'Làm quản lý mà xem quảng cáo sai lệch về Đông y, tôi rất bức xúc'

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khuyến cáo người dân không nên xem quảng cáo trên mạng và tin theo, cần kiểm tra cẩn thận bởi chúng có thể được dựng, giả mạo.

Theo điều tra của Zing, bà Nguyễn Thị Nghê với danh xưng Giám đốc Viện Y học thuốc Nam đã hành nghề khám, chữa bệnh tiểu đường tại nhiều tỉnh. “Đây là thầy thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường bằng Đông y đầu tiên ở Việt Nam” - là một trong những quảng cáo về người này trong nhiều video đăng tải trên YouTube.

Zing đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, để làm rõ vấn đề này.

"Viện Y học thuốc Nam" không có thật?

- Theo điều tra của Zing, bà Nguyễn Thị Nghê đang hoạt động tại phòng khám Bảo Xuân Đường (thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trong khi phòng khám này đã bị thu hồi giấy phép hoạt động từ năm 2019. Điều này có sai quy định?

- Phòng khám không có giấy phép hoạt động thì tuyệt đối không được phép khám, chữa bệnh. Việc quản lý hành nghề trước tiên là trạm y tế xã và chính quyền địa phương tại xã đó. Họ phải phát hiện và báo cáo lên Trung tâm y tế huyện, cụ thể là bộ phận quản lý hành nghề, sau đó là sở y tế tỉnh, thành phố. Mặc dù theo phân cấp, trung tâm y tế huyện (có nơi là phòng y tế của UBND huyện hoặc chỉ là chuyên viên theo dõi quản lý về y tế) không phải cơ quan cấp giấy phép hoạt động nhưng cần sát sườn quản lý các phòng khám trên địa bàn.

 Bài thuốc được lương y Nguyễn Thị Nghê bán cho tất cả bệnh nhân tiểu đường khi tìm đến. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Bài thuốc được lương y Nguyễn Thị Nghê bán cho tất cả bệnh nhân tiểu đường khi tìm đến. Ảnh: Hoàng Hiệp.

- Trên các phương tiện truyền thông, bà Nguyễn Thị Nghê tự xưng là Giám đốc Viện Y học thuốc Nam (địa chỉ Lương Sơn, Hòa Bình) để hoạt động khám chữa bệnh. Viện này có thật hay không?

- Trong luật khám chữa bệnh, chỉ có mô hình bệnh viện (bệnh viện công, bệnh viện tư nhân), phòng khám chuyên khoa, phòng khám đa khoa và phòng chẩn trị y học cổ truyền, không có mô hình viện. “Viện Y học thuốc Nam” không phải mô hình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật khám, chữa bệnh.

Do không có mô hình đó, cơ sở này sẽ không có giấy phép hoạt động. Kể cả khi cá nhân lương y Nguyễn Thị Nghê có chứng chỉ hành nghề, việc tự tạo ra một cơ sở bất hợp pháp để hành nghề là hoàn toàn sai. Sai rõ ràng về mặt thủ tục hành chính chứ chưa kể đến các tác hại về mặt chuyên môn.

- Việc tự bốc thuốc và quảng cáo chữa tiểu đường, thậm chí còn tuyên truyền các thông tin sai lệch về y khoa sẽ bị xử lý ra sao?

- Chắc chắn sẽ bị phạt. Những sai sót thuộc vấn đề y đức gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hình sự. Những sai sót về chuyên môn sẽ bị xử phạt hành chính.Trước đây, việc xử phạt hành chính được thực hiện theo nghị định 176, tùy từng lỗi có những mức khác nhau.

Hiện nay, nghị định 117 vừa ra đời năm 2020 thay thế nghị định 176, trong đó, nâng mức phạt lên tương đối, rất nặng nhưng có lẽ người ta chưa thấy sợ. Họ sợ nhất là bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Khi bị thu hồi, việc khám, chữa bệnh của họ là trái pháp luật.

Trên khó thấy, dưới không sát sườn

- Cá nhân ông đã từng xem và bắt gặp các quảng cáo thuốc Đông y sai lệch trên mạng xã hội (Facebook, YouTube)? Là người đứng đầu trong lĩnh vực này, ông cảm thấy như thế nào khi bắt gặp các quảng cáo này?

