Làm mới sản phẩm nông nghiệp

Từ nguồn tài nguyên bản địa, nhiều doanh nhân trẻ đã tạo ra những sản phẩm mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp bền vững dựa trên công nghệ và kiến thức.

Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol

Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol

Năm 2024, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol liên tiếp nhận được tin vui. Đầu tiên sản phẩm trà atiso đỏ của Hichagol lên kệ tại siêu thị Đà Nẵng, cạnh tranh cùng những sản phẩm trà có thương hiệu tên tuổi trên thị trường. Tiếp đó, là những đơn hàng đầu tiên từ các sản phẩm của công ty có mặt trong siêu thị Go tại Huế. Năm 2023, là một năm khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp (DN), song Hichagol vẫn đạt kế hoạch ngoài mong đợi. Đơn hàng dịp tết vừa qua tăng hơn 200% so với kế hoạch công ty đề ra. “Chúng tôi đang phân phối qua các kênh thương mại điện tử để tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa, mục tiêu trong năm 2024 là sẽ chinh phục được thêm hệ thống siêu thị”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, người sáng lập thương hiệu Hichagol kỳ vọng. Đây là những bước đệm, giúp công ty tự tin cho những chặng đường sắp tới đang rộng mở.

Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol cũng đang sẵn sàng tiến ra nước ngoài, nhờ lợi thế chủ động được vùng nguyên liệu rộng lớn, đạt chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất đạt chuẩn, thân thiện với môi trường.

Không được đào tạo chính quy trong ngành nông nghiệp, nhưng tình yêu với cây atiso đỏ cùng sự cảm thông với đời sống vất vả của người nông dân đã thôi thúc doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền sáng lập công ty. Cô có những tư duy bài bản, hiện đại để kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Từ nguồn nguyên liệu đầu vào là hoa atiso đỏ, DN chế biến thành các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay, như mứt dòn, mứt dẻo, các siro cô đặc, nước uống giải khát đóng chai có lượng khoáng cao, giúp cơ thể bổ sung năng lượng, cân bằng quá trình điện giải.

Không chỉ DN trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện có không ít CEO trẻ tìm cách đánh thức những sản phẩm nông nghiệp theo một tầm cao mới.

Từ các sản phẩm đơn sơ, mộc mạc, họ nâng cấp thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Bộ sưu tập “Nón cỏ bàng” với tên gọi “Chuyển hóa” của thương hiệu Công Ty TNHH Maries mang thông điệp đổi mới và kế thừa. Lấy cảm hứng từ hình ảnh chú bướm mỏng manh vươn mình thoát khỏi kén, bay lượn rực rỡ trên hoa sen, bộ sưu tập "Chuyển hóa" tượng trưng cho sự đổi mới và kế thừa của làng nghề đan đệm bàng tồn tại hơn 500 năm tại vùng đất Cố đô.

CEO Công Ty TNHH Maries Hồ Sương Lan nhớ lại, cách đây 3 năm về làng Phò Trạch (xã Phong Bình, Phong Điền) dã ngoại, xem các nghệ nhân đan và làm các sản phẩm từ cây cỏ bàng. Những sản phẩm mộc mạc, tinh tế từ cỏ bàng đã níu chân chị. “Mình vui và xúc động trước tâm tình của người dân về nghề, về mong muốn gìn giữ, bảo tồn sản phẩm văn hóa, nét riêng độc đáo của làng Phò Trạch. Dẫu vậy, tiềm năng vẫn chưa được khai thác trọn vẹn. Thị trường còn giới hạn và quy mô sản xuất nhiều hạn chế”, Sương Lan bày tỏ.

Ý tưởng phát triển sản phẩm thủ công, “handmade” từ cỏ bàng được ra đời từ đó. Cô tìm gặp “đối tác”, trao đổi ý tưởng, tỉ mỉ chọn nguyên liệu, cùng team thiết kế mẫu. Nhờ được phối với vải linen, zèng, thổ cẩm… và nhuộm màu thủ công, cỏ bàng như bừng sức sống mới với đa sắc màu da lan, xanh coban, cam đất, tím Huế.

Khéo tay với những sản phẩm đan từ cỏ bàng, bà Nguyễn Thị Liên, người làng Phò Trạch, thợ chính hợp tác với Lan chia sẻ: “Cũng là túi xách, cái mũ nhưng chúng tôi làm những mẫu có kiểu dáng đẹp, tinh xảo hơn. Nhờ đó, người thợ có thu nhập khá tốt. Đơn đặt hàng cũng liên tục gửi về”. Hiện thương hiệu Marie’s trở thành mặt hàng thời trang thân thiện theo chân khách đến nhiều vùng đất, quốc gia...

Tương tự, sau 7 năm khởi nghiệp, thương hiệu yến sào Anna của CEO trẻ Lê Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Yến sào xứ Huế Anna đang ngày càng khẳng định thương hiệu và chinh phục thị trường bằng chất lượng sản phẩm. Không chỉ đảm bảo chất lượng, công ty còn tập trung đa dạng sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác để sản phẩm không chỉ “tốt gỗ mà còn tốt cả nước sơn”.

Các doanh nhân trẻ chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp đều có khả năng học hỏi, tiếp cận các kiến thức nông nghiệp nhanh. Họ có tư duy tốt về tài chính, thị trường; biết cách sử dụng công nghệ, thậm chí tự sáng tạo ra công nghệ để tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh, chưa có thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp trẻ đang kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp. Song từ các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỷ lệ những doanh nhân trẻ thuộc lĩnh vực này khá nhiều. Không ít trong đó đã dành vị trí quán quân. Tiêu biểu, có dự án “Bánh ép Thuận An-Pizza giòn chinh phục thế giới”, chàng trai trẻ Ngô Đức Vương, Giám đốc Công ty TNHH MTV TP Seafood; dự án "Ngũ cốc Mộc An - Hành trình để phát triển bền vững" của Hoàng Thị Cẩm Nhung, 33 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp xanh Mộc An; mô hình "Đậu phộng tỏi ớt" của Ngô Minh Hiếu, Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú Huenus…

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp của của doanh nghiệp trẻ thường có những điểm chung đó là đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất, gắn bó với thiên nhiên, quan tâm gia tăng sức mạnh địa phương, quan tâm đến cộng đồng. “Đây là những điểm nằm trong xu hướng tiêu dùng của thế giới. Điều này cho thấy, các bạn đã hội nhập tốt”, ông Hồ Thắng cho biết.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/lam-moi-san-pham-nong-nghiep-140826.html