Làm giàu từ nông sản an toàn

Gia đình anh Lê Anh Tuyên từng là hộ kinh tế khó khăn ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai). Nay nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, gia đình anh không chỉ có đời sống khá giả, mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Anh Tuyên (Bí thư Chi bộ xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, Võ Nhai) giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của địa phương.

Anh Lê Anh Tuyên (Bí thư Chi bộ xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, Võ Nhai) giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, gương mặt anh Tuyên luôn rạng rỡ bởi nụ cười tươi tắn. Nói về thành quả lao động của mình, anh tỏ rõ sự khiêm tốn, nhưng chúng tôi biết ở địa phương vùng cao như Cúc Đường, tìm được cách làm giàu không phải dễ và anh cũng đã trải qua nhiều thất bại.

Anh chia sẻ: Là người nông dân, bao năm tôi loay hoay mãi với cây lúa, cây ngô chỉ mong đủ ăn, chứ sao dám nghĩ tới chuyện làm giàu. Mãi tới năm 2012, tôi bàn với vợ con mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Qua một chu kỳ trồng rừng, tôi lại nhận ra, nếu thu nhập chỉ trông vào rừng cũng phải mất tới 7-8 năm. Nhiều đêm bản thân mất ngủ vì miên man nghĩ cách trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp? Sau đó, tôi đã dành dụm tiền từ bán cây rừng và quyết định cải tạo đất đai để trồng cây ăn quả có múi (cam, bưởi…). Nhưng khi cây cho thu trái thì cũng là lúc thị trường bão hòa, giá bán rẻ như cho. Lúc đó, tôi cũng nản nhưng quyết không đầu hàng.

Anh Tuyên đã “dấn thân” vào thị trường để tìm hiểu nhu cầu thực sự của người tiêu dùng và nhận thấy: Sản phẩm cây ăn quả vẫn là nhu cầu thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình, nhưng họ luôn dành sự ưu tiên cho sản phẩm sạch, an toàn. Giá những sản phẩm này cũng cao hơn hẳn so với sản phẩm truyền thống. Từ đó, anh Tuyên đã chịu khó tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Vẫn là 2ha cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, canh Vinh, cam V2…, nhưng đã được gia đình anh Tuyên chăm sóc, thu hái, bảo quản theo đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn VietGAP nên từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để nâng cao giá trị cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, anh đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn xóm Tân Sơn, gồm 3 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng, cây ăn quả, sản xuất chè hữu cơ, chăn nuôi thủy sản.

Anh Tuyên cho biết: Tôi và các thành viên Tổ hợp tác đang xây dựng các sản phẩm cây ăn quả đạt chứng nhận OCOP. Riêng gia đình tôi có 10ha rừng, thời gian tới sẽ xin được cấp chứng chỉ của ngành Kiểm lâm để nâng cao giá trị kinh tế rừng. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lê Anh Tuyên còn là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận nhiệt tình, năng động, mẫu mực, được các đảng viên và bà con tin yêu. Anh cho rằng, là người cán bộ, trước hết phải gương mẫu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản thân không ngừng học tập, trau dồi kiến thức về mọi mặt.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động đảng viên, quần chúng nhân dân trong xóm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động.

Cùng với đó, thông qua các hoạt động, anh và các đồng chí trong Chi ủy phát hiện những quần chúng ưu tú để giúp đỡ, rèn luyện, giới thiệu cho Đảng. Hiện nay, xóm Tân Sơn có 52 đảng viên, trở thành chi bộ có số đảng viên đông nhất Đảng bộ xã Cúc Đường và không có gia đình đảng viên nào thuộc diện hộ nghèo.

Năm 2023, anh Lê Anh Tuyên vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/lam-giau-tunong-san-an-toan-ab806f1/