- Có lần tôi thấy trên YouTube có quảng cáo, họ cũng chiếu toàn cảnh phòng khám, bệnh nhân đông đúc, rồi cả cảnh phỏng vấn bệnh nhân. Tôi rất bất ngờ. Sau đó tôi lấy địa chỉ rồi gọi ngay cho Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xuống kiểm tra ngay. Nhưng khi xuống đó, cơ quan chức năng không thấy cơ sở nào như quảng cáo. Chúng tôi gọi điện thì họ bảo ở tận Điện Biên, không cho địa chỉ cụ thể. Nếu muốn mua thuốc, họ sẽ gửi cho chúng tôi. Điều đó có nghĩa họ làm một clip giả mạo. Tôi cũng đi kiểm tra một cơ sở ở Quốc Oai, Hà Nội. Họ thuê nhà dân làm quảng cáo, sau một tháng lại rút sang nơi khác nên chính quyền địa phương không biết. Thậm chí, họ đi khắp các miền trong cả nước như thế.

Các quảng cáo quá và không đúng sự thật hiện nay trên YouTube tương đối nhiều. Làm quản lý, khi xem những quảng cáo như thế, tôi rất bức xúc. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng quan tâm khi thỉnh thoảng xem được những clip như vậy, sau đó chỉ đạo cục chúng tôi làm rõ hiện tượng đó.

Thực ra không phải bây giờ mà lâu rồi đã có nhiều quảng cáo nói quá sự thật. Bộ Y tế có rất nhiều văn bản từ xưa đến nay. Năm nào cũng có văn bản về kiểm tra công tác khám chữa bệnh, quảng cáo. Cục chúng tôi cũng nhắc nhở nhiều rồi. Đây không phải là chuyện mới nhưng vẫn tồn tại. Bởi thực ra cũng rất khó, kể cả đơn vị địa phương cũng nói khó quản lý, nhất là không quản lý được YouTube và mạng xã hội.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền với tư cách là cơ quan của Bộ không trực tiếp cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Chúng tôi chủ yếu đi kiểm tra về chất lượng khám chữa bệnh, dược liệu, bệnh án, quy trình kỹ thuật của các cơ sở. Đa phần đó là những cơ sở hợp pháp. Còn các cơ sở bất hợp pháp hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện, ở trên bộ rất khó biết, chỉ có ở cơ sở mới có thể sát sườn.

 Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế. Ảnh: HQ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế. Ảnh: HQ.

- Vậy có nghĩa không giải quyết được tình trạng này? Tại sao lại khó như vậy?

- Tất nhiên chúng tôi đã rất ráo riết. Tôi cho rằng cần sự đồng bộ hơn. Công tác quản lý hiện nay đối với y học cổ truyền so với ngày xưa thực sự đã tốt hơn rất nhiều, nhất là từ khi có luật khám, chữa bệnh, chuẩn hóa mọi vấn đề từ việc cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, quy định phạm vi hoạt động.

Tất nhiên, giai đoạn nào cũng có những bất cập của nó. Ví dụ như với tư cách là quản lý về y học cổ truyền giai đoạn này, chúng tôi thấy có những bất cập như hệ thống quản lý nhà nước về y học cổ truyền quá mỏng, tuyến huyện gần như không có người quản lý chuyên trách về y học cổ truyền.

Chính vì thế, những phòng khám y học cổ truyền ở huyện và xã không có người quản lý, đa số là kiêm nhiệm nhưng lại trong phòng y tế huyện. Nhiều nơi còn không có phòng y tế huyện mà chỉ có một chuyên viên theo dõi toàn bộ cả y học hiện đại và y học cổ truyền. Lực lượng rất mỏng nên khó khăn trong vấn đề quản lý.

Ở các tỉnh hiện nay, sở y tế giỏi lắm có một chuyên viên chuyên trách về y học cổ truyền, nhiều sở không có mà chỉ là giao nhiệm vụ, lực lượng cũng rất mỏng. Người hiểu biết về chuyên ngành y học cổ truyền đi kiểm tra còn khó huống chi là những người không biết mà lại tham gia vào quản lý thì rất khó. Thậm chí, người ta không hiểu nên không dám đi kiểm tra.

Bên cạnh đó, ở cơ sở, chính quyền địa phương nhiều khi không quan tâm. Họ coi việc đó là của ngành y tế.

