Lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2017 tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, thị trường khá ổn định, hàng hóa phong phú và duy trì sự sẵn sàng về nguồn hàng để đáp ứng quan hệ cung - cầu; góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Từ thực tế này, dự báo lạm phát năm 2017 sẽ trong tầm kiểm soát.

Giá dịch vụ y tế tăng theo lộ trình, trực tiếp đẩy CPI tăng ở mức cao so với cuối năm 2016. Ảnh: Bá Hoạt

Đây là một kết quả khả quan nếu so với mục tiêu được đưa ra từ đầu năm là khống chế CPI tăng không quá 4%. Thế nhưng, vẫn cần phân tích một số nguyên nhân tác động, kích đẩy CPI tăng trong thời gian qua.

Trước hết, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình, trực tiếp đẩy CPI tăng ở mức cao là 29% so với cuối năm 2016. Tương tự, lộ trình tăng học phí diễn ra, làm cho chỉ số nhóm giáo dục 9 tháng qua tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm ngoái. Như vậy, hai nhóm hàng nhạy cảm nói trên là nguyên nhân hàng đầu đẩy CPI tăng lên. Tiếp theo, giá gas và xăng dầu mặc dù diễn ra xen kẽ giữa tăng và giảm (theo giá thị trường quốc tế), nhưng tựu chung vẫn là theo hướng tăng - yếu tố tác động đến CPI. Ngoài ra, nhu cầu du lịch, mua sắm bất động sản, vật liệu xây dựng có xu hướng tăng, kéo chỉ số giá của các nhóm liên quan gia tăng.

Ở chiều ngược lại, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nhìn chung trầm lắng nhờ nguồn cung liên tục và dồi dào; giá cước viễn thông khá ổn định đã góp phần khống chế mức tăng CPI trong 9 tháng. Như vậy, xét từ đầu năm đến nay, CPI không có diễn biến đột xuất, bất thường, nên vẫn tăng khá đều và ở mức vừa phải. Do đó, chưa xuất hiện mối lo lạm phát tăng mạnh hơn dự báo hay chỉ tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu cần tiếp tục dự báo, đong đếm các yếu tố sẽ tác động, có thể đẩy CPI tăng lên trong thời gian từ nay đến cuối năm. Theo đó, giá dịch vụ y tế và giáo dục khó có khả năng tăng mạnh; thị trường nông sản, chủ yếu là lương thực, thực phẩm và rau quả có thể giữ ở mức ổn định vì nguồn cung dồi dào; chỉ lưu ý tình huống thiên tai bất ngờ, đồng thời đặt ra bài toán cho hoạt động tích trữ, chuẩn bị bình ổn thị trường.

Nhưng, giá xăng dầu vẫn luôn là ẩn số, do chịu sự can thiệp và tác động nhiều chiều, phức tạp, từ các yếu tố khác nhau. Đơn cử, nếu có bất ổn về tình hình an ninh và chính trị ở Trung Đông chắc chắn sẽ gây ra sự khan hiếm nguồn cung nhiên liệu, đẩy giá xăng dầu thế giới lên cao. Từ đây, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp vì phải mua với giá cao, dẫn đến CPI trong nước tăng theo. Ngược lại, nếu tình hình ổn định, đặc biệt là có sự phối hợp về khai thác và xuất khẩu dầu thô giữa Nga và Arab Saudi thì thị trường nhiên liệu sẽ có xu hướng ổn định, tạo thuận lợi cho cả bên mua và bán.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc khống chế lạm phát trong ngưỡng cho phép luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, nhằm duy trì ổn định đời sống xã hội cũng như cán cân vĩ mô. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động điều hành, duy trì hài hòa quan hệ cung - cầu, nhất là chống khan hàng hoặc sốt giá ảo để bảo đảm ổn định giá.

Các ngành chức năng như hải quan, thuế, quản lý thị trường đã đồng loạt vào cuộc, tăng cường hoạt động nghiệp vụ nhằm lành mạnh hóa thị trường, phòng chống nạn buôn lậu, hàng giả, chống hiện tượng găm hàng, tạo cơn sốt hàng giả tạo. Trong đó, một số loại hàng mà người dân có xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm như rượu bia, quần áo, đồ gia dụng... đang ở trong “tầm ngắm” kiểm soát chặt chẽ của đơn vị chức năng. Với cách làm này cùng những diễn biến từ thực tế, hy vọng mức lạm phát năm nay sẽ trong tầm kiểm soát.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/880827/lam-phat-se-trong-tam-kiem-soat