Làm sao để sống sót khi đồng hồ tận thế chạm mức 'nửa đêm'

Các nhà khoa học đã dùng máy tính để tìm ra cách sống sót khi đồng hồ tận thế chạm mức 0h, cũng là lúc chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Vũ khí hủy diệt nhất của nhân loại từng được sử dụng trong chiến tranh một lần, khi Mỹ phá hủy thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, bằng 2 quả bom nguyên tử vào cuối Thế chiến thứ hai năm 1945. Trong chốc lát, một đầu đạn hạt nhân giải phóng sức công phá của hàng trăm nghìn tấn thuốc nổ. Ngọn lửa và xung lực từ vụ nổ ngay lập tức tiêu diệt mọi thứ trên đường đi.

2 quả bom này giết chết hơn 100.000 thường dân Nhật Bản và làm bị thương nhiều người khác. “Mọi người đã quên những tác động tàn khốc mà chiến tranh hạt nhân có thể gây ra, cho đến bây giờ khi có lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh”, Dimitris Drikakis, nhà nghiên cứu động lực học chất lỏng tại Đại học Nicosia (Cyprus) cho biết.

Nguy cơ hạt nhân gia tăng

Theo Wired, năm ngoái Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói bóng gió rằng vũ khí hạt nhân sẽ không nằm ngoài bàn thảo luận trong tình hình Ukraine. NATO cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân vào tháng 10/2022, mô phỏng thả bom hạt nhân B61. Trong cùng tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng tháng đã từ bỏ chính sách “không dùng bom hạt nhân trước” mà ông ủng hộ trước đây.

Mô hình tại Bảo tàng Không quân Mỹ mô phỏng lại bom nguyên tử Fat Man thả xuống Nagasaki năm 1945. Ảnh: Flickr.

Theo thống kê của Federation of American Scientists, kho vũ khí của thế giới có tổng cộng khoảng 12.700 đầu đạn. Con số này ít hơn so với mức cao nhất, khoảng 70.000 vào cuối Chiến tranh Lạnh, nhờ các hiệp ước cắt giảm vũ khí. Nhưng một số hiệp ước đã bị giải thể và nguy cơ từ các đầu đạn hạt nhân hiện có vẫn tồn tại.

Bulletin of the Atomic Scientists đánh giá thế giới đang tiến gần đến chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết, một phần do căng thẳng ở Ukraine. Tổ chức này được thành lập vào năm 1945 bởi Albert Einstein và các nhà khoa học tại Đại học Chicago đã giúp phát triển vũ khí nguyên tử đầu tiên trong Dự án Manhattan.

Các nhà khoa học tại Bulletin of the Atomic Scientists điều chỉnh giờ trên Đồng hồ Ngày tận thế vào ngày 24/1. Ảnh: AP.

Họ tạo ra Đồng hồ Ngày tận thế 2 năm sau đó, lấy thời điểm nửa đêm để ám chỉ thời điểm xảy ra chiến tranh hạt nhân. Đồng hồ được điều chỉnh hàng năm bởi tổ chức này và hội đồng tư vấn gồm 10 người đoạt giải Nobel, và vào ngày 24/1 giờ đã được chỉnh đến gần sát nửa đêm, gần hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây.

Làm gì để sống sót lúc “nửa đêm”

Drikakis cho biết trong vấn đề hậu quả của vũ khí hạt nhân, có rất ít thông tin về tác động đối với những cư dân đô thị cách tâm chấn vài km, đủ xa để các tòa nhà không bị san phẳng ngay lập tức.

Vì không thể thử nghiệm thực tế vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học đã lập mô phỏng trên máy tính. Drikakis đã mô phỏng hiệu ứng vụ nổ của một đầu đạn 750 kiloton, tương tự như hàng trăm quả bom nguyên tử trong kho vũ khí của Nga, được phóng bởi một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, phát nổ phía trên một đô thị.

Kết quả mô phỏng cho thấy một số cư dân ở khoảng cách trên 3 km so với vị trí bom nổ có khả năng sống sót, nhưng họ chỉ có khoảng 5-10 giây sau ánh chớp phát nổ để đến nơi trú ẩn.

Mô phỏng máy tính một vụ nổ bom hạt nhân, có kích thước bằng các đầu đạn lớn hiện nay. Ảnh: Dimitris Drikakis.

Để có cơ hội sống sót, các cư dân ở cách xa ít nhất 3 km cần ở trong một cấu trúc bê tông dày có ít lỗ hổng, chẳng hạn như trong hầm ngân hàng hoặc tàu điện ngầm, và tận dụng khoảng thời gian ít ỏi để chạy vào góc của một căn phòng càng ở sâu trong cấu trúc và càng ít lỗ hổng càng tốt.

Việc ở trong một không gian kín là quan trọng, bởi gió và sóng xung kích theo sau tạo ra áp lực và hất văng người, đồ đạc, thậm chí còn nguy hiểm hơn chính vụ nổ. Do đó, cần tránh các khu vực hút gió như cửa ra vào, cửa sổ hoặc hành lang.

“Rất nhiều người bi quan rằng không còn làm gì được nếu xảy ra vụ nổ hạt nhân, không phải vậy", Ferenc Dalnoki-Veress, nhà vật lý hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết. Chuyên gia này cho rằng các vị trí an toàn nhất là nằm giữa nhiều tòa nhà, tốt nhất là tầng hầm, để rơi vào góc khuất khi các lực từ vụ nổ quét qua.

Nhưng thực tế là hầu hết mọi người, ngay cả trong vùng thiệt hại vừa phải, sẽ không sống sót. Cư dân chỉ có 10 giây để tìm nơi trú ẩn, và ít ai sống hoặc làm việc trong các tòa nhà bê tông cốt thép không có cửa sổ. Những người trong tàu điện ngầm sẽ có sẵn nơi trú ẩn an toàn nhất vì nhà ga vốn nằm sâu dưới lòng đất.

Một phóng viên đứng trong đống đổ nát ở Hiroshima vào ngày 8/9/1945, một tháng sau khi Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên từng được sử dụng trong chiến tranh. Ảnh: AP.

Các cấu trúc bê tông được gia cố có thể chống chịu áp lực từ vụ nổ, nhưng hầu hết ngôi nhà hiện nay thì không, Dylan Spaulding, nhà khoa học trái đất và chuyên gia hạt nhân tại tổ chức tư vấn Union of Concerned Scientists, cho biết.

Spaulding lưu ý vũ khí hạt nhân cũng thải ra bức xạ ion hóa và bụi phóng xạ đi xa hàng chục cây số. Phơi nhiễm các chất này gây bỏng da, tổn thương nội tạng và ung thư, vì vậy những người sống sót sau vụ nổ ban đầu cũng có thể bức xạ tấn công ngay sau đó.

"Đây không phải là một trò chơi, chúng ta phải duy trì hòa bình bằng cách hiểu rõ những rủi ro", Drikakis nói.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-de-song-sot-khi-dong-ho-tan-the-cham-muc-nua-dem-post1397531.html