Cẩn trọng mất mạng vì phòng khám giả mạo

- Người dân làm thế nào để phân biệt được chỗ nào là cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền uy tín, chỗ nào không? Căn cứ vào những tiêu chí nào?

- Theo quy định, cơ sở đó phải có biển ghi rõ phòng khám hay phòng chẩn trị. Trên biển phải ghi giấy phép hoạt động do sở y tế cấp. Về tên của cơ sở, hiện nay, theo nghị định 155, phòng khám y học cổ truyền dành cho đối tượng là bác sĩ, y sĩ. Phòng chẩn trị là cho lương y. Đối tượng thứ 3 nữa là bài thuốc gia truyền. Tất cả phải có giấy phép.

Hiện một số sở y tế đăng tải danh sách phòng khám nói chung và các cơ sở y tế, phòng khám y học cổ truyền nói riêng được cấp giấy phép hoạt động lên website. Người dân có thể check thông tin chính thống từ đó.

Ngoài ra, còn có nhiều quy định về trang phục, biển hiệu, tên gọi y sĩ hay y tá, phòng khám phải rộng bao nhiêu, trang thiết bị ra sao, giá thuốc như thế nào… Chẳng hạn, phòng khám có giấy phép hợp pháp nhưng người hành nghề mặc quần áo thường là sai.

Hiện nay rất nhiều người xưng mình là danh y nhưng trong luật khám, chữa bệnh, không có danh xưng này. Trong chứng chỉ hành nghề, sẽ ghi rõ bác sĩ, y sĩ, lương y hay cử nhân.

- Trong y học cổ truyền, những vị thuốc được kê không đúng sẽ gây nên hậu quả gì?

- Tất nhiên có hại rồi. Thuốc kê không đúng thì không chữa được bệnh, chưa kể những phản ứng phụ, ngược lại với tình trạng bệnh. Chẳng hạn, người đang bệnh hàn lại cho thuốc hàn vào hoặc bệnh nhiệt lại cho thuốc nhiệt là cấm kỵ. Đông y gọi là “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng” (người có bệnh nhiệt hoặc cơ địa nhiệt dùng thuốc nhiệt thì phát điên cuồng), “Hàn ngộ hàn tắc tử” (người có bệnh hàn hoặc cơ địa hàn mà dùng thuốc hàn có thể dẫn tới chết người).

- Nhiều người quảng cáo là thuốc Đông y an toàn hơn thuốc Tây để người dân mua thuốc. Điều này có cơ sở hay không?

- Quan điểm của Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền là phải kết hợp y học cổ truyền và hiện đại. Chúng ta không nên coi trọng bên nào. Thậm chí, trong cùng bệnh, giai đoạn này chữa y học hiện đại tốt hơn, giai đoạn khác lại phải chữa bằng y học cổ truyền, không thể nói cái này hơn cái kia mà tùy từng bệnh cũng như giai đoạn của nó. Chúng tôi cũng đã có những phác đồ, chẩn đoán điều trị của từng bệnh, trong đó, hướng dẫn dùng thuốc cho từng giai đoạn, bao gồm cả y học cổ truyền và hiện đại. Do đó, nói rằng không nên dùng loại thuốc nào đó là không đúng.

- Ông có khuyến cáo với người dân?

- Đối với y học cổ truyền, người dân nên tìm những cơ sở hợp pháp: Những cơ sở của nhà nước, phòng khám, phòng chẩn trị có ghi rõ giấy phép, được sở y tế địa phương hoặc Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, ghi rõ thời gian. Cơ sở đó buộc phải treo chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, phạm vi chuyên môn là gì cũng như biển hiệu rõ ràng. Đó là những vấn đề cơ bản, người dân có thể quan sát từ bên ngoài. Người dân không nên xem những quảng cáo trên mạng và tin theo. Khi xem, phải kiểm tra lại theo những thông tin trên, cẩn trọng bởi họ hoàn toàn dựng, giả mạo được.

Giải mã bài thuốc chữa tiểu đường của bà Nguyễn Thị Nghê Các chuyên gia nhận định bài thuốc của bà Nguyễn Thị Nghê không thể chữa khỏi bệnh tiểu đường như quảng cáo.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-quan-ly-ma-xem-quang-cao-sai-lech-ve-dong-y-toi-rat-buc-xuc-post1166018.html