Làm sao để AI thành bạn chứ không phải kẻ thù của báo chí

Sự bùng nổ của AI mang lại nhiều thách thức cho báo chí, nhưng cũng có thể giúp cho người làm báo tập trung hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

AI tạo sinh là trào lưu đang càn quét thị trường công nghệ. Việc những cỗ máy tạo ra nội dung chỉ với vài dòng yêu cầu có thể ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực nội dung, trong đó có báo chí.

Với lượng nội dung tạo ra quá dễ và chất lượng ở mức vừa phải, nguy cơ về tin giả là rất cao. Ngoài ra, báo chí cũng đối mặt tình trạng giảm lượng truy cập khi các dịch vụ tổng hợp tin tức bằng AI trở nên phổ biến hơn.

New York Times kiện OpenAI vào cuối năm 2023 vì sử dụng nội dung không xin phép, trường hợp điển hình cho xung đột lợi ích khi các công ty sử dụng nội dung báo chí để huấn luyện AI. Ảnh: New York Times.

Với cách tiếp cận đúng, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành "đồng minh" để tạo ra báo chí chất lượng cao. Tuy vậy, người làm báo cũng cần nhận thức rõ các rủi ro mà AI có thể mang lại, theo chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng điều đáng sợ nhất khi AI can thiệp sâu vào quá trình tạo nội dung báo chí, đó là người đọc sẽ "không tin vào cái gì cả" vì không thể xác định đầu là tin đúng, đâu là tin sai. Đây là điều rất nguy hại.

Vấn đề bản quyền báo chí đối với AI cũng đang rất được quan tâm. Chủ tịch Hội Nhà báo cho rằng khi Internet bùng nổ, các báo đã mắc sai lầm khi cho nội dung miễn phí lên Internet. Hiện tại, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới bắt đầu có những hành động để ngăn các công ty lớn như AI truy cập vào kho dữ liệu, hình ảnh của mình. Đầu năm 2023, Getty Images, một trong những công ty cung cấp ảnh báo chí lớn nhất thế giới, kiện Stability AI vì sử dụng không xin phép hơn 12 triệu ảnh, đi kèm cả chú thích và thông số.

"Khi AI có thể học từ hàng triệu hình ảnh và tạo ra một hình ảnh mới, chúng ta không thể nào kiểm soát được", nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ tại hội thảo "Tương lai của Báo chí và trí tuệ nhân tạo", diễn ra chiều 13/3.

Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ tại hội thảo về thách thức và những cơ hội khi ứng dụng AI cho báo chí. Ảnh: Nhật Minh.

Chia sẻ về hướng đi của báo chí trong thời gian sắp tới, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, sức mạnh của mình để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

"Báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu, đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp" nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Francesco Guarascio, Trưởng đại diện hãng tin Reuters tại Việt Nam cho biết Reuters đã ứng dụng AI vào công việc biên tập, hỗ trợ dựng nội dung, lấy dữ liệu từ kho thông tin của Reuters, hay tạo các ô thông tin, giải thích thêm cho bài viết.

Ông Guarascio cũng chia sẻ 3 nguyên tắc quan trọng của Reuters khi sử dụng AI. Đó là thúc đẩy sử dụng công nghệ, luôn có con người chịu trách nhiệm đối với nội dung của AI, và minh bạch, nói rõ các nội dung sử dụng AI.

Đại diện của Reuters cho rằng việc giữ vững các nguyên tắc này sẽ đảm bảo ứng dụng AI cho những công việc với giá trị thấp hơn, trong khi người làm báo có thể tập trung để mang lại nội dung chất lượng nhất cho độc giả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập VietnamPlus cho rằng AI sẽ cung cấp những giải pháp để phát triển độc giả, xây dựng mối tương tác giữa tòa soạn và độc giả. Nếu tận dụng được AI, tòa soạn sẽ tiếp cận độc giả tốt hơn, tạo nên bản sắc riêng.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng đề cập đến những thách thức của báo chí để tối ưu hóa AI như khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, chi phí nghiên cứu quá lớn, và chi phí để sử dụng các công cụ AI, hiện đa số thuộc các công ty nước ngoài, cũng rất lớn.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-de-ai-thanh-ban-chu-khong-phai-ke-thu-cua-bao-chi-post1464875.html