Làm tại Google hay Meta có đãi ngộ tốt, mau thăng tiến và ít áp lực hơn?

Một giám đốc sản phẩm Meta Platforms từng làm việc tại Google với vai trò tương tự đã tiết lộ một số điều khác biệt giữa hai hãng công nghệ này dựa trên kinh nghiệm của anh trong 6 năm qua.

Daniel McKinnon là Giám đốc sản phẩm tại Meta Platforms từ năm 2018 đến 2022. Sau đó, anh làm việc tại Google trong hai năm trước khi quay lại Meta Platforms vào tháng 2.2024 để làm việc trên kính thông minh Ray-Ban của công ty mẹ Facebook. Trang Insider đã xác minh lịch sử việc làm của Daniel McKinnon.

Daniel McKinnon viết trên blog cá nhân rằng dù Meta Platforms và Google có vẻ giống nhau nhưng các ứng viên tương lai nên biết một số điểm khác biệt chính giữa hai hãng, từ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đến chế độ đãi ngộ.

Daniel McKinnon viết: “Meta và Google đều là những hãng công nghệ phi thường, nơi các giám đốc sản phẩm giỏi có thể phát triển mạnh mẽ”, đồng thời cho biết thêm rằng nếu ai đó đang tìm kiếm “sự thăng tiến bất chấp căng thẳng và áp lực thì Meta có lẽ là lựa chọn phù hợp hơn”.

Anh viết: “Nếu bạn muốn ưu tiên sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống, sự ổn định và an toàn trong công việc, Google có thể là nơi tuyệt vời dành cho bạn”.

Daniel McKinnon nói làm việc tại Google phù hợp hơn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống so với ở Meta Platforms vì chịu ít áp lực hơn - Ảnh: Internet

Theo Daniel McKinnon, đây là một số khác biệt giữa Meta Platforms và Google.

Đãi ngộ

Theo McKinnon, Meta Platforms và Google đều cung cấp cho giám đốc sản phẩm tiền lương, thưởng và đơn vị cổ phiếu hạn chế (RSU) nhưng có cơ cấu trả lương khác nhau.

McKinnon tiết lộ Meta Platforms phân bổ đều các RSU của mình trong 4 năm, còn Google cung cấp 70% RSU trong vòng 2 năm đầu tiên làm việc.

Nhìn chung, "nhân viên tiêu biểu của Google" có thể kiếm được ít tiền hơn mỗi năm vì công ty cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu mới nhỏ hơn nhiều so với Meta Platforms, McKinno viết.

Một số công ty cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu mới (về cơ bản là thêm cổ phiếu sau khoản trợ cấp cổ phiếu ban đầu) như một động lực để nhân viên gắn bó với nhà tuyển dụng.

Theo McKinnon, tại Google, nhân viên có thể được đánh giá là "Tác động đáng kể" đến công ty nhưng không nhận được thêm tiền thưởng hoặc cổ phiếu bổ sung.

Người phát ngôn của Google đã bác bỏ thông tin của McKinnon rằng nhân viên kiếm được ít thu nhập hơn mỗi năm một phần vì họ không được trao thêm tiền thưởng, hoặc không có quyền chọn mua cổ phiếu mới dù được đánh giá "Tác động đáng kể".

"Xếp hạng 'Tác động đáng kể' đi kèm với hệ số nhân hào phóng, giúp tăng cả tiền thưởng và quyền chọn mua cổ phiếu mới. Chúng tôi biết hầu hết nhân viên Google đang tạo ra tác động đáng kể và muốn thưởng cho họ vì điều đó", người phát ngôn Google nói.

Người phát ngôn Google cũng lưu ý rằng "đại đa số nhân viên Google đã nhận được mức tăng lương" vào năm 2024, gồm tăng lương cơ bản, quyền chọn mua cổ phiếu và tiền thưởng.

Song vào tháng 3, trang Insider đưa tin nhân viên Google nhận được gói đãi ngộ thấp hơn trong năm 2024. Một nhân viên nói với Insider rằng quyền chọn mua cổ phiếu mới "ít hơn đáng kể so với những gì Google thường cung cấp trước đây", trong khi một nhà quản lý cho biết vài nhân viên thấy tổng thu nhập của họ giảm dù được đánh giá là "Xuất sắc".

Cơ hội của dự án

McKinnon mô tả Meta và Google là những công ty "từ dưới lên", nơi ý tưởng chủ yếu bắt nguồn từ các nhóm nhỏ xây dựng nguyên mẫu và các đồng nghiệp khác tham gia nếu nguyên mẫu thu hút được sự chú ý.

