỏi thứ nhất được đặt ra là, ai là người theo dõi, giám sát việc thực thi lệnh cấm này. Đó là chưa kể sau khi phát hiện có hành vi vi phạm thì sẽ trình báo cho ai, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết? Câu hỏi thứ hai là, xử lí như thế nào? Tặng quà tết hay tiệc tùng mức độ nào là bình thường theo truyền thống đạo lí nghĩa tình của dân tộc và mức độ nào thì bị cho là vi phạm. Quy định cấm nhưng không hề đưa ra một khung nào về xử lí đối với người sai phạm.

Riêng về vấn đề xử lí, cần xem xét đến cả hai đối tượng (người trao và người nhận). Nếu xét hành vi nhận quà cáp biếu xén là vi phạm thì người tổ chức tiệc tùng, quà cáp biếu xén cho đối tượng khác có bị truy cứu hay không và ở mức độ nào? Khách quan mà nói, người đút lót biếu xén, tổ chức tiệc tùng cho cấp trên thường rơi vào những đối tượng vụ lợi. Rõ ràng, anh đưa tiền cho cảnh sát giao thông vì anh sẽ được hời hơn rất nhiều so với nộp phạt. Anh biếu xén cấp trên một phong bì nhưng cái anh nhận được có thể là gấp đôi, gấp ba hay gấp 10…, chưa kể anh còn được ưu tiên xếp lên trước những người làm việc nhiều hơn, tốt hơn anh. Vậy, nếu xử lí hành vi vi phạm này thì không chỉ xử lí đối tượng được nhận mà còn rất cần xử lí nghiêm đối với hành vi của người tổ chức tiệc tùng và quà cáp, biếu xén.

Có nhiều bạn đọc đã bình luận rằng, “nếu làm được điều này thì sẽ có một bộ phận không nhỏ mất vui”. Nhà báo Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng: “Những quy định này rất hợp lòng dân, nếu thực hiện đúng, tiết kiệm mỗi năm một số tiền không nhỏ”. Hay “Quy định này được ban hành nếu thực hiện tốt sẽ chấn chỉnh được cách cư xử, lối sống của người cán bộ, lãnh đạo” là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Làm thế nào để người dân không phải đặt ra từ “nếu” trước những quy định được ban hành từ Thủ tướng và Bộ Chính trị, tạo được lòng tin cho người dân. Câu hỏi đó xin được dành cho những người có thẩm quyền trả lời. Mong rằng, những quy định này sẽ sớm đi vào đời sống chứ không rơi vào quên lãng sau khi xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo như một số quy định đã từng có trước đây.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Thủy Lâm

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/lam-the-nao-de-nhung-dieu-cam-cua-thu-tuong-di-vao-cuoc-song-624219.bld