Lạm phát chi phí chuỗi cung ứng do khủng hoảng Biển Đỏ có thể đã đạt đỉnh

Lạm phát chi phí trong chuỗi cung ứng do tác động của cuộc khủng hàng hải Biển Đỏ có thể đã lên đến đỉnh điểm ở các tuyến thương mại quan trọng.

Theo dữ liệu của Xeneta, nền tảng theo dõi giá cước vận tải biển và hàng không của Na Uy cho biết, cước phí trên các tuyến đường biển từ châu Á đến châu Âu và Địa Trung Hải đang bắt đầu giảm. Nhưng riêng đối với tuyến thương mại đường biển từ châu Á đến Mỹ, giá cước vẫn đang tăng.

Tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ vẫn đang diễn ra nhưng dữ liệu của Xeneta cho thấy giá cước trung bình để vận chuyển container 40 foot từ châu Á đến Địa Trung Hải và Bắc Âu đang giảm so với hồi giữa tháng 1. Ảnh: Al Jazeera

Các chủ hàng đàm phán giá cước thấp hơn

Trao đổi với CNBC trong tuần này, Xeneta cho hay giá cước ngắn hạn trung bình vào đầu tháng tháng 2 này đối với container 40 foot ở các tuyến đường biển quan trọng giảm nhẹ so với hồi giữa tháng 1.

Cụ thể, giá cước trung bình để vận chuyển container 40 foot từ châu Á đến Địa Trung Hải được ấn định ở mức 5.950 đô la Mỹ vào đầu tháng 2, thấp hơn so với mức 6.050 đô la vào ngày 16-1. Trên tuyến thương mại từ châu Á đến Bắc Âu, giá cước vận chuyển container 40 foot được ấn định là 4.820 đô la vào đầu tháng, thấp hơn một chút so với mức đỉnh 4.850 đô la thời điểm 16-1. Nhưng đối với các chủ hàng là doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ, giá cước vận chuyển container vẫn đang tiếp tiếp tục tăng ở tuyến từ châu Á đến Bờ Đông của Mỹ.

“Dựa trên thực tế, mức tăng giá cước chung trong tháng 2 thấp hơn dự đoán. Điều này cho thấy, các hãng vận tải biển đã buộc phải đàm phán với các chủ hàng”, Emily Stausbøll, nhà phân tích thị trường của Xeneta nói. Giá cước chung được Xeneta tính toán dựa trên mức giá cước trung bình của tất cả các tuyến thương mại đường biển quan trọng.

Stausbøll nhận xét rằng, một số chủ hàng đang trì hoãn vận chuyển hàng để đàm phám mức giá cước thấp hơn. Vì vậy, lãi giá cước vận tải biển bắt đầu ổn định hoặc giảm sớm hơn nhiều dự đoán trong tháng 2.

Trong khi đó, đại diện của các hãng dịch vụ hậu cần cũng cho biết, họ có khả năng đàm phán mức giá cước thấp hơn vào lúc này.

Theo Peter Sand, nhà phân tích của Xeneta, các cuộc đàm phán riêng lẻ diễn ra giữa chủ hàng và nhà cung cấp dịch vụ đường biển sẽ có nhiều kết quả khác nhau. Ông lưu ý điều này tạo rất nhiều rủi ro trên thị trường.

Trong cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ hiện nay, một số chủ hàng vẫn được giữ nguyên giá cước đã ký kết trong các hợp đồng trước đây. Nhưng một số chủ hàng khác bị tính thêm các khoản phụ phí và cũng có một số chủ hàng bị hủy bỏ hợp đồng. Peter Sand giải thích, các các hãng vận tải biển và các công ty dịch vụ giao nhận thường đối xử ưu ái hơn với những khách hàng lớn nhất của họ.

Các hàng tàu sẽ cơ cấu lại dịch vụ sau Tết

Chi phí vận chuyển container giao ngay ở một số tuyến đường biển quan trọng có lúc tăng lên tới 10.000 đô la khiến một số chủ hàng chuyển sang vận tải hàng không. Các chuyên gia lo ngại ngành vận tải biển lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ để tăng giá cước quá mức.

“Trong bối cảnh thị trường có nhiều bất trắc các bên đang đổ lỗi lẫn nhau. Các hãng vận tải hàng hóa đường biển không tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay và họ cần có thời gian để thiết lập mạng lưới vận chuyển mới nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn”, Sand nói.

Theo Công ty tư vấn hàng hải Sea-Intelligence, độ trễ giao hàng trung bình của các tàu thay đổi lộ trình để tránh Biển Đỏ đã tăng 0,3 ngày so với tháng trước. Nhưng nhà phân tích Emily Stausbøll cho rằng, sau Tết Nguyên đán các hãng vận tải biển có cơ hội sắp xếp lại dịch vụ và sẽ cộng thêm thời gian vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng.

Stausbøll cho biết, các hãng vận tải biển vẫn còn rất nhiều tàu chưa sử dụng. Vì vậy, khi số tàu này được bổ sung, độ trễ giao hàng sẽ giảm xuống. Chuyên gia này cũng dự báo các tuyến thương mại đường biển lớn khác cũng sẽ đi theo xu hướng giảm giá cước như tuyến hàng hải Á-Âu.

Resilinc, một đơn vị phân tích cuộc khủng hoảng nhận định, các tổ chức trong chuỗi cung ứng sẽ phân hóa rõ nét và các tổ chức có nguồn vốn dồi dào sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này với kết quả tốt hơn. Trong khi đó, các công ty và nhà cung cấp nhỏ ở cấp thấp hơn trong chuỗi cung ứng sẽ cảm nhận rõ hơn tác động của việc hủy hoặc trì hoãn các đơn đặt hàng cũng như chi phí gia tăng.

Theo CNBC

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-chi-phi-chuoi-cung-ung-do-khung-hoang-bien-do-co-the-da-dat-dinh/