Lạm phát: mối lo cũ mà mới

Lạm phát gần đây đang trở thành vấn đề 'nóng' trở lại sau những số liệu vĩ mô tháng 4 và diễn biến thị trường ngoại hối và vàng. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát và lập đỉnh vào quí 3 năm nay, trong kịch bản đường đi của đồng đô la Mỹ không bị chệch hướng kỳ vọng.

Không chỉ tỷ giá, các loại hàng hóa cũng có nhiều biến động từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến chi phí chung. Ảnh minh họa.

Không chỉ tỷ giá, các loại hàng hóa cũng có nhiều biến động từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến chi phí chung. Ảnh minh họa.

Lạm phát liệu trở thành mối lo mới?

Khi giá vàng tăng lên đáng kể, nhiều người hay so sánh với sự mất giá của tiền đồng. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 17% so với cuối năm 2023, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% trong bốn tháng đầu năm, so với cùng kỳ.

Dĩ nhiên, các tính toán chính sách tiền tệ đều phải dựa trên con số CPI, không thể dùng giá vàng thường chỉ biến động trong ngắn hạn. Biến số vĩ mô quan trọng đối với chính sách tiền tệ là lạm phát, lại không được nhắc đến nhiều từ năm 2023 đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất liên tục giảm.

Ngược lại, sau số liệu vĩ mô tháng 4 cũng như những biến động lớn trên thị trường ngoại hối gần đây, áp lực lạm phát lại được nhiều chuyên gia nhắc đến.

“Lạm phát dường như đã trở thành một vấn đề sát sườn. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm rưỡi lạm phát tăng đến gần mức trần 4,5%”, báo cáo của HSBC đánh giá.

Theo số liệu thống kê, CPI tháng 4 tăng 1,19% so với tháng 12-2023 và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Còn CPI cơ bản tăng đến 2,81%. Con số CPI gần như đúng với dự báo của thị trường chung, cũng theo đánh giá của HSBC.

Lý do tăng trong những tháng đầu năm nay được giải thích là vì giá dầu và giá thực phẩm tăng. Điều này càng minh họa thêm cho mức độ dễ bị ảnh hưởng của Việt Nam trước những biến động của thị trường hàng hóa thế giới.

Bên cạnh việc lạm phát trong nước đang gia tăng do các yếu tố chi phí như lương thực và năng lượng, một câu chuyện khác cũng ảnh hưởng lớn đến sự mất giá của tiền đồng là tỷ giá. Trong đó, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng với đô la Mỹ kéo dài trong thời gian qua được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu đi của tiền đồng, theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank.

Không chỉ tỷ giá tăng, thêm một diễn biến mới trong năm nay là giá vàng tăng cao bất thường, từ đó gây áp lực ngược lại lên câu chuyện tỷ giá, tạo áp lực lên lạm phát, dẫn đến những tâm lý lo ngại lạm phát sẽ còn tăng. Vàng được xem là một câu chuyện mới, dẫn đến mối lo lạm phát trong năm nay.

Lạm phát toàn phần tăng nhanh trong tháng 4 trong khi lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước. Các yếu tố tăng giá tập trung ở thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, giao thông. Nguồn: Maybank, CEIC.

Lạm phát toàn phần tăng nhanh trong tháng 4 trong khi lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước. Các yếu tố tăng giá tập trung ở thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, giao thông. Nguồn: Maybank, CEIC.

Kịch bản lạm phát lập đỉnh quí 3?

Chứng khoán Maybank trong báo cáo mới nhất cũng đã nâng mức dự báo lạm phát toàn phần lên mức 3,7% từ mức 3,5% trước đó, đồng thời nói rằng “kỳ vọng NHNN sẽ sớm có hành động thận trọng”.

Nhưng con số 3,7% này xem ra vẫn còn thấp hơn nhiều dự báo khác, trong bối cảnh mức mục tiêu của Chính phủ đặt ra hồi đầu năm là 4,5%. Còn trong tháng 4 vừa qua, Bộ tài chính cập nhật thêm 2 kịch bản khác là ở mức 3,64% và 4,05%, tức điều chỉnh tăng nhẹ so với các kịch bản trước đó.

Theo các báo cáo đánh giá của các định chế tài chính, mức 4% là con số dự báo phổ biến. Theo HSBC, một kịch bản “tốt” là lạm phát có thể vượt trần 4,5% trong quí 2, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi giảm xuống dưới mức 4% vào quí 3-2024.

Kỳ vọng của các chuyên gia về việc lạm phát lập đỉnh trong quí 3 và đi xuống vào cuối năm, có vẻ như dựa nhiều vào câu chuyện của lãi suất đồng đô la Mỹ.

Theo dự báo mới đây của Ngân hàng UOB công bố đầu tháng 5, rủi ro vẫn còn nằm ở việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, nhưng vẫn giữ dự báo hai lần cắt giảm vào tháng 9 và tháng 12.

Điều này đồng nghĩa với việc áp lực lên tiền đồng sẽ còn tiếp diễn cho đến hết quí 3 năm nay. Dự báo của UOB đưa ra cho rằng tỷ giá sẽ giảm xuống dưới 25.000 đồng vào cuối năm.

“Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng tiền đồng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng nhân dân tệ”, báo cáo của UOB lý giải cho dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt.

Bên cạnh câu chuyện tỷ giá, theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, trong thời gian tới, áp lực lạm phát cần được chú ý khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc trở lại, với mức mục tiêu là 15% trong năm nay.

Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát còn từ việc điều chỉnh giá dịch vụ một số do nhà nước quản lý, bao gồm giá điện, y tế, giáo dục và khung giá một số dịch vụ vận tải.

Có nhiều lý do để lo ngại khi lạm phát quay trở lại, dù ở thời điểm này vẫn còn sớm để nói khi dư địa kiểm soát còn dồi dào. Mặt khác, sự thay đổi của các biến số vĩ mô quốc tế, địa chính trị cũng khó có thể đoán trước, cũng như tránh khỏi những biến động giá hàng hóa liên quan.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng Chính phủ vẫn đang đặt ưu tiên cao hơn cho việc phục hồi kinh tế, nghĩa là chấp nhận lạm phát ở mức độ phù hợp nhất định. Nhưng nếu lạm phát ở mức cao, khả năng chính sách tiền tệ sẽ phải thích ứng theo phương thức mạnh mẽ hơn hiện nay.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-moi-lo-cu-ma-moi/