Làm rõ phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền hiện nay

(Chinhphu.vn) – Cần phân cấp rõ chính quyền Trung ương làm gì, địa phương làm gì và có việc cả Trung ương và địa phương cùng làm như thế nào. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp trong nhiệm vụ được giao.

Ảnh VGP/Lê Sơn

Trong hai ngày 7-8/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Chính quyền địa phương, cho biết việc hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là đối với hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, trên nguyên tắc của một Nhà nước thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp năm 2003 hiện có những bất cập cần khắc phục như: Các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã về cơ bản là giống nhau; không phân biệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu UBND; chưa phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn trong điều kiện hiện nay.

Cũng theo ông Thăng, cần tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm để cấp có thẩm quyền quyết định cuối cùng về việc thí điểm này; mô hình tổ chức của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được quy định trong Hiến pháp 2013; những điểm mới của Hiến pháp quy định liên quan đến chính quyền địa phương.

Một trong những yêu cầu bức thiết là sớm ổn định các đơn vị hành chính các cấp, hạn chế chia tách để tăng thêm các đơn vị hành chính.

Theo thống kê, từ năm 1993 đến 2013, thì cứ 2 năm tăng thêm 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi năm tăng thêm khoảng 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã. Đây cũng là yếu tố làm tăng biên chế, đơn vị hành chính trong thời gian qua trên cả nước.

Vì thế, vấn đề đặt ra là làm rõ thẩm quyền và phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền. Cụ thể, phân cấp rõ chính quyền Trung ương làm gì, địa phương làm gì và có việc cả Trung ương và địa phương cùng làm như thế nào. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp trong nhiệm vụ được giao.

Những vấn đề này cần được cụ thể hóa trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số điều trong Dự án Luật như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, phân chia đơn vị hành chính; nguyên tắc phân định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức chính quyền địa phương; mối quan hệ công tác, giám sát đối với chính quyền địa phương; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Theo đó, quy định rõ các nhiệm vụ quyền hạn của HĐND, UBND trong Dự án Luật được quy định khái quát, các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo từng lĩnh vực của chính quyền địa phương do các luật chuyên ngành điều chỉnh. Đồng thời, rà soát để đảm bảo đối với nhiệm vụ, quyền hạn đã giao cho cấp này thực hiện thì không giao cho cấp khác; giảm bớt nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã đã quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.

Về tổ chức và hoạt động của UBND, các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến thảo luận, bổ sung nhiều điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND, phiên họp UBND, phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND, mối quan hệ công tác của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch và đảm bảo sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/lam-ro-phan-cap-phan-quyen-giua-cac-cap-chinh-quyen-hien-nay/203068.vgp