Làm rõ vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc điện Kính Thiên

Trưng bày 'Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên' tuy là kết quả nghiên cứu mang tính giả định, song bước đầu giúp công chúng và giới khoa học hình dung rõ hơn vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long xưa.

Đại biểu tham quan trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên”

Trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” khai mạc chiều 29.11, do Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2.12.1953 - 2.12.2023).

Minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô Thăng Long

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS. Bùi Minh Trí, hơn 20 năm trước (2002 - 2004), cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đưa lại nhiều phát hiện quan trọng về lịch sử tồn tại của Kinh đô Thăng Long. Phát hiện này đã tạo tiếng vang lớn trong dư luận xã hội và quốc tế, Hoàng thành Thăng Long sau đó được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới năm 2010. Từ đó, Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô Thăng Long qua 13 thế kỷ. Tuy nhiên diện mạo, hình dáng cụ thể của các công trình kiến trúc đó vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời do các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều không tồn tại trên mặt đất.

"Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long", PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết

Từ năm 2016 - 2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng 3D tổng thể hình thái kiến trúc thời Lý của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. “Từ đây, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội gồm 64 công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, tường bao, cổng ra vào công trình”, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết.

Từ tài liệu được cung cấp bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành trong khoảng 5 năm, Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam đã sử dụng công nghệ in 3D, scan 3D có hỗ trợ công nghệ mapping (trình chiếu) nhằm đưa ra những hình ảnh mang tính chất phát huy giá trị di sản. Đồng thời, Công ty song song phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành nghiên cứu so sánh, khảo sát kiến trúc cung điện cổ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, tiến hành phục dựng 3D kiến trúc điện Kính Thiên.

“Quá trình thực hiện, do tài liệu khảo cổ về công trình này rất hạn chế, vì vậy chúng tôi đã song hành nghiên cứu, khảo sát các cung điện cổ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, nhằm mô phỏng chân thật nhất, cố gắng thể hiện những gì mà quá khứ để lại”, Giám đốc Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam Phạm Trung Hưng thông tin.

Chìa khóa giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên

PGS.TS. Bùi Minh Trí khẳng định, nghiên cứu hình thái kiến trúc cung điện cổ trong Hoàng cung Thăng Long nói chung, điện Kính Thiên nói riêng rõ ràng là vấn đề vô cùng khó, là những thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học bởi nguồn tư liệu không nhiều.

Trong gần 4 năm qua, dựa vào các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tập trung nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái và sau đó đã phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Dựa vào các cấu kiện gỗ, đặc biệt là các loại đấu xuyên tâm và các loại bình áng trong hệ đấu củng được sơn son tìm thấy tại di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, hình vẽ kiến trúc cung điện trên đồ gốm xuất khẩu và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có cơ sở khoa học tin cậy để xác định: kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Theo các nhà khoa học, trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, đấu củng hay kiến trúc đấu củng là khái niệm không phổ biến, thậm chí xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu. Các kiến trúc cung điện Việt Nam từ thời Đinh - Lý - Trần - Lê (từ thế kỷ X - XVIII) đều không còn tồn tại.

Kiến trúc gỗ truyền thống của Bắc Việt Nam hiện còn phổ biến là ở các công trình kiến trúc tôn giáo, có kết cấu bộ khung kiểu kẻ truyền hay chồng rường, chồng rường giá chiêng. Tuy nhiên, trong số đó may mắn vẫn còn lại một số loại hình kiến trúc đấu củng, phát hiện tại các công trình như: gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội)... Đây là những hình ảnh minh chứng xác thực rằng, kiến trúc đấu củng là một loại hình kiến trúc từng tồn tại trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.

Đấu củng là loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà, có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và vừa đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình

Kết quả nghiên cứu phục dựng cũng cho thấy, Kính Thiên là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ sặc sỡ.

“Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều”, PGS.TS. Bùi Minh Trí nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh nhận xét, trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” tuy là kết quả nghiên cứu ban đầu, có phần còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc, song các nhà khoa học vẫn mong muốn tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng trong tương lai để có được hình ảnh về điện Kính Thiên đúng vị trí nó từng tồn tại thời Lê sơ.

Nhiều nghiên cứu đầu tiên về điện Kính Thiên được giới thiệu trước công chúng

“Hình ảnh phục dựng điện Kính Thiên giúp công chúng và giới khoa học hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa, từ đó hiểu hơn về lịch sử kinh đô Việt Nam. Chúng tôi thêm tự hào về kết quả nghiên cứu này của Viện Nghiên cứu Kinh thành và các nhà khoa học. Kết quả này cũng cho thấy còn nhiều điều cần phải giải mã về trình độ phát triển cao về văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cha ông trong lịch sử để công bố rộng rãi tới công chúng”, TS. Đặng Xuân Thanh cho hay.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lam-ro-ve-dep-doc-dao-cua-kien-truc-dien-kinh-thien-i352194/