Làm rõ kẻ tiếp tay lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Buôn Đôn

Sau bài viết “Cận cảnh rừng phòng hộ Buôn Đôn bị “bức tử”", Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo khẩn cho hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, đoàn Kiểm tra liên ngành 1280 gấp rút xác minh, xử lý.

Lực lượng quản lý mỏng?

Sau khi báo Người Đưa Tin đăng tải bài viết “Cận cảnh rừng phòng hộ Buôn Đôn bị “bức tử””, ngày 7/8, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết đã nắm được vụ việc thông qua báo chí: “UBND huyện đã chỉ đạo đoàn Kiểm tra liên ngành 1280 (đoàn Kiểm tra ngăn chặn, xử lý các vi phạm về lâm luật) phối hợp với hạt Kiểm lâm của huyện kiểm tra những tiểu khu mà báo chí đã thông tin để xác minh, nắm bắt tình hình.

Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu đoàn liên ngành, ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn tăng cường kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 29 và tỉnh lộ 1 để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản”.

Bãi tập kết gỗ của lâm tặc nằm sát Quốc lộ 29.

Cũng theo ông Xanh, rừng phòng hộ Buôn Đôn có địa hình phức tạp, giáp ranh với 2 huyện Ea Súp và huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) nên nhu cầu về gỗ và củi của người dân rất lớn.

Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) lại quá mỏng nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn lâm tặc.

Tại buổi làm việc, PV đã cung cấp thêm nhiều hình ảnh, video ghi nhận trước đó về thực trạng rừng phòng hộ Buôn Đôn đang bị tàn phá tàn khốc. Tại tiểu khu 436, lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ cách trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 khoảng 500m nhưng không thấy dấu hiệu ngăn chặn.

Sau khi xem những hình ảnh và video trên, ông Xanh bức xúc điện thoại chỉ đạo lãnh đạo hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn phải nhanh chóng tiếp cận các tiểu khu 454, 436, 453 kiểm tra, xác minh và báo cáo về huyện trong thời gian sớm nhất.

“Trách nhiệm chính trong việc để các đối tượng lâm tặc ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ thuộc về chủ rừng. Chúng tôi sẽ làm việc với ban QLBVR Buôn Đôn, đồng thời, giao cho hạt Kiểm lâm của huyện tham mưu báo cáo lên sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk để có hướng xử lý”, ông Xanh nói.

Trách nhiệm thuộc về… chủ rừng?

Trước tình trạng lâm tặc ngang nhiên đưa xe chuyên dụng, cưa máy khai thác gỗ tại tiểu khu 436 gần trạm QLBVR số 4, PV đặt câu hỏi có hay không việc cán bộ QLBVR tiếp tay cho lâm tặc.

Trả lời vấn đề này, ông Xanh khẳng định: “Chúng tôi sẽ điều tra xác minh, nếu phát hiện cán bộ quản lý bảo vệ rừng có hành vi tiếp tay cho lâm tặc sẽ chuyển sang cho cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn xử lý theo quy định của pháp luật”.

Hiện trường còn lại sau khi lâm tặc khai thác gỗ.

Trong khi đó, bà H’Lan Niê, Hạt phó hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết: “Hiện nay, lâm sản là một trong những vấn đề nóng tại địa phương.

Rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và đơn vị cũng đã phân công 2 cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với ban QLBVR phòng hộ để ngăn chặn, xử lý các tình trạng vi phạm về lâm luật. Để xảy ra tình trạng mất rừng, đơn vị chủ rừng là người chịu trách nhiệm chính”.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc cưa hạ.

Cũng theo bà H’Lan, căn cứ số liệu báo cáo của ban QLBVR phòng hộ Buôn Đôn, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã bắt được 4 vụ khai thác trái phép lâm sản với tổng khối lượng 5,29m³ gỗ, giao về cho hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn xử lý.

“Đơn vị cũng đã nhận được chỉ đạo khẩn của UBND huyện và bố trí lực lượng cùng đoàn 1280 vào khu vực mà báo chí phản ánh để kiểm tra xác minh. Nếu phát hiện sai phạm, Hạt sẽ báo cáo lên UBND huyện để xin hướng xử lý”, bà H’Lan cho biết thêm.

Trước đó vào ngày 3/8, PV báo Người Đưa Tin đã bí mật thâm nhập rừng phòng hộ Buôn Đôn để ghi nhận thông tin về tình trạng rừng bị “bức tử”. Tại tiểu khu 454, PV đã phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ của lâm tặc. Trên đường PV đi qua có thể đếm được hàng trăm cây gỗ dầu đường kính từ 15-20cm bị lâm tặc “hạ sát”.

Tại tiểu khu 436 cách trạm QLBVR số 4 chưa đầy 500m, nhiều cây gỗ lớn, nhỏ bị “hạ sát” không thương tiếc. Các đối tượng lâm tặc ngang nhiên đưa xe chuyên dụng vào rừng, cưa cây hạ gỗ không một chút sợ sệt.

Mai Cường

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/rung-phong-ho-buon-don-bi-tan-pha-lam-ro-ai-tiep-tay-cho-lam-tac-a335306.html