Làm phân bón giả: Tăng phạt gấp 7 lần, đóng cửa nhà máy

Hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón sẽ bị tăng mức phạt hành chính gấp 7 lần so với hiện tại, thậm chí các đơn vị không chấp hành có thể bị xem xét tước giấy phép, đóng cửa nhà máy.

Phân bón giả vừa làm hại nền nông nghiệp vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón làm ăn chân chính. Ảnh minh họa.

Đó là thông tin vừa được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (20/10).

Theo ông Hoàng Trung, ngày 20/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013. Nghị định mới ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, kẽ hở, những vấn đề chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn… dẫn đến thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng thời gian qua.

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, XK, NK, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Theo đó, việc quản lý phân bón sẽ giao cho một đầu mối duy nhất là Bộ NN&PTNT với những thay đổi trong phương thức quản lý, từ công bố hợp chuẩn, hợp quy đến việc đặt tên, nhãn mác và quảng cáo...

Cũng theo ông Hoàng Trung, hiện nay Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón đang được xây dựng. Nội dung của Nghị định cơ bản kế thừa những quy định cũ, tuy nhiên có bổ sung, tăng thêm các mức xử phạt. Ví dụ, mức phạt vi phạm hành chính tăng gấp 7 lần so với trước đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn bổ sung biện pháp như thu hồi giấy chứng nhận của DN trong 12-14 tháng, nếu vẫn vi phạm sẽ rút vĩnh viễn; thậm chí đóng cửa nhà máy nếu không chấp hành mức phạt khi vi phạm, đồng thời bổ sung các biện pháp khắc phục.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: Thị trường phân bón đang phát triển tự phát. Khi kiểm tra đã có tình trạng, kiểm tra hơn 50 cơ sở sản xuất phân bón thì có tới 20 cơ sở không có giấy phép.

Bởi vậy, nếu không quản lý chặt thị trường phân bón sẽ rất khó xử lý tình trạng phân bón giả tràn lan. “Đề nghị cần xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón trước đây. Làm được như vậy mới đủ sức răn đe, không tạo tiền lệ xấu cho quản lý phân bón trong thời gian tới”, ông Thúy nói.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-phan-bon-gia-tang-phat-gap-7-lan-dong-cua-nha-may.aspx