Làm hồi sinh sông Tô Lịch: Khó - nhưng không thể không làm

(HNM) - Tô Lịch xưa là con sông lớn của kinh thành Thăng Long, nay là con sông tiêu thoát nước thải cũng như nước mưa chính của TP. Giống như 3 con sông Kim Ngưu, Lừ, Sét, sông Tô Lịch đã bị "chết" từ nhiều năm nay. Nhằm cứu con sông lịch sử này và tăng khả năng tiêu thoát nước cho thành phố, mới đây lãnh đạo UBND TP đã nghe các sở, ngành trình bày Đề án cải tạo sông Tô Lịch.

Bị ô nhiễm nặng Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000 m3/ngày - đêm. Toàn bộ lượng nước thải này đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý, chiếm tới 90% tổng lượng nước thải công nghiệp và dịch vụ trên toàn TP xả thẳng vào nguồn nước mặt. Trung bình, mỗi ngày - đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, mà hầu hết lượng nước thải này đều chưa qua xử lý. Thống kê sơ bộ cho thấy, dọc tuyến sông Tô Lịch dài 14,6km có hơn 10 cửa xả lớn thu gom nước thải, khoảng 200 cống tròn đường kính 300 - 1.800mm và hàng trăm cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Mức độ ô nhiễm của sông được đánh giá là rất nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần, hoàn toàn không thể sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt. Từ nhiều năm nay, dòng sông chết này bốc mùi hôi thối rất khó chịu, gây bức xúc những hộ dân sống dọc hai bờ sông. Theo quan trắc của Sở TN&MT, vào mùa khô năm 2008, hàm lượng ô-xi hòa tan (DO) thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 2,5 lần, nhu cầu ô-xi hóa học (COD) vượt quá TCCP trung bình 4,2 lần, hàm lượng a-mô-ni-ắc (NH4+) vượt quá TCCP trung bình 17,3 lần, hàm lượng chất tẩy rửa vượt quá TCCP trung bình 6,5 lần, tổng số coliform vượt quá TCCP trung bình hơn 9.550 lần… Vào mùa mưa, mức độ ô nhiễm có giảm đi song nước sông Tô Lịch vẫn bị ô nhiễm nặng. Thu gom rác thải trên sông Tô Lịch. Ảnh: P.Thanh Tìm cách hồi sinh dòng sông chết Theo Sở TN&MT, nguyên tắc đầu tiên trong quá trình làm sống lại sông Tô Lịch là không cống hóa mà để dòng chảy tự nhiên. Tiếp đó, để làm nước sông bớt ô nhiễm, Sở đề xuất xây dựng hệ thống cống bao dọc sông để thu gom nước thải về trạm xử lý tập trung tại cuối nguồn. Đồng thời, trên từng đoạn sông sẽ xây dựng các trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ, tập trung vào hơn 10 cửa xả lớn. Thực tế, vào năm 1981, Hà Nội đã có ý tưởng dùng nước sông Hồng được lắng qua hệ thống hồ để "thau rửa" sông Tô Lịch. Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã không thành hiện thực bởi nhiều ý kiến cho rằng, nếu làm như thế sẽ ảnh hưởng tới môi trường nước của hồ Tây. Hiện tại, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cũng cho rằng, để cải thiện khả năng tiêu thoát, duy trì cân bằng nước và pha loãng nồng độ ô nhiễm cần bổ cập thêm nước tự nhiên cho sông Tô Lịch. Để làm được điều này, có một số phương án khác nhau như lấy nước từ hồ Tây, các hồ điều hòa, sông Hồng, sông Nhuệ. Có thể lấy nước sông Hồng vào dòng chảy sông Tô Lịch theo hướng khai thông dòng chảy cũ hoặc đấu nối thông qua sông Nhuệ. Địa hình dòng chảy của các sông hiện tại cho thấy, có thể bảo đảm cao độ dòng chảy... Tán đồng với ý kiến của ông Khánh, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gợi ý, có thể dùng phương án lấy nước sông Nhuệ qua trạm bơm Xuân Phương, chảy qua mương ở đường Nguyễn Hoàng Tôn và đổ vào sông Tô Lịch ở đường Hoàng Quốc Việt. Phương án này được các chuyên gia đánh giá là khả thi vì lấy nước từ đầu nguồn sông Nhuệ nên không bị ô nhiễm và tận dụng được dòng chảy tự nhiên. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng mới cống Liên Mạc, tăng lưu lượng nước từ sông Hồng chảy vào sông Nhuệ. Trong đó, có kế hoạch bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng 5 m3/s theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Dự tính, điểm lấy nước sông Nhuệ là ngay sau cống Liên Mạc, qua trạm bơm Xuân Phương và điểm bổ cập nước thuận lợi nhất cho sông Tô Lịch là qua cống Nghĩa Đô (chảy dọc công viên Nghĩa Đô và đường Nguyễn Khánh Toàn). Các số liệu cập nhật chỉ ra, lưu lượng thiết kế của cống này có thể bảo đảm cho việc bổ cập nước 5 m3/s. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hà Nội, trong quá trình đô thị hóa, các kênh mương đã bị ngắt quãng hoặc không còn trong quy hoạch (khu vực Cầu Giấy, Tây Hồ) hoặc gián đoạn (khu vực Tây hồ Tây). Do vậy, cần có nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch để duy trì hệ thống kênh mương này thì mới có thể bổ cập nước cho sông Tô. Đây cũng chính là điểm Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu các sở, ngành liên quan cần xem xét kỹ lưỡng. Tại Kỳ họp thứ 18 vừa qua, HĐND TP khóa XIII đã thông qua đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường gây bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội đến 2010". Dù được 100% đại biểu thông qua đề án trên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng phải thừa nhận, Hà Nội chỉ có thể hoàn thành những mục tiêu cụ thể với điều kiện cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, các cơ quan chức năng và người dân phải chung sức chung lòng. Điều này không chỉ đúng với đề án lớn của TP mà còn đúng với dự án thu gom và xử lý nước thải cho một đoạn sông Tô Lịch. Trong 9 chương trình dự án ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2010, UBND TP đã xây dựng Dự án thu gom và xử lý nước thải cho một đoạn sông Tô Lịch với tổng kinh phí dự tính khoảng 600 tỷ đồng. Trên cơ sở các phân tích đề xuất điểm bổ cập nước cho sông Tô Lịch, khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch sẽ được chọn để tiến hành thí điểm biện pháp thu gom và xử lý nước thải cho một đoạn sông khoảng 1km gồm 2 nội dung chính: xây dựng hệ thống thu gom nước từ khu vực cống Bưởi và thu gom các họng xả nhỏ dọc sông khoảng 1km; xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ đặt tại khu vực cống Bưởi. Đức Trường

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/14/214932/