Làm sao để thoái vốn nhà nước mà vẫn giữ thương hiệu Việt?

Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có quy mô lớn đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt hiện nay. Thế nhưng, song song với việc thoái vốn là bài toán giữ thương hiệu Việt cũng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Thoái vốn “rút lui tích cực”

Mới đây, việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn trong đó có CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP FPT, CTCP Nhựa Bình Minh... được coi là động thái quan trọng trong chủ trương cổ phần hóa khu vực kinh tế quốc doanh và tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, vấn đề thoái vốn như thế nào để bảo đảm giá trị của doanh nghiệp đang gây trăn trở cho các nhà lãnh đạo.

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC. (Ảnh: Ánh Hoa)

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, quan điểm của SCIC là “rút lui tích cực”, tức là mang lại hiệu quả thoái vốn Nhà nước và khi thoái vốn sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, SCIC cố gắng tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn cho doanh nghiệp. Cũng như trong 10 năm qua, kế hoạch bán vốn của SCIC là vừa làm, vừa tháo gỡ. Ngoài ra, SCIC cũng thực hiện nguyên tắc tránh gây biến động phức tạp cho thị trường chứng khoán.

Về phương thức thoái vốn, đối với doanh nghiệp đã niêm yết sẽ thực hiện khớp lệnh hoặc thỏa thuận (chủ yếu thông qua chào hàng cạnh tranh), với doanh nghiệp chưa niêm yết thì đấu giá công khai. Bên cạnh đó, SCIC đang đợi thêm cơ chế mới như cơ chế bán theo lô (hiện chưa áp dụng cho SCIC), hay như phương thức bán dựng sổ.

Như đã biết, Vinamilk hay FPT đều là những doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường cả trong và ngoài nước có giá trị rất cao. Ví dụ như Vinamilk, mặc dù giá trị thực chưa đến 1 tỷ USD nhưng với giá trị hiện tại khoảng hơn 9 tỷ USD. Như vậy, vì giá trị doanh nghiệp lớn cần nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

SCIC sẽ thoái 9% vốn điều lệ của Vinamilk trong những tháng cuối năm.

“Thế nhưng, việc thoái vốn cũng không nên quá vội vàng, cần thoái vốn dần dần để thị trường hấp thụ được và thăm dò thị trường, bảo đảm lợi ích Nhà nước thu được cao nhất” - ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.

Đồng thời, để việc thoái vốn công khai minh bạch, đối với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nên thực hiện niêm yết để bảo đảm được giá trị. Như vậy, việc lên sàn như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là hết sức cần thiết trước khi Nhà nước thực hiện thoái vốn...

Bài toán giữ thương hiệu

Ngoài việc bảo đảm giá trị của doanh nghiệp sau khi thực hiện thoái vốn thì việc làm sao để giữ thương hiệu Việt cũng là một bài toán khó. Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương - Văn phòng Chính phủ, không nhà đầu tư nào dại dột xóa bỏ các thương hiệu đã chật vật giành lấy. Chắc chắn họ sẽ tìm cách bảo vệ và phát triển hơn nữa những thương hiệu này.

Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương, Văn phòng Chính Phủ. (Ảnh: Ánh Hoa)

“Rõ ràng là Chính phủ cũng đang rất lo lắng cho việc bảo vệ các thương hiệu lớn này khi thực hiện thoái vốn, bán cổ phần. Cụ thể với Sabeco và Habeco thì Thủ tướng đã giao Bộ Công thương đề xuất với Thủ tướng giải pháp làm sao đó để bảo vệ thương hiệu. Mặc dù Bộ Công thương còn đang nghiên cứu phương án chưa báo cáo nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên quá lo lắng, vì suy cho cùng mục tiêu của các nhà đầu tư là mong muốn có lợi nên họ sẽ bảo vệ và phát triển các thương hiệu này” - ông Nguyễn Trọng Dũng nói.

Thế nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp khi nhà đầu tư ngoại có được vị trí trong doanh nghiệp Việt là nảy sinh ý định thâu tóm và thay đổi thương hiệu Việt. Điển hình như cuộc chiến tranh lạnh tại CTCP Bibica với cổ đông lớn Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, hay CTCP Tribeco Bình Dương bị thâu tóm bởi Uni President.

Cũng theo đại diện Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, việc bảo vệ các thương hiệu quốc gia này không phải dễ dàng. Đặc biệt, những cái tên như Sabeco, Vinamilk, FPT... đã mang tầm thương hiệu quốc gia nhưng chưa thực sự có tiếng trên thị trường quốc tế. Do đó, không có gì để bảo đảm rằng khả năng các đối tác ngoại sẽ cố gắng giữ thương hiệu Việt sau khi thâu tóm. Đó là chưa kể đến vấn đề người lao động hay các nhà đầu tư này không chỉ thâu tóm một vài doanh nghiệp mà muốn thâu tóm, khống chế cả một thị trường.

Ánh Hoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lam-sao-de-thoai-von-nha-nuoc-ma-van-giu-thuong-hieu-viet-d48858.html