Lâm tặc “múa gậy vườn hoang”

(LĐ) -(LĐ) - Lợi dụng việc chủ rừng phải đi vòng vèo hàng trăm cây số sang địa phận tỉnh bạn mới vào được lâm phần do mình quản lý..., lâm tặc đã ngang nhiên lộng hành khắp các khu rừng vùng giáp ranh giữa huyện Tuy Đức (Đắc Nông) và các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập (Bình Phước).

Trong khi đó, kết quả phối hợp giữa cơ quan chức năng hai tỉnh mới chỉ dừng lại ở vài đợt truy quét lẻ tẻ. Bài 1: Mỡ để miệng mèo Sau khi Cơ quan điều tra CA tỉnh Bình Phước khởi tố vụ tàng trữ hơn 1.800m3 gỗ phát hiện trên địa bàn huyện Bù Đăng, thực trạng khai thác gỗ lậu ở tỉnh Đắc Nông vốn được ém nhẹm lâu nay mới được phát lộ một phần. Tuy vậy, nó cũng cho thấy sự yếu kém, vô trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng cùng những lỗ hổng lớn trong công tác tổ chức quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh hai tỉnh. Từ vụ án 1.800m3 gỗ Sau khi Công an tỉnh Bình Phước phát hiện hơn 1.800m3 gỗ tròn cất giấu tại 34 điểm thuộc các xã: Đắc Nhau, Đường 10 (huyện Bù Đăng) hồi tháng 6.2010, cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh tại các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắc Nông. Tại Cty CPĐTXDTM Kiến Trúc Mới, đoàn kiểm tra xác định nhiều gốc cây có đường kính 0,4 - 1m bị chặt hạ trái phép tại các tiểu khu 1526, 1528, 1534; nhiều lóng gỗ tròn đường kính 40 - 80cm, dài khoảng 1 - 3m còn vứt lại ngổn ngang tại hiện trường. Tại các khoảnh 4, 7, 8 thuộc tiểu khu 1522 do Cty TNHH Hoàng Ba quản lý, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều lán trại do lâm tặc dựng lên để khai thác gỗ, dấu vết xe độ chế dọc ngang khắp nơi trong rừng v.v... Đặc biệt, đoạn từ bến Đắc Zên (ranh giới 2 tỉnh) vào địa phận tỉnh Đắc Nông khoảng 8km, nơi Cty Kiến Trúc Mới đặt trụ sở, Cty TNHH Hoàng Ba có văn phòng, chốt trạm, nhưng tình trạng khai thác gỗ vẫn diễn ra rầm rộ. Riêng tại Cty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, ông Phạm Hòa Dũng - PGĐ Cty - cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tự bắt 5 vụ vi phạm với 13 đối tượng, 4 xe độ chế, 30m3 gỗ, 1 súng CKC. Những đối tượng vi phạm đều đến từ tỉnh Bình Phước. Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức cho con số: “Tại các xã Bom Bo, Đắc Nhau, Đường 10 thuộc huyện Bù Đăng có khoảng 50 xe công nông độ chế hằng ngày vượt bến Đắc Zên, qua tỉnh Đắc Nông khai thác gỗ rồi đưa về 7 xưởng cưa ở Bình Phước”. Điều này cũng cho thấy, con số 1.800m3 gỗ mà Công an Bình Phước bắt giữ chỉ là phần nổi trên “dòng sông gỗ” từ tỉnh Đắc Nông “chảy” về Đông Nam Bộ. Gần nhà xa ngõ Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là lâm phần của hầu hết các đơn vị quản lý rừng thuộc huyện Tuy Đức đều cách trụ sở từ 30 - 40km, không có đường tuần tra, kiểm soát. Muốn vào được lâm phần, lực lượng bảo vệ rừng phải đi vòng gần 200km ra quốc lộ 14, xuống ngã ba Minh Hưng thuộc huyện Bù Đăng, rồi từ đó đi vào các xã Bom Bo, Đắc Nhau, Đường 10, sau đó mới ngược lên Tuy Đức. Trong khi đó, lâm tặc từ tỉnh Bình Phước lại xâm nhập vào rừng Đắc Nông quá dễ dàng, chỉ vài chục cây số. Mặt khác, nếu bắt được lâm tặc Bình Phước thì phải dẫn giải đi qua nhà của chúng, rất dễ bị phục kích nên cơ quan chức năng thường ngại di lý đối tượng, tang vật về Đắc Nông để xử lý. Xuất phát từ thực tế trên, ông Lê Văn Tường - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tuy Đức - cho rằng: “Trước mắt phải ủi lấp ngay con đường vận chuyển gỗ lậu từ xã Quảng Trực qua bến Đắc Zên về huyện Bù Đăng, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được thuê rừng cần thống nhất đầu tư một con đường từ trung tâm huyện Tuy Đức vào các tiểu khu nhạy cảm, chứ không thể mượn đường của Bình Phước mãi được”. Đặng Trung Kiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/lam-tac-mua-gay-vuon-hoang/14408