McKinnon viết: “Cả Gmail (Google) và Marketplace (Meta) đều là những dự án phụ nổi tiếng đã phát triển thành các phần chính của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, McKinnon cho rằng hai công ty đánh giá và hỗ trợ các ý tưởng mới theo cách khác nhau, đồng thời cho biết ban lãnh đạo Meta Platforms có thể nhiệt tình với các dự án mới và theo đuổi chúng một cách “mạnh mẽ”, nhưng ý tưởng có thể nhanh chóng bị loại bỏ nếu không đáp ứng được kỳ vọng.

McKinnon nhớ lại cách anh làm việc trong một dự án âm thanh - xã hội khi Clubhouse, ứng dụng truyền thông xã hội dựa trên âm thanh, trở nên phổ biến.

“Tôi và vài trăm người bạn đã được mời xem liệu chúng tôi có thể làm cho âm thanh - xã hội hoạt động trên Facebook Blue hay không”, McKinnon viết, đề cập đến nỗ lực của Facebook vào thời điểm đó nhằm tạo ra một ứng dụng cạnh tranh với Clubhouse.

“Chỉ chưa đầy một năm sau, khi rõ ràng là chúng tôi không đáp ứng được kỳ vọng, nhóm của chúng tôi đã bị giải tán”, anh cho hay.

Theo McKinnon, ban lãnh đạo của Meta Platforms, gồm cả Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, cũng có thể can thiệp nếu nhận thấy các nhóm có tầm nhìn mâu thuẫn về một sản phẩm.

“Nếu Mark Zuckerberg hoặc các giám đốc cấp cao ở Meta nhận thấy hai tầm nhìn khác nhau cho một sản phẩm, họ sẽ yêu cầu các bên tranh luận đánh giá và đưa ra quyết định dựa trên phán đoán của mình. Việc kiểm soát từ trên xuống này có thể có hai mặt, tùy thuộc vào việc bạn đứng về phía nào trong quyết định", McKinnon viết

Tại Google, các nhóm có thể làm việc trên những dự án tương tự trong "hàng thập kỷ" mà không có sự can thiệp của lãnh đạo, McKinnon viết, chỉ ra Maps và Waze (hai ứng dụng GPS đều thuộc sở hữu của Google).

"Điều này có thể mang lại hiệu quả với các nhà quản lý muốn theo đuổi tầm nhìn của họ về một sản phẩm với các nhóm tương ứng, nhưng cũng có thể gây khó chịu cho các quản lý tham vọng muốn xây dựng các sản phẩm đòi hỏi đội ngũ lớn hơn", anh viết.

Ngoài ra, theo McKinnon, các mốc thời gian của dự án có thể “kéo dài hàng thập kỷ” tại Google.

McKinnon tiết lộ rằng khi anh trình bày ý tưởng với một Phó chủ tịch Google, vị này đã phản hồi lại rằng ý tưởng đó rất tuyệt nhưng muốn nhân viên tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh tìm kiếm của công ty.

"Sự tương tác này cho thấy cách Google suy nghĩ về sự thay đổi, có thể đúng đắn theo quan điểm của các cổ đông công ty nhưng có khả năng không hấp dẫn với các quản lý sản phẩm tiềm năng", McKinnon viết.

Người phát ngôn Google đã chỉ ra các tuyên bố từ Giám đốc điều hành Sundar Pichai về hoạt động kinh doanh trong quý 1/2024 của Alphabet (công ty mẹ Google), trong đó ông giải thích cách công ty đang cố gắng phát triển nhanh hơn bằng cách đơn giản hóa cấu trúc nhóm.

Tính minh bạch của công ty

McKinnon viết Meta Platforms vẫn duy trì một phần tính minh bạch mà công ty đã nổi tiếng trong những ngày đầu thành lập.

Tại Meta Platforms, McKinnon biết được các nhóm khác đang làm gì, một phần thông qua các diễn đàn và trang tổng quan nội bộ của công ty.

Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cũng vẫn tổ chức các buổi hỏi đáp hàng tuần với nhân viên của mình, trả lời các câu hỏi một cách "ngẫu hứng", McKinnon viết.

Anh cho hay: “Các nhà quản lý phải thẳng thắn trong các báo cáo của họ về việc thăng chức và xếp hạng nhân viên, đồng thời tiền lương được tính toán theo công thức và có thể dự đoán được".

