Làm mới trên vốn cũ

Để đưa nghệ thuật chèo truyền thống đến gần hơn với công chúng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần bảo lưu, phục hồi các tác phẩm, trích đoạn chèo cổ, bên cạnh đó khai thác, làm mới chất liệu, ngôn ngữ múa.

Phục hồi chèo cổ

Lâu nay chèo vẫn hoạt động, các hội thi, hội diễn chèo chuyên nghiệp vài năm một lần “nở rộ” huy chương các loại. Tuy nhiên, hội diễn xong, các vở diễn lại được cất kho, sân khấu chèo chẳng mấy khi sáng đèn, bởi vì "không theo kịp đời sống và chẳng có gì mới".

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” mới đây, PGS.TS Phạm Duy Khuê nhận xét, đội ngũ người làm chèo ở nước ta hiện chưa nhận diện được con người và đời sống đương đại, chưa thật sự nắm vững và thực hiện thi pháp nghệ thuật chèo cách mạng, càng mơ hồ về thi pháp chèo đương đại.

Cảnh trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính" của Nhà hát Chèo Việt Nam

Nguồn: nhahatcheovietnam.vn

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đồng thuận, để kéo khán giả đến sân khấu chèo thì những người làm nghề phải nỗ lực đổi mới trên các phương diện, trong đó có phục hồi chèo cổ. TS. Nguyễn Thị Thanh Vân, Viện Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, lấy ví dụ, tác giả Trần Huyền Trân trước kia từng chỉnh lý kịch bản chèo cổ Quan Âm Thị Kính rất thành công. Ông đã làm cho ngôn ngữ văn chương của vở chèo cô đọng, gần gũi với khán giả đương thời.

Việc làm mới vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Hà Nội được PGS.TS Phạm Duy Khuê đánh giá: “Hai thể thơ thất ngôn và lục bát không chỉ đắm đuối trong tình cảm của Trần Huyền Trân, tạo nên chất say nghệ sĩ trong ông mà còn là ‘bệ phóng’ để ngoài bốn mươi tuổi ông chuyển sang làm chèo như một thể nhân gốc chèo, đặc biệt là viết ca từ cho làn điệu trong các vở chèo có tích xưa”.

Cũng là vở diễn Quan Âm Thị Kính, tại Hội diễn Sân khấu chèo truyền thống toàn quốc 2001, Đoàn Chèo Thái Bình đã tái hiện không gian của đình làng cùng nhiều yếu tố khác, tạo ra không khí của những đêm chèo sân đình khi xưa. Theo TS. Phạm Việt Hà, sự trở về dù chỉ trong cảm giác cũng khiến người xem bâng khuâng, nao nức.

Có thể thấy, thành công trong phục hồi chèo cổ ngoài kịch bản, còn là sự uyên thâm, am hiểu cách dùng điển tích, điển cố trong văn thơ cổ các làn điệu chèo, làm cho vở diễn cuốn hút người xem. Do vậy, cần định hướng chọn những tác phẩm đỉnh cao, mang tính kinh điển để phục dựng. Bên cạnh đó là khâu chọn êkíp sáng tạo, như tác giả chỉnh lý, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mĩ thuật, âm nhạc... "Bởi vì mục đích của việc phục dựng chèo cổ để thành lập ngân hàng dữ liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn và các trường nghệ thuật…”, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân nói.

Cách tân để thích ứng và phát triển

Việc giữ gìn bản sắc truyền thống là cần thiết, nhưng theo các nhà chuyên môn, chèo cũng cần làm mới để thích ứng với thời đại và phát triển. Như vậy, chèo phải cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ, vừa lưu giữ truyền thống, vừa đổi mới, hòa nhập trên cơ sở của truyền thống. Cách tân không có nghĩa là “phá chèo” hay làm biến đổi nghệ thuật chèo.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Vân, những năm đầu thế kỷ XX, các tác giả cũng cách tân chèo nhằm đáp ứng nhu cầu khán giả. Trên cơ sở các làn điệu chèo cổ, các tác giả đã cho ra đời chèo văn minh, chèo cải lương. Những vở diễn này được bổ sung các làn điệu của dân ca, ca Huế, diễn “hát tuồng cải lương” rồi “cải lương tân kịch”; về trang trí tả thực và phục trang thì “hiện đại hóa”, “đời thường hóa” để gần với khán giả. Sự ra đời các tác phẩm chèo cải lương của các soạn giả Nguyễn Như Ngọc, Nguyễn Thúc Khiêm (11 vở), Nguyễn Đình Nghị (60 vở)... đã thích ứng với hoàn cảnh xã hội mới, phù hợp với sự phát triển tất yếu khách quan của giao lưu văn hóa.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cũng cần khai thác chất liệu, phản ánh hiện thực đời sống, ngôn ngữ múa của chèo. TS. Nguyễn Thúy Hường cho biết: “Đây là công việc khó khăn, bởi đứng trước thách thức vẫn kế thừa được những nguyên tắc đặc trưng của múa chèo truyền thống nhưng phải diễn tả đúng và điển hình hóa những vấn đề xã hội, những tính cách con người đã hiện diện trong đời sống, trong cuộc tiếp biến văn hóa có cả mặt tích cực và tiêu cực”.

Theo TS. Nguyễn Thúy Hường, nghệ sĩ múa vẫn phải giải quyết hài hòa giữa kế thừa và biến đổi sao cho giá trị của múa trong chèo hiện nay vừa giữ được đặc trưng truyền thống, vừa diễn tả được cuộc sống mới, tính cách mới, từ đó tạo nên những giá trị mới.

Thực tế, sự tham gia của các biên đạo múa trong hầu hết vở chèo từ năm 1965 trở lại đây đã góp phần không nhỏ vào thành công của những vở chèo mới. Một số lớp diễn như: Hồng Liên (vở Những cô gái mặt đường), Sử Hoàn (Tấm vóc đại hồng), Thúy Điệu (Những cô thợ dệt), Hoa Nẻng (Tình rừng), Vua say (Dây tràng hạt diệu kì), Chôn hề (Bộ ba Bài ca giữ nước) và một số lớp diễn vở Chuyện tình trên bến Nam Xang được đánh giá cao trong việc sử dụng hợp lý yếu tố múa kết hợp với hát, diễn, làm nổi bật hình tượng nhân vật.

Đại diện Nhà hát Chèo Hải Dương nêu ý kiến, với lối diễn dùng ít lời, chủ yếu dựa vào biểu hiện của cơ thể; cử chỉ, động tác mô phỏng và múa hát, biên đạo múa đã đem đến cho các nhân vật và vở diễn chèo dấu ấn riêng. Những yếu tố này hòa hợp với nhau, quyện lại thành biểu hiện thống nhất, mang tính độc đáo của nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống.

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-moi-tren-von-cu-2xh865yodt-82000