'Làm mới' sách sử

Sách lịch sử luôn là mảng vừa khó viết, vừa khó hấp dẫn bạn đọc. Chính vì thế, số lượng tác giả theo đuổi dòng sách này không nhiều, nếu không nói là đếm trên đầu ngón tay. Gần đây, có những cuốn sách sử nổi lên như một hiện tượng, thu hút đông đảo bạn đọc. Điều đó cho thấy, nếu sách lịch sử có cách viết thu hút, vẫn có thể hấp dẫn bạn đọc như sách văn học thông thường.

Triển lãm tranh minh họa sách lịch sử của họa sĩ Tạ Huy Long.

Triển lãm tranh minh họa sách lịch sử của họa sĩ Tạ Huy Long.

Số lượng tác phẩm và tác giả viết sách lịch sử hiện nay không nhiều. Nhưng vài năm trở lại đây, có những tác phẩm đặc biệt thu hút và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, như “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, “Trần Khánh Dư” và “Trần Quốc Toản” của Lưu Minh Sơn, “Sử Việt 12 khúc tráng ca” của Dũng Phan, hay tác phẩm được minh họa kỳ công “Lĩnh Nam chích quái” do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ ít nhiều đã tạo ra được những làn sóng yêu thích từ phía độc giả. Mỗi tác giả đã có những cách làm khác nhau để tạo nên sức hấp dẫn trong tác phẩm của mình.

Đối với Lưu Sơn Minh, muốn viết sử hay phải thực sự đam mê với sử. Anh chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi bị nhốt trong nhà cả ngày và chỉ có mỗi thú vui duy nhất là đọc sách. Tôi đã sống trong các cuốn sách lịch sử sống động của bác Hà Ân và mỗi khi bắt tay vào viết, tôi cứ thế nghĩ lại về những nhân vật xưa đã sống như thế nào, đã yêu như thế nào”.

Truyện tranh lịch sử là một trong những thể loại khiến nhà văn Lưu Sơn Minh say mê hồi nhỏ. Anh kể: “Hồi đó chưa có nhiều phim ảnh, phương tiện giải trí như bây giờ. Tôi thích mê các nhân vật lịch sử trong truyện, hồi nhỏ tôi và các bạn bè cũng hay thi nhau tự vẽ về nhân vật mình yêu thích, và nếu có ai vẽ được như mình hình dung, thì ngưỡng mộ lắm”.

Cũng có một tuổi thơ “đắm chìm” trong sách truyện, đặc biệt là truyện lịch sử của nhà văn Hà Ân, họa sĩ Tạ Huy Long lại có một cảm nhận tương đối khác. Anh chia sẻ: “Tôi thường tưởng tượng mình đứng trong không gian đó, giữa trận đánh, hay một ngôi đình, ngôi chùa nào đó, thậm chí tưởng tượng mình sống trong thời kỳ đó như thế nào. Tôi hình dung ra con người thời đó nói chuyện với nhau như thế nào, sống như thế nào…”.

Tạ Huy Long cho rằng: “Mọi người thường hay nói về tính thuần Việt trong truyện tranh lịch sử, tuy nhiên tôi cho rằng chất thuần Việt không thể hiện ra cụ thể. Bản thân văn hóa của người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ rất nhiều nền văn hóa khác. Tôi đọc và xem nhiều, rồi nó cứ thế ngấm vào trong đầu, mỗi khi cần vẽ tôi lại lấy ra, giống như một sự sắp xếp lại văn hóa, không gian xưa của người Việt. Không phải vẽ những gì mình nhìn thấy mà vẽ những gì mình cảm thấy”. Đối với họa sĩ, phải có một đường link về tâm thức trong mỗi tác phẩm của mình.

Đối với họa sĩ, một câu chuyện lịch sử hấp dẫn là phải làm rõ ra được cuộc sống của nó. Đối với tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” có tính hoang đường, anh lựa chọn gam màu chủ đạo là màu nâu của bụi đất, của da ngựa, của vũ khí chế tạo thô sơ… “Tôi thường quan sát thật kỹ để khi cần có thể vẽ đầy đủ hết sức những chi tiết. Tôi luôn có tham vọng tái hiện được lịch sử trong những cuốn truyện tranh của mình, tuy nhiên Việt Nam rất thiếu các tài liệu, tư liệu về lịch sử. Những tác phẩm của tôi mới chỉ dừng ở mức độ để tôi có thể chu du trong dòng chảy của thời kỳ lịch sử đó”.

Họa sĩ chia sẻ: “Khi vẽ, tôi tôn trọng cảm xúc của mình, cảm xúc nào đến trước thì tôi thể hiện trước. Đi sâu vào cảm xúc của mình là điều vô cùng quan trọng. Tôi thường hình dung ra câu chuyện trước, sau đó mới vẽ đến bố cục. Vẽ bố cục dễ nhất, tưởng tượng ra không gian của câu chuyện mới mất nhiều thời gian”.

Còn nhà văn Lê Minh Sơn chia sẻ: “Mỗi khi bắt tay vào viết một cuốn sử, tôi thường tâm niệm rằng sách lịch sử phải là những câu chuyện sống động chứ không phải là những dòng kể cứng nhắc và khô khan. Tôi mong các bạn đọc nhỏ của tôi cũng được sống trong không khí của những câu chuyện lịch sử, giống như tôi đã từng trải qua với các câu chuyện của bác Hà Ân”.

Một dòng chảy mới của văn học lịch sử, hay là văn học lịch sử đang tự làm mới mình, đó là những dấu hiệu tốt đẹp để khơi gợi sự yêu thích sách sử ở bạn đọc trẻ. Nhưng để dòng chảy này thực sự mạnh mẽ và lâu dài, rất cần đến sự thay đổi về tư duy cảm nhận và viết của những nhà văn đam mê dòng văn học khó này.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34426402-%E2%80%9Clam-moi%E2%80%9D-sach-su.html