Theo McKinnon, một nhược điểm của tính minh bạch là nhân viên "không có nơi nào để trốn tránh", nghĩa là mọi người đều biết nhân viên đang làm gì và sẽ không thể "ngồi mát ăn bát vàng".

Tại Google, nhân viên chủ yếu giao tiếp qua email hoặc trò chuyện, vì vậy khó có thể biết người khác đang làm gì, McKinnon viết.

McKinnon cảm thấy Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai không thẳng thắn khi trả lời câu hỏi của những nhân viên như Mark Zuckerberg.

Anh viết rằng mức đãi ngộ cũng khó dự đoán và khó có được phản hồi từ lãnh đạo hơn ở Google.

McKinnon viết: “Điều đó không tốt cho những người muốn học hỏi và phát triển. Kiều tổ chức này khiến bạn dễ dàng để công việc trôi vào quên lãng khi các ưu tiên khác trong cuộc sống cần được quan tâm”.

McKinnon lưu ý rằng nhìn chung, tính minh bạch đã giảm sút với cả hai công ty.

Sự cởi mở ở nơi làm việc

Tại Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram và WhatsApp), McKinnon cảm thấy rằng sự bất đồng quan điểm được hoan nghênh.

Anh viết: “Meta có cảm giác giống như một tổ chức gần như mang tính học thuật, tìm kiếm sự thật, nơi các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu và sự bất đồng quan điểm được khuyến khích. Môi trường này có thể khá bất ổn với những người đã quen với nền văn hóa dựa trên sự đồng thuận hoặc không đối đầu”.

Theo McKinnon, Google thì khác biệt khi nói đến "quyền tự do ngôn luận" và nhân viên "kín tiếng" hơn.

Anh viết: “Nói chung, việc đặt câu hỏi về các ưu tiên không được khuyến khích, điều này tạo ra môi trường làm việc thân thiện hơn nhưng có thể gây nản lòng cho các quản lý sản phẩm muốn tạo ra sự thay đổi”.

Vào tháng 4, Google đã sa thải ít nhất 28 nhân viên vì phản đối Dự án Nimbus của công ty - hợp đồng điện toán đám mây trị giá 1,2 tỉ USD với chính phủ Israel.

Con đường thăng tiến

McKinnon viết rằng con đường thăng tiến ở Meta Platforms có vẻ nhanh hơn tại Google, nơi mà sự thăng chức thường dựa trên thâm niên.

Anh đề cập rằng ban lãnh đạo Meta Platforms có nhiều phó chủ tịch trẻ và giám đốc tài chính Susan Li, người đảm nhận vai trò này khi cô 36 tuổi.

McKinnon viết: “Ở Google, sự thăng tiến dựa trên thời gian nhiều hơn".

Theo McKinnon, các nhà quản lý được cấp hạn ngạch cho việc thăng chức theo thâm niêm và dù việc thăng tiến dựa trên thành tích xuất sắc ở Google có thể xảy ra nhưng "hiếm hơn nhiều".

"Tuy nhiên, những quan sát về quá trình thăng tiến này có hai mặt. Tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống này, nhưng tin rằng việc bị sa thải vì hiệu suất kém tại Meta sẽ dễ xảy ra hơn nhiều so với Google. Đây chắc chắn là một yếu tố quan trọng với những người coi sự an toàn trong công việc là điều quan trọng nhất", anh ấy lưu ý.

Vai trò của giám đốc quản lý sản phẩm so với kỹ sư phần mềm

Theo McKinnon, các nhà quản lý sản phẩm tại Meta Platforms và Google có thể phục vụ cho mục đích khác nhau.

Tại Google, McKinnon nhận thấy rằng các dự án phần lớn được tạo ra và dẫn dắt bởi các kỹ sư phần mềm, còn quản lý sản phẩm đóng vai trò hỗ trợ nhiều hơn.

Ở Meta Platforms, vai trò của giám đốc quản lý sản phẩm được chú ý hơn vì "chịu trách nhiệm đảm bảo cả nhóm rộng hơn đang xây dựng thứ gì đó hữu ích và tính hữu ích đó có thể được định lượng và lặp lại", theo McKinnon.

McKinnon viết: “Cả hai cách tiếp cận đều có ưu điểm, nhưng tôi luôn có cảm giác rằng Google có thể xóa toàn bộ chức năng quản lý sản phẩm mà không ảnh hưởng nhiều”.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lam-tai-google-hay-meta-co-dai-ngo-tot-mau-thang-tien-va-it-ap-luc-hon-216893.html